Kể từ khi Thỏa thuận khí hậu Paris được thông qua bởi hơn 190 quốc gia vào năm 2015. Ảnh: TL
Siêu tập đoàn “đột phá zero”
Mặc dù đại dịch khiến cho hoạt động lữ hành bị đóng băng, nhưng tập đoàn kỹ thuật trụ sở tại Anh Rolls-Royce, với các khách hàng chính có cả ngành hàng không, vẫn không hề ngưng các nỗ lực làm giảm mạnh khí thải nhà kính, theo Dave Smith, Giám đốc Công nghệ Rolls-Royce.
Mới đây Rolls-Royce cho biết đã thực hiện các cuộc thử nghiệm đầu tiên đối với 100% nhiên liệu hàng không bền vững trong một động cơ dành cho máy bay tư nhân của các thương gia, một phần trong tham vọng giữ một vị trí dẫn đầu trong các nỗ lực net zero vào năm 2050. Rolls-Royce cam kết các cơ sở hoạt động của Công ty sẽ đạt mức trung lập carbon vào năm 2030. Smith cho biết mặc dù đại dịch khiến cho ngành hàng không chịu gánh nặng nợ và ảnh hưởng đến nguồn tiền mà Công ty rót vào các khoản đầu tư xanh nhưng tham vọng giảm thiểu khí thải carbon chỉ có mạnh mẽ hơn, chứ không hề sụt giảm.
Một sáng kiến do Anh hậu thuẫn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy những cuộc chuyển mình như thế trên khắp 28 ngành chủ chốt của nền kinh tế toàn cầu từ xi măng cho đến xe hạng nặng, nhựa, may mặc, tài chính và công nghệ.
Cụ thể, tháng 1 vừa qua, sáng kiến “Cuộc đua đến những đột phá Zero” đã chỉ ra những điểm bùng phát tạo bước ngoặt đối với mỗi ngành, nhận diện những gì mà người chơi chủ chốt trong ngành phải làm và khi nào phải đưa ra được thay đổi cần thiết để đáp ứng mô hình zero carbon vào năm 2050 hoặc sớm hơn. Sáng kiến này sẽ tạo ra một cuộc đua trong các ngành và giữa các ngành với nhau để đạt mục tiêu net zero vì sự phát triển bền vững của thế giới.
Nigel Topping, CEO của We Mean Business, một liên minh các tổ chức về biến đổi khí hậu với hàng ngàn doanh nghiệp và nhà đầu tư có sức ảnh hưởng nhất thế giới, cho biết mục tiêu là nhằm kết nối các doanh nghiệp lớn chiếm đến 20% tổng doanh thu, sản xuất, khối lượng hoặc giá trị tài sản được quản lý trong tất cả các ngành vào năm 2023, trong đó ít nhất 10 ngành sẽ có mặt ở hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP26 vào tháng 11 tới. “Đây là cuộc chuyển đổi không thể tránh khỏi. Nếu không tham gia và không thực hiện cam kết, họ sẽ thua”, ông nói.
Đáng lưu ý, thậm chí đối mặt với COVID-19, cam kết net zero của các doanh nghiệp gần như gấp đôi vào năm 2020, trong đó những đơn vị tham gia vào chiến dịch này hiện chiếm hơn 12% nền kinh tế toàn cầu và gần 10.000 tỉ USD doanh thu.
Nigel Topping dẫn chứng ô tô là một trong những ngành đi đầu trong việc rời xa nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang sử dụng năng lượng xanh với tốc độ nhanh hơn dự kiến. Trong đó, Volkswagen là một người chơi lớn. Cuối năm ngoái hãng xe Đức đã nâng khoản tiền đầu tư dự kiến vào các công nghệ kỹ thuật số và xe điện lên tới 86 tỉ USD trong 5 năm tới nhằm giữ vững vị trí hãng xe lớn nhất thế giới trong thời đại xanh mới. Công ty dự định cấm bán các loại xe hơi và xe tải chạy xăng mới từ năm 2035.
GM, hãng xe lớn nhất nước Mỹ, là công ty lớn gần nhất tham gia vào các cam kết xanh, khi đầu năm nay đã đặt mục tiêu tất cả các xe mới, SUV và xe bán tải nhẹ được Công ty bán ra vào năm 2035 sẽ tạo ra lượng khí thải bằng zero. Tuy nhiên, một số ngành khác lại bị tụt lùi, đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng như nhôm, xi măng, khai thác mỏ, thép và giấy, vì các sản phẩm hoặc quy trình của những ngành này thiếu các công nghệ thay thế có carbon thấp.
Một nghiên cứu mới đây bởi Transition Pathway Initiative cho thấy, chỉ 16% trong số 111 công ty công nghiệp lớn được niêm yết là đang nỗ lực giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2oC. Nhưng một số lựa chọn mới khả dĩ và hấp dẫn cũng đang xuất hiện như hấp thụ carbon trong sản xuất xi măng hay sản xuất thép từ kim loại phế liệu được tái chế sử dụng điện xanh.
Kể từ khi Thỏa thuận khí hậu Paris được thông qua bởi hơn 190 quốc gia vào năm 2015, áp lực đã đè nặng lên các tập đoàn, doanh nghiệp không chỉ phải cam kết từ bỏ các mô hình kinh doanh gây ô nhiễm mà còn phải tìm ra phương thức rõ ràng để làm việc đó.
Topping nói rằng “Cuộc đua đến những đột phá Zero” cho thấy đạt net zero là hoàn toàn có thể thực hiện được trong những ngành kinh tế khác nhau và sự chuyển đổi đó đã và đang diễn ra. Trong một hội nghị của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mới đây, Patricia Espinosa, phụ trách vấn đề khí hậu của Liên Hiệp Quốc, cho biết khu vực tư nhân đóng vai trò tuyệt đối quan trọng đối với các nỗ lực toàn cầu nhằm kiềm hãm tình trạng nóng lên của trái đất và đẩy lui những ảnh hưởng tồi tệ nhất của nó. “Chỉ mỗi chính phủ các nước không thể thực hiện được sự chuyển đổi này”, bà nói.
Theo Ben van Beurden, CEO của tập đoàn năng lượng Shell, các nỗ lực của chính phủ có thể xanh hóa ngành điện, vốn chiếm khoảng 1/5 nhu cầu năng lượng toàn cầu cũng như đi lại của người dân và nhà cửa. Nhưng điều đó có nghĩa có đến 2/3 lượng khí thải phải được cắt giảm từ phía các doanh nghiệp. “Chúng ta chỉ có thể đạt đến net zero nếu trên cơ sở từng ngành một, chúng ta vạch ra được con đường đúng đắn và có công thức đúng đắn để ngành đó thôi sử dụng năng lượng dựa trên carbon”, ông nói.
Ảnh: GM. |
Smith cho biết Rolls-Royce đã và đang làm việc với các doanh nghiệp khác về phát triển giải pháp và vận động các nhà chức trách để đưa ra quy định rõ ràng yêu cầu việc sử dụng nhiên liệu xanh thay thế trong ngành hàng không. Đối với hàng không, ông tin rằng một loạt công nghệ từ điện hóa máy bay nhỏ cho đến sử dụng hydrogen và các nhiên liệu bền vững khác cho máy bay lớn, sẽ rất cần thiết. Các loại nhiên liệu bền vững có thể được sản xuất từ dầu thực vật tái chế, rác thải đô thị... Nhưng những nhiên liệu như vậy hiện rất đắt đỏ và chiếm chưa tới 1% thị trường và sẽ cần đến nỗ lực liên ngành để thúc đẩy điều đó, Smith nói.
Chính phủ các nước cũng phải đưa ra quy định chính sách buộc các ngành phải đi theo hướng này để tạo ra một thị trường xanh và cho các nhà đầu tư sự tự tin để rót vốn đầu tư vào nhiên liệu xanh, Smith nói thêm. Hiện tại các quy định chính sách như vậy đang được Anh Quốc và Liên minh châu Âu xem xét.
“Nếu bất cứ thành tố nào trong số những thành tố nói trên không xảy ra thì sẽ không có tác dụng. Chúng ta cần phải hợp tác cùng nhau để giải quyết cuộc chuyển đổi năng lượng này”, Smith nhận định.