Ảnh minh họa: Bdcmagazine.
Quy mô phát hành trái phiếu xanh trên thế giới dự kiến đạt 1.000 tỉ USD
Theo thông cáo báo chí mới đây, FiinGroup cho biết họ chính thức được Tổ chức Trái phiếu Khí hậu (Climate Bonds Initiative, viết tắt là “CBI”) chứng nhận là đơn vị đầu tiên của Việt Nam được ủy quyền xác nhận các trái phiếu xanh được phát hành bởi các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chương trình của tổ chức này.
CBI là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế hướng tới các nhà đầu tư với mục tiêu huy động 100.000 tỉ USD trên thị trường trái phiếu phục vụ cho các giải pháp chống biến đổi khí hậu toàn cầu và giúp cắt giảm chi phí vốn.
CBI thực hiện phân tích thị trường, nghiên cứu chính sách, phát triển thị trường; cố vấn cho các chính phủ và cơ quan quản lý; điều hành chương trình tiêu chuẩn và chứng nhận trái phiếu xanh toàn cầu. Tổ chức này cũng sàng lọc các công cụ tài chính xanh theo Hệ thống Phân loại Trái phiếu Khí hậu để xác định mức phù hợp và sử dụng các tiêu chí đáp ứng điều kiện ngành để cấp chứng nhận, qua đó tăng cường các lợi ích tài chính cho không chỉ đơn vị phát hành mà cả các nhà đầu tư.
Để tiếp cận với nguồn vốn trái phiếu huy động từ các quỹ đầu tư trên thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam cần đạt được giấy chứng nhận của CBI. Chứng nhận của CBI là tiêu chuẩn/ nhãn trái phiếu xanh duy nhất được sử dụng và có giá trị trên phạm vi toàn cầu.
“Lợi ích tham gia vào chương trình trái phiếu xanh của CBI là rất lớn. Đó là cơ hội tiếp cận nguồn vốn rộng lớn trên thế giới với chi phí vốn hợp lý hơn cũng như quảng bá hồ sơ năng lực của doanh nghiệp trên thị trường vốn. Chúng tôi đang làm việc với CBI để có những hướng dẫn và hỗ trợ tốt nhất cho nhiều doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam tham gia vào chương trình này”, ông Nguyễn Minh Tú, Giám đốc điều hành Khối Xếp hạng Tín nhiệm FiinRatings của FiinGroup cho biết.
Tài chính xanh và trái phiếu xanh là xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. FiinGroup trích dẫn từ chuyên gia của Morgan Stanley, quy mô phát hành trái phiếu xanh trên thế giới đạt 505 tỉ USD vào năm 2021, dự kiến đạt 1.000 tỉ USD vào năm 2022. Riêng tại Việt Nam, trái phiếu xanh có quy mô phát hành ở mức 284 triệu USD đến đầu năm 2021 thông qua 4 đợt phát hành bao gồm bởi trái phiếu được một tổ chức được Chính phủ bảo lãnh (23,4 triệu USD), một chính quyền thành phố (3,6 triệu USD) và hai khoản vay xanh (tương ứng 71 triệu USD và 186 triệu USD).
Các ngành tại Việt Nam đang nhận được sự quan tâm lớn của CBI và các nhà đầu tư quốc tế bao gồm năng lượng tái tạo, tài nguyên nước, nông nghiệp xanh và xử lý chất thải. Trong bối cảnh hệ thống pháp luật về tài chính xanh ở Việt Nam đã được quan tâm và xây dựng ở giai đoạn sơ khai, Thủ tướng chính phủ và Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh. Tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 tại Châu Âu, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (zero carbon) vào năm 2050.
Có thể bạn quan tâm