Nghiên cứu cho thấy các đám cháy tại rừng Amazon tạo ra khoảng 1,5 tỉ tấn CO2 mỗi năm. Ảnh: AFP.

 
Minh Duy Thứ Sáu | 16/07/2021 17:40

Rừng Amazon thải carbon nhiều hơn mức hấp thu

Rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới đang bị đe dọa tổng hợp từ nạn phá rừng và biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Theo The Guardian, các nhà khoa học ước tính lượng carbon dixoxide thải ra từ rừng Amazon là 1 tỉ tấn một năm, tương đương với lượng phát thải của cả nước Nhật. 

Phần lớn lượng khí thải này là từ các hoạt động đốt và khai hoang để lấy đất chăn nuôi bò và trồng đậu nành. Việc đốt phá tạo ra 1,5 tỉ tấn CO2 mỗi năm và rừng chỉ "xử lý" được 0,5 tỉ tấn. 

Theo một nghiên cứu, khu rừng khổng lồ Amazon trước đây là một bể chứa carbon, hấp thụ khí thải gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu. Nhưng giờ đây Amazon đang khiến lượng phát thải toàn cầu tăng tốc.

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học xác nhận “lá phổi” Amazon thải khí carbon nhiều hơn hấp thu.

Ngay cả khi không bị đốt phá, tại khu vực đông nam Amazon nhiệt độ cao và khô hạn cũng khiến rừng thải ra nhiều CO2 hơn. Đây là điều khiến các nhà khoa học lo ngại. Nguyên nhân được cho là việc đốt, phá rừng nhiều năm qua đã làm rừng suy yếu.

Cây rừng tạo ra một lượng mưa lớn cho khu vực và ít cây hơn sẽ gây hạn hán, nắng nóng và tạo ra vòng lặp cây cối bị chết, cháy rừng.

Nạn đốt, phá rừng ngày càng tăng và hạn hán nghiêm trọng làm rừng Amazon bị ảnh hưởng ngày càng tồi tệ hơn. Ảnh: Futurism.
Nạn đốt, phá rừng ngày càng tăng và hạn hán nghiêm trọng làm rừng Amazon bị ảnh hưởng ngày càng tồi tệ hơn. Ảnh: Futurism.

"Chúng ta đang có một vòng lặp rất tiêu cực khiến rừng dễ bị tổn hại từ những đám cháy không kiểm soát", Nhà khoa học Luciana Gatti thuộc Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil nhận định.

Việc trồng cây và thực vật ở Amazon đã chiếm khoảng 1/4 tổng lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch kể từ năm 1960. Đóng vai trò chính là khu rừng nhiệt đới lớn nhất, việc Amazon mất đi khả năng thu nhận CO2 là một cảnh báo rõ ràng rằng việc cắt giảm lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Nghiên cứu dựa trên gần 600 dữ liệu đo đạc bằng máy bay nhỏ bay trên các khu vực ở Amazon trong 1 thập niên qua để ghi nhận sự thay đổi của cánh rừng.

"Tin xấu thứ nhất là việc đốt rừng thải ra gấp 3 lần lượng CO2 mà rừng có thể hấp thu. Tin xấu thứ 2 là những nơi có tỉ lệ phá rừng trên 30%, sự phát thải carbon cao gấp 10 lần những khu vực rừng bị phá dưới 20%" – bà Luciana Gatti nói.

Trước đó cũng đã có một số nghiên cứu của các nhà khoa học Brazil cho rằng trong 1 thập niên qua, rừng Amazon thải ra nhiều hơn 20% khí thải mà nó hấp thu.

 

"Điều này thật tệ. Việc nguồn hấp thu carbon năng suất nhất trên hành tinh chuyển từ hấp thu sang nguồn phát thải có nghĩa là chúng ta phải loại bỏ nhiên liệu hóa thạch sớm hơn chúng ta tưởng", Giáo sư Scott Denning, Đại học Bang Colorado, Mỹ, đánh giá.

Có thể bạn quan tâm:

Gần 1/5 diện tích đất liền trên trái đất bị biến đổi trong 60 năm qua