Theo quy hoạch Điện VIII, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 24,3-25,7% tổng công suất các nhà máy điện vào năm 2030 và 40,1-41,7% vào năm 2045. Ảnh: retailnews.asi

 
Viết Nguyên Thứ Hai | 25/10/2021 13:30

Năng lượng tái tạo hút vốn đầu tư

Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư tư nhân đổ vào ngành năng lượng tái tạo.

EDF Renewables, thuộc Tập đoàn EDF (Pháp) mới đây đã quyết định đầu tư vào SkyX Solar, công ty thành viên của VinaCapital. Chi tiết đầu tư không được tiết lộ. Tuy nhiên, theo ông Don Lam, đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc VinaCapital, với sự đồng hành của đối tác chiến lược EDF Renewables, trong vòng 2-3 năm tới, SkyX Solar dự kiến đầu tư ít nhất 100 triệu USD để phát triển thêm 200 MWp điện mặt trời áp mái phục vụ khách hàng thương mại và công nghiệp (C&I)  tại Việt Nam.

Tiềm năng năng lượng tái tạo

SkyX Solar hiện vận hành các dự án với tổng công suất khoảng 30 MWp và sẽ bắt tay với các khu công nghiệp để cùng khai thác thêm hàng trăm MW điện mặt trời áp mái. Về phần EDF Renewables là một trong những công ty năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới, hiện diện khắp châu Âu, Bắc Mỹ và một số khu vực mới nổi như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Úc, Trung Đông... Tổng công suất lắp đặt toàn thế giới của EDF Renewables lên đến 13,8 GW. 

Trong khi đó, Việt Nam là thị trường hàng đầu Đông Nam Á về điện mặt trời, với tổng công suất tích lũy vào cuối năm 2020 đạt 9,3 GW, theo Bloomberg. Tính riêng năm 2020, công suất điện mặt trời đạt 16.640 MW, chiếm 24% tổng hệ thống điện quốc gia.

 

Với đường bờ biển dài hơn 3.000 km, khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam còn có triển vọng trong lĩnh vực điện gió. Theo ước tính của Global Wind Atlas, hơn 39% diện tích Việt Nam có tốc độ gió trung bình năm trên 6 m/s ở độ cao 65 m và hơn 8% diện tích đất liền của Việt Nam có tốc độ gió trung bình hằng năm trên 7 m/s. Điều này tương ứng với tiềm năng tài nguyên gió là 512 GW và 110 GW. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ có 1.000 MW dự án điện gió đang hoạt động.

Ông Don Lam dự báo, năng lượng tái tạo ở Việt Nam sẽ tăng mạnh vì Chính phủ cam kết giảm lượng khí thải carbon và nhu cầu điện cho sản xuất phát triển kinh tế xã hội ngày càng tăng. Theo tính toán của Bộ Công Thương, Việt Nam sẽ thiếu 11 tỉ kWh vào năm 2022 và đỉnh điểm trên 13 tỉ kWh vào năm 2023, sau đó vẫn sẽ thiếu hụt. Để bù đắp lượng thiếu hụt, ước tính từ nay đến năm 2030 sẽ cần trên 12 tỉ USD mỗi năm để đầu tư nguồn điện mới.

Chạy đua đầu tư

Thời gian qua, hàng chục tỉ USD vốn FDI đã đổ vào ngành điện mà trọng tâm là năng lượng tái tạo. Nổi bật là dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu do Delta Offshore Energy Pte. Ltd (Singapore) đầu tư với tổng vốn 4 tỉ USD và có công suất thiết kế 3.200 MW. Hay hợp tác giữa Copenhagen Infrastructure Partners (Đan Mạch) và tỉnh Bình Thuận để phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với tổng công suất 3.500 MW, vốn đầu tư 10 tỉ USD.

Về mảng điện mặt trời, hàng loạt công ty như Tập đoàn Xuân Thiện, Trung Nam, Hoàng Sơn, T&T Group, Bamboo Capital, Vạn Ninh, Thiên Niên Kỷ, VKT - Hòa An, MCD Việt Nam, Sao Mai, Hà Đô, Trường Thành Group, Licogi 16... đều tham gia triển khai dự án.

 

Riêng VinaCapital, ngoài lập SkyX Solar, còn hợp tác với GS Energy (Hàn Quốc) thành lập liên doanh VinaCapital GS Energy để đầu tư và phát triển dự án nhà máy điện khí hóa lỏng công suất 3.000 MW tại tỉnh Long An. Dự kiến cuối năm 2026 đầu năm 2027, dự án sẽ được đưa vào hoạt động giai đoạn 1. Sau đó, toàn bộ dự án sẽ đi vào vận hành, đáp ứng hơn 5% nhu cầu điện cả nước. VinaCapital cũng đang làm việc với một số đối tác để đầu tư, phát triển và khai thác thêm các dự án khác (gồm cả dự án điện gió ngoài khơi) với tổng công suất khoảng 2 GW vào năm 2025. VinaCapital đang nghiên cứu các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực năng lượng như pin lưu trữ, lưới điện thông minh và theo dõi các xu hướng phát triển các nguồn năng lượng mới để có thể xem xét đưa về Việt Nam. “Chúng tôi đặt mục tiêu dài hạn trở thành đơn vị dẫn đầu trong đầu tư và phát triển công nghệ năng lượng tại Việt Nam”, ông Don Lam nói.

Những khoản đầu tư này nhằm nắm bắt cơ hội trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh năng lượng tái tạo. Theo quy hoạch Điện VIII, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 24,3-25,7% tổng công suất các nhà máy điện vào năm 2030 và 40,1-41,7% vào năm 2045. Bộ Công Thương ước tính, Việt Nam cần khoảng 99,3-115,9 tỉ USD để đầu tư phát triển điện từ năm 2021-2030. Giai đoạn 2031-2045, tổng nhu cầu vốn đầu tư sẽ là 180,1-227,3 tỉ USD, một áp lực lớn cho Việt Nam. Vốn FDI đổ vào năng lượng được xem là giải pháp khả thi và  đang đứng thứ 3 trong nhóm thu hút FDI ở Việt Nam.

Vốn FDI đổ vào năng lượng được xem là giải pháp khả thi và  đang đứng thứ 3 trong nhóm thu hút FDI ở Việt Nam.
Vốn FDI đổ vào năng lượng được xem là giải pháp khả thi và đang đứng thứ 3 trong nhóm thu hút FDI ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân), thu hút FDI cho lĩnh vực năng lượng cần có chọn lọc, nên ưu tiên nhà đầu tư châu Âu vì uy tín và năng lực tốt. Và để huy động vốn quốc tế, thách thức cho Việt Nam là phải đạt khả năng cạnh tranh cao, tuân thủ quy luật cung - cầu và vận hành theo những chuẩn mực nhất định.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết Việt Nam đang tập trung vào chính sách, hạ tầng truyền tải kết hợp với hệ thống lưu trữ và tăng cường khả năng điều độ vận hành hệ thống điện, kết nối lưới điện khu vực. Các dự án năng lượng tái tạo quy mô công suất lớn sẽ từng bước chuyển sang cơ chế đấu thầu cạnh tranh. “Khi Chính phủ tiếp tục cải thiện các quy định và khuôn khổ pháp lý liên quan, chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư quốc tế tham gia phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam”, ông Don Lam nói.

Xu hướng đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng được phản ánh trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khi tỉ trọng trái phiếu năng lượng tăng từ 3% năm 2019 lên 8% năm 2020, với tổng giá trị phát hành của các công ty đầu tư vào điện mặt trời đạt 29.800 tỉ đồng, tăng 254%. Công ty Chứng khoán Tân Việt đánh giá, năng lượng tái tạo trở nên thu hút nhờ hưởng lợi từ giá FIT bán điện ở mức cao hơn so với nhiệt điện, thủy điện. Bên cạnh đó là những ưu đãi về thuế, lãi vay.