Ở một góc nhìn khác, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 40 giây trôi qua thì có 1 người tự tử. Ảnh: Adobe.com

 
Đặng Hoàng Trung Thứ Sáu | 16/08/2024 10:00

Phát triển bền vững góc nhìn từ kinh tế học Phật giáo

Ngày càng nhiều công ty tích hợp những tư tưởng đặc trưng của kinh tế học Phật giáo để hướng tới mô hình phát triển bền vững.

Theo tính toán của Tổ chức Global Footprint Network, 1/8/2024 là ngày Earth Overshoot Day (Ngày vượt tải của trái đất). Điều này có nghĩa là sau 7 tháng đầu năm, chúng ta đã xài hết những gì mà trái đất có thể tái tạo trong năm nay. Và điều này cũng có nghĩa là từ ngày 1/8 đến cuối năm nay, chúng ta xài trước những nguồn lực mà lẽ ra được để dành cho con em mình. Cũng theo ước tính của tổ chức này, cần đến 1,7 trái đất mới đủ đáp ứng tài nguyên cho nhu cầu tiêu dùng hiện tại.

Ở một góc nhìn khác, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 40 giây trôi qua thì có 1 người tự tử. Và tự tử là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 ở độ tuổi 15-29, một độ tuổi còn rất trẻ và đẹp của một đời người. 

Trong môi trường làm việc, theo khảo sát được Gallup công bố vào tháng 6/2024, hơn 75% người được khảo sát cho biết họ đang trải qua trạng thái kiệt sức, trong đó hơn 25% thừa nhận tình trạng này diễn ra “thường xuyên” hoặc “luôn luôn”. Trong khi đó, dự báo về tăng trưởng GDP của nhân loại năm 2024 và 2025 vẫn ở mức tăng ổn định là 3,2-3,3%.

Nhìn vào những con số trên, có bao giờ ta tự hỏi, liệu chúng ta có đang tận hưởng sự tăng trưởng bền vững hay không? Liệu chúng ta có đang đánh đổi môi trường sống, sức khỏe tinh thần của con người để đổi lấy những con số tăng trưởng kinh tế ấn tượng kia không?

Thập niên 1970 chứng kiến một sự trùng hợp đặc biệt khi vào năm 1968, Thượng nghị sĩ Robert Kennedy, em trai của Tổng thống Mỹ John Fitzgerald Kennedy có bài phát biểu chia sẻ rằng “GDP là chỉ số đo lường mọi thứ, ngoại trừ những thứ khiến cho cuộc đời này đáng sống”. Năm 1972, tại Bhutan, Quốc vương Jigme Singye Wangchuck đã quyết định chọn Chỉ số Hạnh phúc Quốc gia (GNH), thay vì GDP, làm thước đo thành công của đất nước.

Cũng trong giai đoạn này, nhà kinh tế học nổi tiếng thời đó là E.F. Schumacher đã ra mắt quyển “Small Is Beautiful: A Study of Economics As If People Mattered” (Nhỏ là đẹp: Một nghiên cứu về học thuyết kinh tế lấy con người làm trọng tâm) vào năm 1973 và cho đến ngày nay, quyển sách này vẫn được xem là 1 trong 100 quyển sách có ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ XX.

Năm 2017, Giáo sư Kinh tế học Clair Brown ra mắt quyển “Buddhist Economics” (Nền kinh tế học Phật giáo) để giới thiệu các nghiên cứu và tư tưởng của bà, vốn dĩ được khơi nguồn cảm hứng từ tư tưởng của E.F. Schumacher. Cũng trong năm này, nhà kinh tế học Kate Raworth ra mắt quyển “Doughnut Economics” (Nền kinh tế theo mô hình bánh doughnut) để chia sẻ ý tưởng về một mô hình kinh tế bền vững hơn mà bà đã đề xướng từ năm 2012. Mô hình Doughnut Economics của bà Kate Raworth có nhiều điểm tương đồng với mô hình Buddhist Economics.

 

Vậy điểm chung của tất cả những mô hình, tư tưởng này là gì? Nếu như nền kinh tế thị trường tự do được xây dựng trên 3 niềm tin cốt lõi là: (1) nhiều hơn là tốt, (2) con người ích kỷ và lý trí, (3) mục tiêu là tối đa thu nhập, thì nền kinh tế học Phật giáo được xây dựng quanh một nguyên tắc: con người suy cho cùng cũng chỉ mưu cầu được hạnh phúc và con người có thể đạt được hạnh phúc này thông qua: (1) nhận thức rõ về nhu cầu để biết đủ là đủ, (2) tìm được hạnh phúc tự thân hoặc nhờ giúp đỡ người khác, hỗ trợ cộng đồng, tận hưởng thiên nhiên, (3) xem well-being (sức khỏe thân - tâm) là chỉ số ưu tiên trong cuộc sống.

Ngày càng nhiều công ty tích hợp những tư tưởng đặc trưng của kinh tế học Phật giáo như sau vào triết lý và hoạt động hằng ngày của mình:

- Chánh mạng: hoạt động trong lĩnh vực giúp ích cho xã hội và môi trường.

- Chú tâm: đưa ra những quyết định có ý thức và sau khi cân nhắc rõ tác động của các quyết định này.

- Biết đủ: khuyến khích tiêu dùng có chừng mực, tránh tiêu dùng quá đà gây lãng phí.

- Tính tương thuộc, tương liên: nhận diện sự gắn kết lẫn nhau giữa tất cả mọi điều và xây dựng mối quan hệ tích cực với các cổ đông, để giải quyết vấn đề một cách tổng thể và dung hợp các mối quan tâm của nhau.

Lấy ví dụ một số cái tên nổi bật như Patagonia, hãng thời trang có doanh thu trung bình hằng năm 1 tỉ USD; Green Monday, công ty hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm lành mạnh, thiên về thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, có doanh thu trung bình hằng năm từ 300-400 triệu USD; Seventh Generation, công ty chuyên về các sản phẩm gia dụng và chăm sóc cá nhân thân thiện với môi trường, có doanh thu năm 2015 là 200 triệu USD, trước khi được Unilever mua lại vào năm 2017 với giá trị thương vụ ước tính 700 triệu USD... Danh sách còn dài hơn với những cái tên như Eileen Fisher, Dr. Bronner’s, The Body Shop, Dansko, New Belgium Brewing... 

Những tia sáng này thắp lên niềm hy vọng về một nền kinh tế bền vững hơn cho hiện tại và tương lai, để bản thân chúng ta ngày hôm nay không còn áy náy về việc chúng ta đang ăn mòn nguồn lực tương lai của con cháu. Trái lại, ta có thể tự hào về việc góp phần gìn giữ một tương lai, nơi mà con cháu vẫn còn có thể tận hưởng không khí sạch, nước sạch, thả mình vào những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn xanh mát, sống trong cộng đồng chan hòa tình thương và sự nâng đỡ lẫn nhau, để thân - tâm chúng được khỏe mạnh. Viễn cảnh này sẽ không quá mơ mộng nếu mỗi người ý thức và điều hướng cuộc sống cá nhân của mình theo những nguyên tắc của nền kinh tế học Phật giáo, ngay từ hôm nay.

Có thể bạn quan tâm 

Triển vọng phát triển năng lượng điện hải lưu trong tương lai