Hiện nay trong gần 4.000 doanh nghiệp nhựa trên toàn Việt Nam thì có tới 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh thu dưới 200 tỉ đồng/năm. Ảnh: TL.
Ngành nhựa bắt đầu giải bài toán "xanh hóa"
Tại hội thảo "Giảm phát thải carbon trong các ngành sản xuất xi măng, thép, nhựa ở Việt Nam" mới đây, bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA) cho biết tiêu thụ điện trong lĩnh vực cao su và nhựa đã tăng từ 5,7 tỉ kWh năm 2016 lên 7,62 tỉ kWh trong năm 2019.
Với sản lượng sản xuất lớn hàng năm, chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3) đã đặt ra mục tiêu giảm tiêu hao năng lượng bình quân đối với ngành sản xuất nhựa từ 18 - 22% giai đoạn đến năm 2025 và từ 21 - 24% giai đoạn đến năm 2030.
Để đạt được các mục tiêu đề ra cũng như phù hợp với xu thế phát triển và tiêu thụ năng lượng của ngành, Bộ Công Thương đã chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng.
Tuy nhiên, từ các khảo sát đã thực hiện, VPA cho biết, hiện nay mức độ tuân thủ quy định về định mức tiêu hao năng lượng của doanh nghiệp ngành nhựa còn hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp nộp báo cáo là 50,56%, tỷ lệ đạt định mức tiêu hao năng lượng là 37,99%, tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch cải thiện hiệu suất tiêu hao năng lượng là 22,47%.
Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành nhựa sẽ vào khoảng 8,4% từ năm 2023 -2028. Hiện tại ngành này đang sử dụng hơn 250.000 công nhân, hơn 4.000 công ty. Mức tiêu thụ nhựa trung bình của người Việt Nam ở khoảng 62kg/năm và sẽ tăng cao hơn khi GDP và dân số có mức thu nhập trung bình tăng lên.
Đại diện Messe Dusseldorf châu Á cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng phát thải nhựa rất lớn song thời gian gần đây, điều này đòi hỏi ngành nhựa Việt Nam nhìn lại toàn bộ vòng đời của vật liệu nhựa. Các quy trình sản xuất cần sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, thải ra ít khí độc hại và các sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần được khuyến khích nhiều hơn.
Doanh nghiệp nhựa có doanh thu trên 200 tỉ đồng/năm chỉ chiếm 8%, trên 1.000 tỉ đồng chỉ chiếm 1,2%. Ảnh: An Phát. |
Từ ngày 1/1/2024, phí trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất được áp dụng với nhóm nhựa bao bì sẽ có hiệu lực. Quy định này hướng tới một ngành sản xuất nhựa thân thiện với môi trường, tuy nhiên đây cũng là thách thức cho doanh nghiệp trong việc thực hiện tuân thủ.
Cùng với đó, định mức chi phí tái chế (Fs) sẽ được Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành vào cuối năm 2023 để các nhà sản xuất, nhập khẩu bao bì có thể thực hiện trách nhiệm của mình từ năm 2024.
Việc xác định Fs sẽ quyết định đến việc thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu. Đây là một trong những yếu tố để xác định mức đóng góp của nhà sản xuất vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam.
Hiện nay trong gần 4.000 doanh nghiệp nhựa trên toàn Việt Nam thì có tới 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh thu dưới 200 tỉ đồng/năm. Doanh nghiệp có doanh thu trên 200 tỉ đồng/năm chỉ chiếm 8%, trên 1.000 tỉ đồng chỉ chiếm 1,2%.
Có thể bạn quan tâm: