Những cây bạch tùng hàng trăm năm bị đốn hạ ở Lâm Đồng trong bối cảnh lũ lụt, sạt lở ngày càng nghiêm trọng do mất rừng phòng hộ. Ảnh: sggp.org.vn

 
Kim Thuỳ Chủ Nhật | 13/12/2020 09:24

Rừng bạch tùng than khóc

Những cây bạch tùng hàng trăm năm bị đốn hạ ở Lâm Đồng trong bối cảnh lũ lụt, sạt lở ngày càng nghiêm trọng do mất rừng phòng hộ.

Trong khi cả nước đang chung tay trồng rừng để giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu và lũ lụt thì những cây bạch tùng cổ thụ ở khoảnh 2, tiểu khu 249 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà, Lâm Đồng ngang nhiên bị cưa hạ vào cuối tháng 11 vừa qua.

Mang danh là rừng phòng hộ, nhưng xung quanh khu vực bạch tùng bị đốn hạ còn rất ít rừng tự nhiên, hầu hết diện tích là trồng cây nông nghiệp trái phép trên đất rừng. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà, bước đầu ghi nhận có 11 cây gỗ tổng khối lượng thiệt hại 20,481 m3, trong đó có 17,6 m3 gỗ đã bị xẻ phần lõi đưa ra khỏi rừng bằng xe máy.

Ông Đồng Văn Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà, cho biết: “Đây là khu vực rừng tự nhiên, cấm khai thác dưới mọi hình thức. Theo quy định, nếu khối lượng gỗ bị khai thác từ 10 m3 trở lên sẽ bị khởi tố hình sự”.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong số 583 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay, vẫn còn 278 vụ chưa tìm được thủ phạm, theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Điều đáng lên án trong vụ phá rừng bạch tùng này là công an huyện Lâm Hà còn phát hiện 1.555 m3 gỗ cùng chủng loại với gỗ tại hiện trường trong khu vực nhà của Tổ trưởng tổ nhận khoán bảo vệ rừng.

Ảnh: M.Vinh/tuoitre.vn
Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng Công an huyện Lâm Hà, chia sẻ, bạch tùng tuy chỉ xếp vào loại gỗ nhóm IV nhưng giá trị loại gỗ này rất cao. Ảnh: M.Vinh/tuoitre.vn

Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng Công an huyện Lâm Hà, chia sẻ, bạch tùng tuy chỉ xếp vào loại gỗ nhóm IV nhưng giá trị loại gỗ này rất cao, sức tiêu thụ lớn do phù hợp với tập tính thu hút để nuôi chim yến và cũng là nguyên liệu được ưa chuộng trong nghề chạm tranh bút lửa.

Tham chiếu thông tin từ các doanh nghiệp làm nhà yến tại Việt Nam, gỗ bạch tùng từ lâu đã là loại gỗ thông dụng dành cho ngành nuôi yến. Với nhiều đặc điểm nổi bật như chắc chắn, thớ gỗ dày, mùi hương dịu nhẹ, phù hợp giúp chim yến mau làm tổ và cho ra sản lượng tổ khá cao, chất lượng tổ đạt chuẩn, theo Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Yến Pronest.

 

Thông tin tư vấn từ gonhayen.com.vn cũng cho hay, với một ngôi nhà nuôi yến 2 tầng, cần 5 khối gỗ, khoảng 50 triệu đồng đến hơn 70 triệu đồng, trung bình giá 11-15 triệu đồng/m3. Giá gỗ bạch tùng sản xuất tại Việt Nam hiện thấp hơn nhiều so với loại gỗ ngoại nhập. Ước tính mỗi kg tổ yến hiện có giá từ 1.500-2.000 USD, lợi nhuận lớn mà lại nhàn khiến số lượng nhà nuôi yến ở Việt Nam không ngừng tăng mạnh trong nhiều năm nay, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Tính đến cuối năm 2019, cả nước đã có trên 24.352 nhà nuôi yến. Với tỉ lệ tăng trưởng cơ học của tổng đàn yến Việt Nam vào khoảng 13,4%/năm, dự kiến đến năm 2030, tổng đàn yến sẽ đạt 323,6 triệu con và sản lượng tổ là 800-1.000 tấn/năm, tương đương cần xây dựng thêm 20.000 nhà nuôi yến, theo Hiệp hội Yến sào Việt Nam. Giả sử trung bình mỗi nhà cần 2 khối gỗ thì phải cần tới 40.000 m3 gỗ bạch tùng để phục vụ nhu cầu, nguồn gỗ này sẽ lấy từ đâu?

 

Khai thác gỗ bạch tùng dùng cho nhà nuôi yến chỉ là một trường hợp điển hình cho mâu thuẫn giữa một bên bảo vệ rừng và một bên công khai sử dụng tài nguyên gỗ. Đó là chưa kể gỗ bạch tùng còn thường được sử dụng để xây dựng nhà cửa và các sản phẩm đồ nội thất khác. Để đáp ứng nhu cầu này, sẽ còn bao nhiêu cây bạch tùng bị đốn hạ trong khi tình trạng lũ lụt, sạt lở ngày càng nghiêm trọng do mất rừng phòng hộ?

“Để mất rừng, trách nhiệm đầu tiên là đơn vị, doanh nghiệp nhận khoán rừng, sau đó là địa phương trực tiếp là xã và ban lâm nghiệp xã rồi tới kiểm lâm cơ sở”, ông Nguyễn Khang Thiên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, cho biết. Các đơn vị liên quan vẫn chỉ khẩn trương điều tra, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm mà chưa có thêm thông tin về những khối gỗ khai thác lậu đã đi đến đâu.