Năm ngoái đã chứng kiến số lượng thảm họa thiên tai phá vỡ mọi kỷ lục, lên tới 37, gây thiệt hại bảo hiểm hàng tỉ USD, theo số liệu từ Aon. Ảnh: AP.
Người tiêu dùng nặng gánh chi phí môi trường
Michael Heffner sở hữu một ngôi nhà đơn lập cách Virginia Beach (Mỹ) chỉ một quãng ngắn chạy xe. Nhưng chỉ mới tậu căn nhà đúng một năm thì đơn vị bảo hiểm ngôi nhà của anh đã đột ngột thông báo cắt hợp đồng mà không nói lý do. Vội vàng tìm đến các hãng bảo hiểm khác thì anh được báo mức phí lên tới 2.000-3.200 USD/năm, cao hơn gấp đôi mức hiện tại anh đang đóng là 1.200 USD/năm.
Không chỉ Heffner, “các chủ sở hữu nhà đang rất lo lắng khi phí bảo hiểm tăng mạnh. Năm vừa qua là tệ nhất trong 15 năm qua”, Kevin Torcia, môi giới bảo hiểm ở Goosehead Insurance tại Virginia Beach, cho biết.
Hàng triệu người sở hữu nhà trên thế giới đang trong một cuộc khủng hoảng phí bảo hiểm. Trái đất nóng lên khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, cháy rừng, lốc xoáy... trở nên thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn, gây thiệt hại cho ngành bảo hiểm trong việc chi trả bồi thường. Kết quả là không ít hãng bảo hiểm buộc rời khỏi một số mảng kinh doanh/thị trường, đồng thời yêu cầu người mua bảo hiểm phải trả phí cao hơn ở các mảng khác.
Điều này là dễ hiểu. Theo báo cáo của Swiss Re Institute, bộ phận nghiên cứu thuộc hãng bảo hiểm Thụy Sĩ Swiss Re, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các thảm họa thiên nhiên. Trong số 36 quốc gia được nghiên cứu, Philippines bị tác động lớn nhất bởi lốc xoáy nhiệt đới, giông bão và lũ lụt, dẫn đến thiệt hại kinh tế hằng năm của nước này (tính trên thiệt hại về bất động sản) là 3% GDP, gấp 8 lần các quốc gia khác. Mỹ và Thái Lan chỉ xếp sau Philipppines với mức thiệt hại GDP là 0,4%.
“Lốc xoáy nhiệt đới là yếu tố chính gây nên thiệt hại kinh tế liên quan đến khí hậu tại Đông và Đông Nam Á. Một ví dụ gần đây là bão Haikui đã tàn phá nghiêm trọng trên diện rộng tại Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan và Philippines vào tháng 9/2023”, Jerome Jean Haegeli, Kinh tế trưởng tại Swiss Re, nhận xét.
Việc định giá lại rủi ro cũng như việc chi phí tái bảo hiểm tăng mạnh đã làm tăng đáng kể phí bảo hiểm. Ảnh: EPA |
4 năm liên tiếp tổng thiệt hại bảo hiểm từ thảm họa thiên nhiên đã lên đến 100 tỉ USD. Tại Mỹ, việc định giá lại rủi ro cũng như việc chi phí tái bảo hiểm tăng mạnh đã làm tăng đáng kể phí bảo hiểm, thậm chí nhiều hãng bảo hiểm ở nước này đã ngưng các hợp đồng bảo hiểm mới. Tại Úc, đà tăng phí bảo hiểm hằng năm lớn nhất trong 2 thập kỷ đã khiến cho 1,24 triệu hộ gia đình đối mặt với tình trạng “căng thẳng về khả năng chi trả bảo hiểm nhà ở”, tăng từ mức 1 triệu hộ cách đây 1 năm, theo Actuaries Institute.
“Đây là lần đầu tiên chúng ta thực sự đẩy việc chi trả chi phí biến đổi khí hậu sang cho người tiêu dùng”, Christinan Mumenthaler, CEO của Swiss Re, nhận xét. Ông nói thêm: “Phí bảo hiểm tăng lên là một dạng giá carbon tính lên người tiêu dùng với chi phí cao hơn. Và tất cả là do cách sống hiện tại của chúng ta”.
Năm ngoái đã chứng kiến số lượng thảm họa thiên tai phá vỡ mọi kỷ lục, lên tới 37, gây thiệt hại bảo hiểm hàng tỉ USD, theo số liệu từ Aon. “Những cơn giông bão lớn xưa nay được các hãng bảo hiểm dán nhãn là “nguy hiểm thứ cấp” vì không mang đến tổn thất khủng khiếp trên diện rộng như động đất... Nhưng bây giờ chúng ta không còn gọi các hiện tượng thời tiết như vậy là thứ cấp nữa”, Ernst Rauch, Trưởng khoa học gia về khí hậu tại Munich Re, hãng tái bảo hiểm lớn nhất thế giới về doanh thu phí bảo hiểm, nhận xét.
Rauch chỉ ra xu hướng tăng mạnh đáng kể các hiện tượng thời tiết như vậy tại Mỹ và châu Âu, vốn góp phần làm tăng lạm phát do chi phí tái thiết liên quan đến chi phí nhân công và vật liệu đã trở nên đắt đỏ hơn.
Nếu mức tổn thất thiệt hại bồi thường bảo hiểm hằng năm phá mốc 100 tỉ USD, các doanh nghiệp buộc phải tăng phí bảo hiểm lên cao hơn nữa, thậm chí có thể phải rời khỏi nhiều phân khúc thị trường, hoặc mảng kinh doanh để bảo vệ bảng cân đối tài sản của họ. Đây là điều khiến chính phủ các nước lo ngại. Cuối năm ngoái Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cũng đã khuyến cáo các tài sản không thể đảm bảo có thể tạo hiệu ứng dây chuyền lan sang các khu vực khác bằng cách làm cho các khoản vay thế chấp càng khó được đảm bảo hơn và làm gia tăng rủi ro tín dụng tại các ngân hàng nếu nhà cửa không còn là tài sản đủ điều kiện thế chấp.
“Bạn đang chứng kiến ngày càng nhiều người trên toàn cầu không được bảo hiểm vì họ không thể kham nổi phí bảo hiểm. Và không chỉ là người dân. Điều này cũng xảy ra với cả doanh nghiệp và ở một khía cạnh nào đó nó đang trở thành một vấn đề xét về khả năng tiếp cận vốn và chất lượng các khoản vay của họ”, Mia Mottley, Thủ tướng Cộng hòa Barbados, nhận xét.
Không được bảo hiểm là một vấn đề rất lớn của đảo quốc Barbados khi có tới 95% người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão Elsa năm 2021. Hay tại Úc, cứ 25 căn nhà sẽ có 1 căn không có bảo hiểm vào năm 2030, theo Hội đồng Khí hậu. Cơ quan này cho biết Úc sẽ “rất sớm thôi trở thành một quốc gia không thể bảo hiểm”.
Báo cáo của Swiss Re cũng chỉ ra các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Philippines cũng gặp vấn đề lớn về bảo hiểm, do đó không được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với hậu quả tài chính từ những thảm họa môi trường khốc liệt hơn trong tương lai. “Trong năm 2022, 86% tổn thất thiên tai của châu Á là không được bảo hiểm”, Haegeli của Swiss Re nói.
Điều khiến các chuyên gia lo lắng nhất là xu hướng này sẽ mang tính dài hạn vì tần suất và mức độ tàn phá của thiên tai đang ngày càng nghiêm trọng hơn, tất nhiên chi phí môi trường mà người dân và doanh nghiệp phải gánh chịu sẽ liên tục thiết lập mặt bằng mới đắt đỏ hơn. Eric Anderson, Chủ tịch tại Aon, cho rằng về lâu dài, vấn đề này sẽ trở thành câu hỏi mang tính chính sách cấp vĩ mô. Nó không chỉ đòi hỏi sự hành động nhanh chóng và cấp thiết từ chính phủ các nước mà còn cả các khu vực kinh tế, các tổ chức, người dân.
Đồng quan điểm, Haegeli nhận định: “Muốn giảm tác động từ biến đổi khí hậu đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Năm 2022, chúng tôi đưa ra ước tính tổng mức đầu tư toàn cầu cần cho sứ mệnh này lên tới hơn 270.000 tỉ USD, tức 9.400 tỉ USD mỗi năm, mới có thể tạo nên sự chuyển mình kinh tế nhằm đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050”.