Dự án điện gió Đầm Nại, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: thebluecircel.sg
Năng lượng tái tạo tăng nhiệt
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhu cầu tiêu thụ điện năm 2021 sẽ hồi phục và tăng trưởng ở mức 8-10%. Từ dự báo này, Trung tâm điều tiết điện quốc gia ước tính, tổng lượng điện năm 2021 sẽ đạt 267,9 tỉ kWh, tăng khoảng 7% so với năm 2020. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp năng lượng tái tạo.
Đến thời điện gió
Năm 2021 điện mặt trời và điện gió dự báo sẽ tiếp tục mở rộng, hưởng cơ chế ưu đãi của EVN nhờ chính sách tập trung vào năng lượng xanh trong quy hoạch điện VIII. Ngoài ra, theo quan sát của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, mảng năng lượng tái tạo sẽ có lợi thế về nguồn vốn vay, dòng tiền và nguồn thu từ sự hỗ trợ của các ngân hàng và nhà đầu tư nước ngoài. Dự kiến, năm 2021, công suất điện mặt trời và điện gió sẽ tăng, có thể gấp đôi hiện tại, tức 20.198 MW.
Nếu điện gió còn thời gian cho đóng điện hưởng giá FIT (giá cố định trong 20 năm) đến tháng 11.2021 thì điện mặt trời đã tạm “chốt sổ”. Chỉ những dự án điện mặt trời mái nhà nào đã vận hành thương mại trước năm 2020 mới được hưởng cơ chế giá (2.162 đồng/kWh cho dự án vận hành từ 1.6.2017 đến 30.6.2019 và 1.938 đồng/kWh cho nhà máy vận hành từ 1.7.2019 đến hết năm 2020). Sau thời điểm này, Bộ Công Thương vẫn để trống chính sách giá điện và cơ chế phát triển cho điện mặt trời.
Vì thế, cuối năm 2020 đã có cuộc chạy đua nước rút của các chủ đầu tư dự án. Theo EVN, đến cuối năm 2020, 25% tổng công suất điện cả nước là từ điện mặt trời (16,5 GW), cao hơn gấp 3 lần so với năm 2019. Đáng nói công suất hiện tại từ các nhà máy điện mặt trời đã vượt công suất yêu cầu năm 2025 (12,5 GW).
SSI Research lo ngại, sự gia tăng tổng công suất điện sẽ tạo rủi ro về tắc nghẽn lưới điện truyền tải, tác động tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận ngành điện. Theo kế hoạch, EVN sẽ đầu tư truyền tải điện trên toàn quốc giai đoạn 2021-2030 với tổng giá trị 766.000 tỉ đồng, cao hơn 26% so với quy hoạch điện VII điều chỉnh. Ngoài ra, với sự bùng nổ công suất và sản lượng điện từ các nhà máy điện mặt trời, EVN có thể sẽ giảm sản lượng trong hợp đồng với nhà máy nhiệt điện. Các doanh nghiệp nhiệt điện như Phả Lại có thể bị ảnh hưởng.
Các công ty đi sau đang chuyển hướng tập trung vào điện gió để đảm bảo dự án đưa vào vận hành thương mại trước 1.11.2021. Như vậy, chỉ còn 8 tháng để các doanh nghiệp chạy đua nếu muốn hưởng cơ chế giá FIT 0,084 USD/kWh cho điện gió trên bờ và 0,098 USD/kWh cho các dự án điện gió ngoài khơi. Đây là một việc rất khó thực hiện.
Ảnh: TTXVN |
Dù vậy, theo ước tính của VietinBankSC, với triển vọng tăng trưởng ngành điện gió gần gấp 3 lần so với điện mặt trời, ở mức 34,2%/năm (giai đoạn 2020-2030), với sự chuyển đổi mức đóng góp của năng lượng tái tạo từ 12% hiện tại lên 30,8% tổng công suất phát vào năm 2045, các công ty vẫn nỗ lực tăng tốc. EVN cho biết, trong 8 tháng năm 2020, tổng công suất điện gió được phê duyệt và bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện VII điều chỉnh là 11.800 MW.
Các khoản đầu tư lớn
Áp lực cạnh tranh là không nhỏ khi công suất điện gió được phê duyệt đã vượt công suất yêu cầu năm 2025 (11.320 MW), còn điện mặt trời đã có hàng trăm ngàn dự án trải rộng khắp nơi. Dù vậy, các nhà đầu tư tin rằng, cơ hội vẫn đến với công ty đạt suất đầu tư thấp, hưởng được chính sách giá và ở vị trí gần đường truyền tải.
Trong các gương mặt tham gia lĩnh vực năng lượng tái tạo, có thể kể đến Công ty Trung Nam với hàng loạt dự án khắp Ninh Thuận, Bình Thuận và đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, nổi bật là Dự án trạm biến áp 500 kV và đường dây 220/500 kV kết hợp nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trung Nam Group, từng chia sẻ, đây là dự án lớn nhất cả nước và vùng Đông Nam Á do tư nhân đầu tư. "Khi dự án này hoàn thành, Trung Nam đã chính thức phát trên lưới quốc gia 1.064 MW bao gồm thủy điện, điện mặt trời, điện gió. Dự kiến năm 2021, chúng tôi sẽ phát thêm 900 MW điện gió và đến năm 2027 đưa vào vận hành gần 10.000 MW điện năng lượng tái tạo, điện gió và điện mặt trời", ông Tiến nói.
Hay Công ty Điện Gia Lai hiện sở hữu 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất 290 MWp. Không chỉ đầu tư điện mặt trời, các công ty này cũng dấn bước mạnh mẽ vào điện gió. Điện Gia Lai đã đầu tư 3 dự án điện gió 130 MW. Mảng điện gió dự báo sẽ đóng góp 10% tổng doanh thu Công ty năm 2021 (khoảng 173 tỉ đồng). Những năm sau, điện gió dự kiến đạt hơn 30% tổng doanh thu (khoảng 700 tỉ đồng). Còn mảng điện mặt trời ước lần lượt đóng góp 55% và 60% vào doanh thu, lợi nhuận gộp cho Điện Gia Lai. Tại REE, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nguyễn Thị Mai Thanh từng chia sẻ mục tiêu vượt mốc 1.000 MW (từ mức 515 MW hiện tại). Tính ra, REE muốn chiếm khoảng 16% tỉ trọng điện tái tạo toàn quốc.
Trong số các công ty ngoại, Super Energy (Thái Lan) là cái tên đáng chú ý khi chi 456,7 triệu USD để sở hữu cổ phần và đầu tư vào 4 dự án điện mặt trời tại Việt Nam gồm Lộc Ninh 1 (200 MW), Lộc Ninh 2 (200 MW), Lộc Ninh 3 (150 MW) và Lộc Ninh 4 (200 MW). Trước đó, Super Energy đã lên kế hoạch đầu tư vào 3 dự án điện mặt trời tại Việt Nam (Phan Lâm, Bình An và Sinenergy Ninh Thuận) với tổng công suất 136,72 MW. Super Energy còn đầu tư vốn vào dự án điện mặt trời Văn Giáo 1, Văn Giáo 2 ở An Giang và dự án điện mặt trời Thịnh Long ở Phú Yên.
Theo đánh giá của Super Energy, ngay cả khi giá điện mặt trời giảm về mức 7,09 cent/kWh, các dự án điện mặt trời vẫn mang lại hiệu quả. Đây cũng là động lực để các công ty gia tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo.