Năng lượng số cho mục tiêu giảm carbon
Hội thảo chuyên đề “Phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới trong tiến trình Hiện đại hoá, công nghiệp hoá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đặt ra tầm quan trọng của việc phát triển năng lượng từ nguồn năng lượng bền vững, năng lượng xanh giúp giảm thiểu tối đa lượng khí thải carbon và những sáng kiến, ứng dụng công nghệ thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, năng lượng mới trong tất cả các ngành công nghiệp và đời sống.
Biến đổi khí hậu cùng với những hệ quả đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Khí thải carbon là nguyên nhân chính cho sự nóng dần lên của Trái đất, gây ra các đợt hạn hán, bão lũ và các diễn biến thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng đến sự sống của hàng tỷ người trên Trái đất. Do đó, các biện pháp giảm phát thải nhà kính mạnh mẽ là yếu tốt then chốt để ngăn chặn biển đổi khí hậu là mối quan tâm hàng đầu của tất cả quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, kèm theo sự gia tăng sản xuất và tiêu thụ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, tổng phát thải khí CO2 cũng gia tăng nhanh chóng, phát thải khí CO2 bình quân đầu người hằng năm ở mức 1,96 tấn năm 2015 đã tăng lên 2,95 tấn vào năm 2019. Các phân tích, đánh giá hiện nay cho thấy, an ninh năng lượng của nước ta chưa thực sự đảm bảo vững chắc, còn phụ thuộc nhiều vào các nguồn năng lượng hóa thạch...
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, với mức phát thải hiện tại, chỉ 11 năm nữa Trái đất sẽ nóng lên 1,5 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp, mốc nhiệt độ đang được Thỏa thuận Paris đặt mục tiêu hạn chế.
Các quốc gia trên thế giới đều hướng tới việc tăng cường sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch; khai thác tối đa tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo ở nước mình trên cơ sở lợi thế so sánh với các nguồn năng lượng truyền thống và nhập khẩu.
Trước tình hình đó, các quốc gia trên thế giới đã đặt ra mục tiêu trung hòa carbon trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26, các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow, Scotland (Anh). Chuyển đổi sang nền kinh tế không phụ thuộc vào năng lượng phát thải carbon và hướng đến một tương lai phát triển bền vững là yêu tố tiên quyết để nhân loại tồn tại và phát triển.
Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ; trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Chìa khoá đạt được mục tiêu trung hoà carbon đó chính là xây dựng các hệ thống nguồn năng lượng dựa trên các nguồn năng lượng sạch và năng lượng mới. Ông Bruce Li, Phó Chủ tịch Kinh doanh Năng lượng số Châu Á - Thái Bình Dương của Huawei Digital Power, cho biết, lĩnh vực năng lượng số (Digital Power) chính là mảng xương sống trong tương lai của ngành năng lượng. Đó chính là việc tích hợp công nghệ kỹ thuật số và điện tử công suất hướng đến nguồn năng lượng xanh và sạch hơn.
“Ứng dụng những công nghệ trong lĩnh vực ICT, điện tử công suất tích hợp đưa vào tất cả các ngành công nghiệp, các lĩnh vực trong cuộc sống, đơn cử như ngành năng lượng mặt trời, giao thông thông minh, xe điện và hạ tầng cho xe điện”, ông Bruce Li cho biết.
Ngành ICT sẽ giúp các lĩnh vực khác cắt giảm lượng khí thải carbon gấp 10 lần so với mức phát thải của chính ngành ICT. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đến năm 2030, công nghệ kỹ thuật số có thể sẽ giúp giảm 15% lượng khí thải carbon toàn cầu.
Ở quy mô toàn cầu, đầu tư cơ sở hạ tầng điện kỹ thuật số và phần mềm đã tăng trên 20% hàng năm kể từ năm 2014, đạt 47 tỉ USD vào năm 2016. Khoản đầu tư này vào năm 2016 cao hơn gần 40% so với đầu tư vào sản xuất điện bằng khí đốt trên toàn thế giới (34 tỉ USD) và gần bằng tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực điện của Ấn Độ (55 tỉ USD).