Sanofi triển khai hàng loạt hoạt động hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh: Sanofi.

 
PV Thứ Năm | 25/08/2022 09:00

Phát triển bền vững dưới góc nhìn của truyền thông dược

Bộ phận truyền thông chính là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và công chúng mục tiêu, cung cấp thông tin giá trị để cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Với doanh nghiệp dược, mục tiêu cuối trong phát triển bền vững là đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ và sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho nhóm người nghèo nhất trên toàn cầu, theo bà Trần Lê Thanh Vân – Trưởng Bộ phận Truyền thông, Sanofi Đông Dương.

Trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Y tế đã đặt mục tiêu xây dựng ngành dược phát triển bền vững (1). Để đẩy mạnh mục tiêu này, bộ phận truyền thông chính là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và công chúng mục tiêu, cung cấp thông tin giá trị để cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Với kinh nghiệm hơn 15 năm truyền thông đối ngoại cho các tập đoàn đa quốc gia, bà Trần Lê Thanh Vân – Trưởng Bộ phận Truyền thông, Sanofi Đông Dương đã có những chia sẻ thú vị về phát triển bền vững, dưới góc nhìn của người làm truyền thông dược. 

Theo bà, phát triển bền vững có vai trò như thế nào với doanh nghiệp?

- Phát triển bền vững ngày càng trở thành nhu cầu thiết yếu đối với các tập đoàn và doanh nghiệp trên thế giới. Hầu hết các công ty lớn và nhỏ trên toàn cầu đều đã và đang tập trung xây dựng chiến lược kinh doanh tích hợp, gắn với trách nhiệm với xã hội, đưa phát triển bền vững trở thành điều bình thường mới trong bối cảnh hiện nay.

Tính bền vững không chỉ được định nghĩa qua việc giải quyết vấn đề cấp thiết hiện tại, mà còn góp phần giải quyết các vấn đề tương lai. Việc rút ngắn khoảng cách giữa hiểu biết và thực thi xu hướng này, bằng cách áp dụng các phương pháp kinh doanh bền vững để đạt được mục tiêu nhất định, đang trở nên quan trọng. 

Theo đó, doanh nghiệp nên tập trung vào việc nâng cao lợi nhuận của mình, thông qua chiến lược phát triển bền vững và trách nhiệm với xã hội, hướng đến cân bằng trong cải thiện lợi nhuận, nâng cao chất lượng cuộc sống con người và xây dựng hành tinh xanh. Phát triển bền vững còn nhằm gắn kết nhân viên, mở rộng thương hiệu công ty, thu hút nhân tài, giúp nâng giá cổ phiếu, từ đó tăng doanh thu cho doanh nghiệp cũng như độ tín nhiệm của đối tác.

Đây không phải là một quá trình đơn giản. Nếu làm được, cách tiếp cận này sẽ biến rủi ro thành cơ hội, giúp nhà đầu tư hài lòng, đưa tên tuổi công ty lên tầm cao mới. 

Với ngành dược, có gì khác biệt khi áp dụng những lý thuyết trên để phát triển doanh nghiệp, thưa bà?

- Là tập đoàn quy mô toàn cầu và hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Sanofi nhìn thấy trách nhiệm và vai trò của mình trong việc giải quyết thách thức cấp bách của thế giới. 

Chiến lược phát triển bền vững của Sanofi hướng đến đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhóm người nghèo nhất trên toàn cầu. Mục tiêu này được tính hợp trong chiến lược kinh doanh “Play-To-Win” của toàn bộ tập đoàn, với cam kết dựa trên 4 trụ cột thiết yếu gồm: Tiếp cận phải chăng; Nghiên cứu và phát triển cho những nhu cầu được đáp ứng; Chăm sóc hành tinh; Trong và ngoài nơi làm việc. Qua đó, Sanofi được định vị duy nhất để tạo ra sự khác biệt và có tác động lớn hơn trên toàn cầu.

 

Cụ thể, Sanofi đã vận dụng điều này vào những hoạt động nào?

- Tại Sanofi, chúng tôi có nhiều khoản đầu tư, nhiều dự án và triển khai nhiều liên minh trong ngành để phát triển bền vững, thông qua các chiến lược toàn cầu ở mức độ tập đoàn. Cụ thể: 

Trước hết là trụ cột “Tiếp cận phải chăng”, nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận toàn cầu, khả năng chi trả cho sức khỏe và nâng cao tính bền vững của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Chiến lược này gồm nhiều hoạt động chính như thành lập đơn vị y tế toàn cầu, tài trợ nhân đạo cho bệnh hiếm, và xây dựng kế hoạch tiếp cận toàn cầu cho các sản phẩm sức khỏe mới. 

Thông qua “Nghiên cứu và phát triển cho những nhu cầu chưa được đáp ứng” – trụ cột thứ 2, chúng tôi cung cấp hàng triệu liều vắc-xin để loại trừ bệnh bại liệt trong suốt 40 năm qua. Sanofi cũng hợp tác với WHO trong 21 năm để loại bỏ chứng rối loạn giấc ngủ. Chúng tôi còn nghiên cứu thuốc cho căn bệnh ung thư ở trẻ em. 

Với trụ cột thứ 3 - “Chăm sóc hành tinh”, chúng tôi thiết kế hệ sinh thái cho tất cả sản phẩm mới vào năm 2025. Cụ thể, Sanofi sẽ loại bỏ tất cả bao bì nhựa đã tạo sẵn (gói vỉ) cho các loại vắc-xin dạng ống tiêm vào năm 2027 và thực hiện kế hoạch nhằm đạt sự trung hòa carbon trong tất cả hoạt động và chuỗi giá trị vào năm 2030. 

Cuối cùng, với trụ cột “Trong và ngoài nơi làm việc”, chúng tôi đang xây dựng vai trò lãnh đạo đại diện để phản ánh sự đa dạng của cộng đồng, làm việc, thúc đẩy sự hòa nhập, tính bền vững trong hệ sinh thái địa phương ở những khu vực Sanofi đang hoạt động. Từ đó đưa hoạt động trách nhiệm của xã hội đối với doanh nghiệp (CSR) vào mục tiêu phát triển sự nghiệp của lãnh đạo toàn tập đoàn.

Đó là hoạt động ở quy mô toàn cầu, còn tại Việt Nam, hành trình phát triển bền vững của Sanofi có gì nổi bật, thưa bà?

- Tại Việt Nam, với các nhà máy sản xuất Sanofi, chúng tôi thiết kế lại sản phẩm và quá trình vận hành nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. Cụ thể, ở nhà máy Sanofi quận 9, TP.HCM, chúng tôi đặt mục tiêu quản lý chất thải tại nguồn, sau đó tái sử dụng hoặc tái chế một cách có hệ thống, trước khi xem xét bất kỳ phương pháp xử lý nào khác. Với một quyết tâm mạnh mẽ, dự án đã loại bỏ được 11 tấn rác thải nhựa hàng năm, giảm 500 tấn rác thải carton, giảm chất thải. Sáng kiến tái chế cũng đã nhanh chóng được khởi động.

Sanofi đã lập quỹ “Hành động vì hành tinh của chúng ta” trị giá 3 triệu Euro, nhằm hỗ trợ các ý tưởng và dự án sống xanh trên toàn cầu. Trong hàng trăm ý tưởng gửi về, Sanofi Việt Nam 2 năm liên tiếp có 2 dự án nhận được tài trợ, gồm dự án triển khai sử dụng sinh khối trấu quy mô lớn “Rice is the New Green – Lúa gạo, nguồn nguyên liệu xanh mới” và dự án “Save the rain – Thu gom, xử lý và tái sử dụng nước mưa” tại nhà máy ở quận 9.

Chuỗi hành động vì sức khỏe và hạnh phúc của cộng đồng của chúng tôi cũng đạt được thành quả đáng chú ý, mang đến tác động tích cực cho nhiều bệnh nhân. Trong 25 năm qua, Sanofi Việt Nam đã đồng hành cùng bệnh nhân bệnh hiếm tại Việt Nam, bảo trợ cho 82 bệnh nhân bệnh hiếm trong chương trình ICAP. Riêng năm 2021, con số tài trợ lên đến 200 tỷ đồng. 

Hằng năm, chúng tôi đều thực hiện nhiều dự án được cộng đồng quan tâm như: Đồng hành cùng Hội chữ thập đỏ Việt Nam phòng chống xâm nhập mặn và COVID-19 cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Cùng Bộ Y tế nỗ lực chống dịch COVID-19; Cùng quỹ Hy vọng (HOPE) xây dựng 20 công trình vệ sinh đạt chuẩn, giảm thiểu tình trạng vệ sinh quá tải, cải thiện chất lượng sống cho trẻ em vùng cao. Chúng tôi còn kết hợp với các tổ chức xã hội thực hiện 3 chuyến khám bệnh cho 2.000 trẻ em vùng sâu vùng xa bị tim bẩm sinh; Xây dựng 4 giếng khoan, mang nước sạch cho đồng bào tại Gia Lai và Kon Tum với dự án "Giếng sạch trao buôn" và “Gùi nước về làng”.

Với vai trò Trưởng bộ phận Truyền thông, bà cùng đội ngũ của mình đã xây dựng hình ảnh Sanofi phát triển bền vững như thế nào?    

- Tại Sanofi, con người luôn được đặt là trọng tâm trong mọi hoạt động, không riêng lĩnh vực truyền thông. Vì vậy, mọi bước đi của chúng tôi luôn hướng đến lợi ích của bệnh nhân, nhân viên và người dân tại tất cả các quốc gia mà Sanofi đang phục vụ. 

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, tạo tác động trực tiếp cho con người, chúng tôi luôn đảm bảo thông tin cung cấp cho công chúng phải đáng tin cậy nhất. Tất cả hoạt động truyền thông luôn đảm bảo tính xác thực, minh bạch, thông tin rõ ràng, cụ thể cùng quy trình kiểm duyệt nghiêm ngặt.

Sanofi đã áp dụng mô hình truyền thông nào để thực hiện sứ mệnh của mình?

- Sau 2 năm chịu tác động bởi COVID-19, hầu hết doanh nghiệp đều nhận thấy tầm quan trọng của truyền thông kỹ thuật số trên các nền tảng. Mô hình này đã được kiểm chứng mang đến hiệu quả, thích nghi với xu hướng số hóa mà nhiều tập đoàn lớn đang hướng đến. 

Trong khoảng thời gian này, Sanofi đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong chuyển đổi số hoạt động truyền thông, thông qua các dự án hợp tác với hiệp hội y khoa đầu ngành. Quá trình này của Sanofi đã được ghi nhận khi Ipos - một trong những công ty hàng đầu trên thế giới về nghiên cứu thị trường, công nhận là doanh nghiệp dược năng động nhất trên hành trình chuyển đổi sang truyền thông kỹ thuật số và trong tương tác với cộng đồng y khoa.

Đại diện Sanofi nhận giải thưởng “Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững 2022”. Ảnh: Sanofi.
Đại diện Sanofi nhận giải thưởng “Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững 2022”. Ảnh: Sanofi.

Mới đây, Sanofi đã được vinh danh trong “Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững 2022”, do Nhịp cầu đầu tư tổ chức. Điều này có ý nghĩa gì với bà cũng như bộ phận truyền thông Sanofi?

- Giải thưởng này chính là sự công nhận cho nỗ lực của toàn thể đội ngũ Sanofi nhằm mang đến giá trị hữu ích cho bệnh nhân và cộng đồng thời gian qua. Đây cũng là động lực để chúng tôi – những người làm truyền thông, tiếp tục triển khai nhiều chương trình, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, hướng đến mục tiêu lâu dài cải thiện sức khỏe cho người dân Việt Nam.

 Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!