Việc ban hành tiêu chuẩn xanh được kỳ vọng sẽ tạo ra tư duy mới trong hoạt động vận hành, khai thác cảng biển. Ảnh: Cảng Đình Vũ

 
Tuệ Anh Thứ Tư | 28/09/2022 16:51

Phát triển công nghệ xanh cho vận tải biển

Ngày Hàng hải thế giới năm nay lấy chủ đề “Công nghệ mới cho ngành vận tải biển được xanh hơn”.

Hướng đến sử dụng công nghệ xanh cho ngành vận tải hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp hàng hải và thuyền viên. Theo ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, trong xu hướng hội nhập hiện nay, xu hướng công nghệ xanh đang trở thành xu thế phổ biến trong ngành vận tải biển. 

"Việc cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm khí thải carbon góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu, đem lại lợi ích cho môi trường và nâng cao hiệu quả kinh doanh đối với các doanh nghiệp vận tải hàng hải”, ông Hoàng Hồng Giang nhận định.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giai đoạn năm 2022 - 2030 khuyến khích chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương tại các cảng đầu tư mới, đầu tư bổ sung và cảng hiện hữu.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giai đoạn năm 2022 - 2030 khuyến khích chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương tại các cảng đầu tư mới, đầu tư bổ sung và cảng hiện hữu. Ảnh: Dung Quất

Bà Trần Thị Tú Anh, Phó trưởng Phòng Khoa học Công nghệ & Môi trường (Cục Hàng hải Việt Nam) cũng thông tin thực hiện Quyết định 876/QĐ-TTg phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT, Cục Hàng hải đang xây dựng tiêu chuẩn cơ sở về tiêu chí cảng xanh, dự kiến trình phê duyệt vào cuối năm 2022. Việc ban hành tiêu chuẩn được kỳ vọng sẽ tạo ra tư duy mới trong hoạt động vận hành, khai thác cảng biển.

Các tiêu chí sẽ bám vào tiêu chuẩn cảng xanh của khối APEC và có thêm một số điểm phù hợp với Việt Nam như: Sử dụng năng lượng là các nhiên liệu sạch như LNG, hydro… sử dụng các thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Bà Tú Anh cũng nhận định để thực hiện theo những tiêu chí này tốn nhiều công sức và chi phí. Tuy nhiên, lĩnh vực hàng hải có lợi thế là tham gia nhiều Công ước quốc tế nên thực tế các tiêu chuẩn hầu như đã theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, cơ quan quản lý chỉ khuyến khích các đơn vị chuyển đổi phương tiện tại các cảng đầu tư mới, khuyến khích các phương tiện sử dụng năng lượng xanh.

Xanh hóa vận tải biển cũng là lộ trình mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26)
Xanh hóa vận tải biển cũng là lộ trình mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26). Ảnh: T.L

Để trở thành "cảng xanh", một số cảng tại Việt Nam đã đầu tư cải tạo trang thiết bị, chuyển từ chạy dầu sang sử dụng điện hoặc các nhiên liệu sạch như: LNG cho cần cẩu, xe chạy trong cảng; xây dựng được những giải pháp giảm bụi trong không khí, giảm tiếng ồn như sử dụng sà lan để vận chuyển hàng thay vì xe container, trồng thêm cây xanh xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải, đặc biệt tại các cơ sở sửa chữa trang thiết bị và container…

Ông Nguyễn Quốc Khánh, đại diện Tân Cảng Sài Gòn cho biết: "So với các thiết bị chạy bằng dầu, thiết bị chạy bằng điện hay nhiên liệu sạch lên tới cả chục triệu USD. Chưa kể, thiết bị chạy bằng điện cần phải có trạm sạc điện. Do đó, để xây dựng mô hình này cần nguồn vốn đầu tư rất cao".

Bên cạnh đó, muốn phát triển cảng xanh cần phải có dây chuyền bốc xếp hiện đại hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, tốt cho môi trường… Chưa kể, phát triển cảng xanh cũng cần đồng hành phát triển cảng thông minh, đô thị xanh, thông minh; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến (dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Blockchain...) vào vận hành và quản lý cảng... đều đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. 

Tương tự, một số doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam đã bắt đầu trên tiến trình chuyển đổi năng lượng xanh cho hoạt động vận tải biển. Đại diện Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) cho biết doanh nghiệp đã xây dựng và triển khai Kế hoạch quản lý năng lượng hiệu quả (SEEMP) theo yêu cầu của Tổ chức Hàng hải Thế giới (IMO).

Tất cả các tàu đều được đăng kiểm phê duyệt bản Kế hoạch quản lý năng lượng hiệu quả (SEEMP) phần II, lựa chọn sử dụng dầu có hàm lượng lưu huỳnh không vượt quá 0,5% và tại các vùng đặc biệt không vượt quá 0,1%.

Đại diện của VOSCO cũng nhìn nhận việc sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp (LSFO) sẽ làm chi phí nhiên liệu cho đội tàu tăng rất cao so với trước đây.

Do vậy, để tối ưu hóa các chi phí do sử dụng năng lượng xanh, đại diện VOSCO cho rằng cần phối hợp tốt giữa chủ tàu và người thuê tàu với thoả thuận các điều khoản trong hợp đồng thuê tàu để tàu chở được nhiều hàng, hoạt động ở tốc độ tối ưu, tối ưu hoá hoạt động làm hàng.

Duy trì tốc độ khai thác tối ưu, thu xếp tàu cập cầu ngay khi đến; cải thiện hiệu quả của vỏ tàu, chân vịt thông qua các biện pháp làm sạch, sơn chống hà, đánh bóng chân vịt, cắt lưới quấn chân vịt kịp thời; Bảo dưỡng kịp thời hệ động lực theo đúng chu kỳ và hướng dẫn của nhà chế tạo.

Ngoài ra, trong từng chuyến, thuyền trưởng và máy trưởng xem xét áp dụng tối đa các biện pháp quản lý năng lượng hiệu quả, bao gồm lập kế hoạch chuyến đi một cách chi tiết xét đến các yếu tố dòng chảy, thủy triều; tối ưu hóa tuyến đường theo thời tiết; tối ưu hóa tốc độ, nước dằn tàu, xếp dỡ hàng, kiểm soát chất lượng nhiên liệu...

Có thể bạn quan tâm:

Biến rác thải thành "gia tài": Cơ hội nào cho chúng ta trong nền kinh tế tuần hoàn?