Những mô hình nông nghiệp gắn với các yếu tố “xanh”, “tuần hoàn” hay “tái sinh” góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Quý Hòa

 
Thanh Trực Thứ Sáu | 27/01/2023 07:30

Rác hóa vàng

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cho công nghệ mới để hướng tới mô hình “kinh tế tuần hoàn” nhằm giải quyết thách thức hiện tại và mở đường vào tương lai.

Có một điều đặc biệt trong cơ cấu sản phẩm và lợi nhuận của “vua cá tra” trong những năm gần đây. Năm 2021, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn có doanh thu gần 6.000 tỉ đồng nhưng đáng chú ý hơn cả là nguồn thu từ cá tra fillet chỉ chiếm 66%, đứng thứ 2 là các sản phẩm phụ 19%; nhóm hàng collagen và gelatin đứng thứ 3 với 7%. 

“Vua cá” kiếm tiền từ rác cá

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Hoàn, giải thích: “Trước kia, các phụ phẩm của quá trình chế biến thủy sản chủ yếu chỉ được dùng làm thức ăn chăn nuôi. Thế nhưng, qua nghiên cứu, Vĩnh Hoàn nhận thấy nguồn nguyên liệu sau sản phẩm fillet là rất lớn nên đã tiên phong đầu tư mạnh vào lĩnh vực chế biến sang các sản phẩm liên quan đến chuỗi giá trị cá tra, trong đó có collagen và gelatin. Ngoài ra, Vĩnh Hoàn đã đầu tư công nghệ hiện đại chế biến từ phụ phẩm thủy sản thành bột cá - nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, snack da cá tra, dầu ăn từ mỡ cá tra, đạm thủy phân từ cá tra...”.

 

Đây cũng là khoản đầu tư mà Công ty Cổ phần Việt Nam Food (VNF), Công ty Cổ phần Sao Mai... đang theo đuổi và gặt hái được nhiều thành công ban đầu. Ông Phan Thanh Lộc, Giám đốc Điều hành VNF, cho biết Công ty đang có tỉ trọng doanh thu cao từ những thứ trước đây bỏ đi hoặc giá trị thấp như vỏ đầu tôm. Trong khi đó, thành phần phụ phẩm này, đặc biệt vỏ đầu tôm là nguồn dinh dưỡng dồi dào nhất, có thể tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau phục vụ nhiều ngành công nghiệp với giá trị gia tăng rất cao.

Một con số thuyết phục các doanh nghiệp chế biến thủy sản đi theo mô hình này, đó là ngành chế biến phụ phẩm thủy sản của Việt Nam mới đạt khoảng 275 triệu USD năm 2020. Nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn bằng công nghệ cao có thể thu về từ 4-5 tỉ USD.

Hướng đi của ngành thủy sản chính là mô hình kinh tế tuần hoàn xuất hiện ngày càng nhiều trong kinh tế Việt Nam. Trong nông nghiệp đó là những mô hình được triển khai hiệu quả như mô hình vườn - ao - chuồng, vườn - ao - chuồng - biogas, rừng - vườn - ao - chuồng; mô hình “lúa, tôm”, “lúa, cá”; mô hình trồng lúa - trồng nấm - sản xuất phân hữu cơ - trồng cây ăn quả...

Xu hướng không thể đảo ngược

Kinh tế tuần hoàn được nhắc nhiều khi nền kinh tế tuyến tính hiện tại dựa trên nguyên tắc “khai thác và thải bỏ” ngày càng cho thấy rõ mối đe dọa đối với sức khỏe con người, môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Nền kinh tế tuần hoàn có tiềm năng tác động trực tiếp tới 7/17 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và còn thúc đẩy nhiều mục tiêu khác. “Việc bắt đầu thực hiện kinh tế tuần hoàn chính là bắt đầu từ sự thay đổi cách nghĩ về sản phẩm và tiến trình sản xuất, từ đó tăng hiệu suất”, bà Trần Thị Hải, Cố vấn chiến lược của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên, nhận định.

Ngày càng có nhiều con số thuyết phục Việt Nam nhanh chóng chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Đối với ngành lâm nghiệp, mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 30 triệu m3 gỗ tròn, thải ra 3,4 triệu tấn vỏ, cành, lá và quá trình chế biến tạo ra 2,4 triệu tấn mùn cưa. Các phụ phẩm này được dùng ép viên nén, cồn công nghiệp, phát điện sinh khối, làm đệm lót sinh học chăn nuôi, phân hữu cơ... và có thể phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản kết hợp với phát triển du lịch sinh thái... Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA), nếu được tận dụng tốt, năng lượng sinh khối có khả năng đáp ứng 50% lượng nhiên liệu sử dụng của Việt Nam vào năm 2050.

 

Những mô hình nông nghiệp gắn với các yếu tố “xanh”, “tuần hoàn” hay “tái sinh” góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Đó là lý do nông nghiệp tái sinh đóng vai trò quan trọng trong lộ trình tiến tới thải ròng bằng 0 (Net Zero) của nhiều doanh nghiệp.
Theo ông David Rennie, Giám đốc Các thương hiệu cà phê của Tập đoàn Nestlé, biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng cao sẽ làm giảm đến 50% diện tích trồng cà phê vào năm 2050, sẽ có khoảng 125 triệu nhà nông dựa vào cây cà phê kiếm sống và ước tính xấp xỉ 80% hộ gia đình trồng cà phê sống ở mức nghèo hoặc dưới mức nghèo. Do đó, cần phải có hành động cụ thể để đảm bảo tính bền vững lâu dài cho cây cà phê. Vì vậy, nhiều năm qua, Nescafé (trực thuộc Công ty Nestlé Việt Nam) đã tổ chức các khóa đào tạo, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang phương thức canh tác cà phê tái sinh.

Tất nhiên, hành trình để đi đến kết quả này không hề đơn giản. Ví dụ, Vinamilk tiên phong trong xây dựng các trang trại sinh thái Green Farm đạt tiêu chuẩn GLOBALG.A.P... Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc Điều hành Marketing của Vinamilk, 3 trang trại Green Farm của Vinamilk đầu tư ban đầu đã lên tới 3.000 tỉ đồng nên chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ tăng và khả năng cạnh tranh bị ảnh hưởng.

Việt Nam đã bắt đầu xây dựng chương trình chuyển đổi theo hướng kinh tế tuần hoàn  khi thông qua Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, đánh dấu cột mốc trong việc lần đầu tiên đưa các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn vào khung chính sách.

Thành công của các doanh nghiệp như Vĩnh Hoàn, Vinamilk cho thấy hướng tiếp cận kinh tế tuần hoàn từ lợi ích của doanh nghiệp và lan tỏa ra cộng đồng, trước khi có chính sách hỗ trợ từ trên xuống. Về hướng đi này, ông Nguyễn Duy Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam, cho biết: “Muốn phát triển được mô hình kinh doanh tuần hoàn, phải có được các sản phẩm từ quá trình kinh doanh tuần hoàn. Những sản phẩm này muốn phát triển tốt cần có thị trường tiêu thụ tốt. Muốn vậy, chúng phải vừa có chất lượng, vừa có giá hợp lý và quan trọng nhất là được người tiêu dùng đón nhận. Trên hết, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phát triển thị trường này”.