_211615595.png)
Không phải ngẫu nhiên mà nông dân đồng bằng sông Cửu Long phải sử dụng nhiều phân bón. Ảnh: TL
Ngày về của giống lúa thuận thiên
Loại lúa có khả năng tự vươn mình theo dòng nước lũ sẽ giúp phục hồi hệ thống canh tác lúa nổi để trữ nước, phát triển nuôi thủy sản vùng lũ, phục hồi môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khi bóng dáng chiếc xe Honda 67 xuất hiện ngày một nhiều trên các con đường làng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cũng là lúc chương trình “Tăng gia sản xuất lúa Thần Nông” phát triển mạnh. Đó là giai đoạn những năm 1970. Nhiều nông dân trở nên giàu có, mua xe máy, xây nhà gạch sau khi họ chuyển đổi thành công từ lúa mùa 1 vụ sang 2 vụ lúa cao sản, với năng suất thu hoạch vượt trội.
Trước đó, Cách mạng Xanh bùng nổ trên thế giới vào thập niên 1960 và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các giống lúa cao sản có năng suất vượt trội từ Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), như IR5 và IR8, được gửi đến một số quốc gia châu Á để trồng thử nghiệm, trong đó có Việt Nam. Chỉ sau thời gian ngắn, hàng chục ngàn ha lúa IR5 và IR8 đã được thu hoạch với năng suất bình quân 4 tấn/ha, so với 1,5 tấn/ha của lúa nổi truyền thống lúc bấy giờ. Từ đây, IR5 và IR8 được gọi với cái tên “lúa Thần Nông”.
Cùng với sự phát triển của lúa cao sản, việc sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật ngày một gia tăng nhằm nâng cao năng suất, giúp sản lượng tăng lên mức 6-6,5 tấn/ha như hiện nay. Những giống lúa này, cùng với kỹ thuật canh tác phụ thuộc vào hóa chất, đã giúp tổng sản lượng gạo sản xuất tại miền Nam tăng theo từng niên vụ. Tuy nhiên, đây cũng là hồi chuông báo tử đối với giống lúa mùa nổi.
Khi đồng bằng trả giá
Đồng bằng sông Cửu Long được chia thành 3 vùng: thượng, trung và hạ. Vùng hạ giáp biển, trong khi vùng thượng là 2 khu vực đất ngập nước lớn (Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười) với diện tích khoảng 1,1 triệu ha. Trước đây, diện tích đất canh tác này chỉ trồng lúa nổi hoặc lúa mùa địa phương 1 vụ với năng suất không cao. Tuy nhiên, nhờ hệ thống đê bao ngăn lũ được xây dựng kiên cố, lúa cao sản đã chiếm trọn vùng thượng đồng bằng sông Cửu Long, đẩy giống lúa nổi và lúa mùa vang bóng một thời vào dĩ vãng.
![]() |
Dẫn lại dữ liệu thống kê, Thạc sĩ Lê Thanh Phong, Viện Biến đổi Khí hậu, Đại học An Giang, cho biết tỉnh An Giang từng có 250.000 ha trồng lúa nổi, còn toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long lên đến 500.000 ha. Tuy nhiên, đến năm 2012, diện tích này chỉ còn khoảng 30-40 ha. Hệ thống đê bao khép kín đã chiếm hơn 90% vùng chứa lũ, đặc biệt tại các tỉnh đầu nguồn đón dòng Mekong như An Giang, Đồng Tháp, Long An. Do đó, nước lũ hằng năm không còn tràn đồng mà bị ngăn lại hoặc bơm trực tiếp ra sông, rồi đổ ra biển.
Không phải ngẫu nhiên mà nông dân đồng bằng sông Cửu Long phải sử dụng nhiều phân bón. Hiện nay, với nhịp độ canh tác 3 vụ lúa mỗi năm liên tục tại Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, ít ai còn nhớ được rằng nơi đây từng là vùng sinh thái của lúa nổi. Loại lúa này cho phép nước lũ tự nhiên tràn đồng, mang theo phù sa và sản vật thiên nhiên, cung cấp nguồn thủy sản dồi dào như cá, tôm, cua, ốc, đồng thời duy trì đa dạng sinh học cho cả vùng. Tuy nhiên, hệ thống đê bao ngăn lũ giúp bảo vệ vùng trồng lúa cao sản nhưng cũng ngăn luôn phù sa bồi đắp cho đồng bằng. Sau hàng chục năm thâm canh lúa cao sản, lớp đất màu mỡ ngày càng suy kiệt và cây lúa phụ thuộc hoàn toàn vào phân bón cùng thuốc bảo vệ thực vật.
“Theo thống kê, trung bình nông dân sử dụng 5-7 kg hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trên 1 ha lúa mỗi năm”, ông Phong cho biết. Một dẫn chứng khác từ Niên giám Thống kê Việt Nam chỉ ra sản lượng thủy sản tự nhiên tại An Giang đạt 80.000 tấn vào năm 2000, nhưng đến năm 2023 chỉ còn hơn 2.000 tấn, giảm 40 lần trong vòng hơn 20 năm.
Mâu thuẫn trong quản lý nước còn thể hiện rõ vào thời điểm đỉnh lũ. Trong khi tại An Giang, vùng thượng nguồn, nước trên đồng khô cạn thì cùng thời điểm, tại Cần Thơ, vùng thấp hơn, nước ngập tràn trên các con đường trung tâm thành phố. Hệ thống đê bao khép kín và ngăn lũ để bảo vệ lúa cao sản vụ 3 đã đi ngược quy luật tự nhiên, khiến nước từ thượng nguồn bị đẩy xuống hạ nguồn.
![]() |
Chuyên gia JIRCAS, Nhật đến thăm ruộng thử nghiệm trong dự án “Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các giống lúa mùa cho vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long”. Ảnh: TL |
Ngược lại, vào mùa khô, người dân đối diện với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu vào đất liền tại các vùng hạ. Nếu nước ngọt không được trữ trên đồng ruộng và trong đất liền, kết hợp với việc thiếu nước từ thượng nguồn, con người buộc phải khai thác nước ngầm nhiều hơn. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến đồng bằng sông Cửu Long sụt lún hơn 1 cm mỗi năm.
Lời giải từ quá khứ
Chương trình bảo tồn lúa mùa nổi của Đại học An Giang được khởi động vào năm 2012 đã bắt đầu cho mối duyên nợ với giống lúa xưa của Lê Thanh Phong. 2 năm sau, ông bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu về lúa mùa nổi - loại lúa có khả năng tự vươn mình theo dòng nước lũ. Ý tưởng của ông là phục hồi hệ thống canh tác lúa nổi để trữ nước, phát triển nuôi thủy sản vùng lũ, phục hồi môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhưng phải gắn liền với thương mại hóa.
Vị thạc sĩ tiến hành phục tráng các giống lúa nổi tại địa phương. Ông tìm kiếm những dòng lúa tốt trong quần thể, trồng và so sánh qua nhiều vụ để chọn ra dòng tối ưu nhất. Đến năm 2018, ông cho ra đời giống lúa mùa nổi phiên bản 1 với tên gọi Nàng Tây Đùm, đạt năng suất gần 3 tấn/ha, trong khi giống lúa cũ chỉ đạt 1,2-1,5 tấn/ha.
Nàng Tây Đùm là giống lúa bản địa đặc biệt. Bởi nước lũ dâng đến đâu, lúa vươn lên đến đó. Trong mùa lũ, từng luống lúa tự vươn cao, có thể đạt từ 3-5 m, tạo không gian trữ nước dưới gốc và môi trường lý tưởng để cá phát triển.
Điều đáng mừng là lúa nổi Nàng Tây Đùm được Tập đoàn Khải Nam bao tiêu trên diện tích trồng khoảng 50 ha tại Long An và đang tiếp tục mở rộng vùng sản xuất. Dẫu vậy, doanh nghiệp này chỉ sử dụng gạo thành phẩm để chế biến các sản phẩm khô như phở, hủ tiếu, bún, miến. Còn Tập đoàn Lộc Trời cũng từng thu mua giống gạo này trong vòng 3 năm nhưng đã ngừng do một số hạn chế về chất lượng gạo. Gạo lứt của giống lúa nổi truyền thống khá cứng, không có mùi thơm đặc trưng, trái với sở thích gạo thơm, mềm cơm của người tiêu dùng. Khác biệt này khiến việc thương mại hóa lúa nổi trở thành thách thức lớn, mở rộng vùng trồng khó khả thi.
Ngoài ra, sự thay đổi trong cơ cấu mùa vụ cũng đặt ra yêu cầu về những giống lúa mùa có thời gian sinh trưởng ngắn hơn. Do lũ về ngày càng ít, lúa nổi Nàng Tây Đùm với thời gian thu hoạch vào cuối tháng 12 dương lịch, không còn phù hợp trong nhịp sản xuất hiện nay. “Làm thế nào để vẫn bảo tồn được dòng lúa quý mà vẫn phù hợp với lịch gieo trồng hiện đại, cũng như đáp ứng thị hiếu tiêu dùng?”. Câu hỏi trên đã thôi thúc Lê Thanh Phong tập trung cải thiện chất lượng lúa mùa nổi.
Sau nhiều năm, nhóm nghiên cứu của Thạc sĩ Phong không ngừng phân tích đặc tính di truyền, khắc phục những hạn chế của Nàng Tây Đùm để tạo ra một phiên bản lúa mùa nổi ưu việt hơn.
![]() |
Cuối cùng, giống mới đã lộ diện với thời gian thu hoạch rút ngắn 1 tháng so với giống cũ. Người dân thu hoạch lúa vào cuối tháng 11 dương lịch, sau đó chuyển sang các loại cây trồng khác. Khi giống cải tiến được trồng thành công, nông dân trong vùng đê bao có thể kết hợp canh tác 2 vụ lúa cao sản với một vụ lúa mùa. Lúc trồng lúa mùa, người dân có thể xả lũ vào đồng từ tháng 8 đến tháng 10 và kết hợp nuôi thủy sản. Đây là phương thức canh tác thuận tự nhiên, tận dụng nguồn tài nguyên tại các vùng trũng ngập nước thuộc đồng bằng sông Cửu Long.
Về chất lượng gạo, những phiên bản sau của Nàng Tây Đùm có hạt gạo mềm hơn, cơm dẻo ngon, có hương thơm tương tự gạo ST, đồng thời vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng cao đặc trưng của giống lúa xưa. “Gạo ngon, người tiêu dùng sẽ quay lại mua. Doanh nghiệp bán được hàng thì nông dân mới có động lực phát triển vùng trồng lúa. Cần thời gian để thị trường chấp nhận hạt gạo lúa mùa nổi”, ông Phong nói.
Nhờ sự hỗ trợ từ Đại học Hirosaki, Trung tâm Nghiên cứu về Khoa học Nông nghiệp Quốc tế Nhật (JIRCAS) và các mạnh thường quân, đến nay, Dự án “Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các giống lúa mùa cho vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long” đang bước vào giai đoạn cuối gồm hoàn thiện giống, hoàn thiện quy trình canh tác, đăng ký sở hữu trí tuệ, đăng ký giống mới và thương mại hóa sản phẩm.
Với ý nghĩa nhân văn của dự án, mới đây, tại vòng chung kết AiViet Innovation Award 2024 nhóm nghiên cứu lúa mùa nổi đến từ Viện Biến đổi Khí hậu, Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP.HCM đã giành Giải thưởng Cộng đồng và nhận được suất đầu tư trị giá 50.000 USD để hoàn thiện sản phẩm.