Nhiều năm nhiệt độ đặc biệt ấm áp đã dẫn đến sự sụp đổ của Thềm băng Milne ở Cực Bắc Canada. Ảnh: PlanetScope.
Nhiệt độ toàn cầu đang ở mức nóng kỷ lục
Theo Financial Times, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hợp Quốc đã tuyên bố kỷ lục thập niên nóng nhất trong thời gian từ 2011 đến 2020. Theo đó, năm vừa qua là một trong 3 năm nóng nhất thập kỷ.
Theo nghiên cứu mới nhất công bố hôm 2.12, nhiệt độ trung bình của trái đất vào năm 2020 cao hơn khoảng 1,2 độ C so với mức trung bình năm 1850-1900, khi sự nóng lên toàn cầu ngày càng rõ rệt.
Các đám cháy đã thiêu rụi hơn 2.000 ngôi nhà và thiêu rụi 10 triệu ha (100.000 km2) đất - một diện tích lớn hơn cả Hàn Quốc hoặc Bồ Đào Nha. Ảnh: The Print. |
Một đặc điểm bất thường của năm 2020 là nhiệt độ vẫn nóng ngay cả khi có hiện tượng La Niña hiện tại. La Niña là kiểu thời tiết ở Thái Bình Dương thường có tác động làm mát nhiệt độ toàn cầu.
Tổng thư ký WMO Petteri Taalas nói: “Thật không may, năm 2020 là một năm đặc biệt khác đối với khí hậu của chúng ta. Bất chấp điều kiện hiện tại của La Niña, mức nhiệt năm nay gần kỷ lục so với kỷ lục trước đó của năm 2016”.
Dữ liệu từ WMO cho thấy sự trùng khớp với cảnh báo của Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres về việc thế giới đang trên con đường “tự sát”.
Ông António Guterres nói rằng: “Thiên nhiên luôn tấn công trở lại. Thiên nhiên đã và đang làm như vậy với sức mạnh và cơn thịnh nộ ngày càng tăng. Hỏa hoạn, lũ lụt, lốc xoáy và bão ngày càng trở thành hiện tượng bình thường mới".
Ông António Guterres cho rằng: trong thập kỷ tới thế giới cần phải giảm sản lượng nhiên liệu hóa thạch 6% mỗi năm, để hạn chế sự nóng lên toàn cầu dưới 1,5 độ C.
So với người tiền nhiệm, Tổng thư ký António Guterres đã tiến xa hơn nhiều trong sự ủng hộ hành động chống biến đổi khí hậu, bao gồm kêu gọi chấm dứt việc sử dụng than và yêu cầu tất cả các nước áp dụng mục tiêu không phát thải ròng.
“Hòa bình với thiên nhiên là nhiệm vụ hàng đầu của thế kỷ XXI. Nó phải được đặt lên hàng đầu, ưu tiên hàng đầu cho mọi người, mọi nơi”, ông António Guterres nói.
Trong suốt một năm mà việc chống lại COVID-19 là ưu tiên hàng đầu của nhiều chính phủ, một số nỗ lực để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đã bị trì hoãn. Trong đó, cả hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP26 cũng đã bị lùi lại một năm.
Năm nay cũng được đánh dấu bởi một số hiện tượng thời tiết bất thường và thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu, bao gồm mùa bão kỷ lục ở bắc Đại Tây Dương và đợt nắng nóng lớn ở vùng Cực Bắc Siberia.
Báo cáo nhiệt độ vùng Cực Bắc Siberia. Ảnh: NASA. |
Theo báo cáo của WMO, nhiệt độ đại dương cũng đạt mức kỷ lục vào năm 2020, góp phần hình thành nhiều cơn bão mạnh hơn. Các đám cháy rừng tàn phá khắp bờ biển phía tây nước Mỹ, Nam Mỹ và Úc nhấn mạnh sự tác động của nhiệt độ toàn cầu ngày càng cao hơn.
Năm 2020 được xếp hạng là năm nóng thứ 2 kỷ lục, chỉ sau năm 2016 và trước năm 2019, tuy nhiên sự khác biệt giữa các năm là rất nhỏ, vì vậy xếp hạng có thể thay đổi khi có dữ liệu từ những tuần cuối cùng của năm 2020.
Trong khi suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra đã khiến lượng khí thải giảm trong năm nay, thì mức độ carbon dioxide trong khí quyển vẫn đang tăng lên. Và lượng khí thải này có thể tồn tại trong không khí đến một thế kỷ.
Một loạt các mục tiêu khí hậu mới, bao gồm cả cam kết từ Trung Quốc về việc đạt mức độ trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này, có thể giúp giảm tốc độ ấm lên toàn cầu.
Tuy nhiên, những mục tiêu đó vẫn chưa đủ để hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới 2C, mức mà hiệp định Paris 2015 đã thống nhất.
Có thể bạn quan tâm:
► Nạn phá rừng Amazon ở Brazil tăng lên mức cao nhất trong 12 năm