Dựa trên các chính sách hiện tại, nhu cầu năng lượng toàn cầu được dự báo sẽ giảm tốc từ năm 2023 đến 2035. Ảnh: WSJ.

 
Khánh Tú Thứ Sáu | 18/10/2024 16:17

Năng lượng sạch sẽ thống lĩnh toàn cầu vào 2035

Năng lượng sạch sẽ phát triển nhanh hơn nhu cầu năng lượng toàn cầu, dự kiến chiếm ưu thế vào giữa thập niên 2030.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các nguồn năng lượng sạch dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với nhu cầu năng lượng toàn cầu vào cuối thập kỷ này và trở thành nguồn cung chính vào giữa thập niên 2030.

Dựa trên các chính sách hiện tại, nhu cầu năng lượng toàn cầu được dự báo sẽ giảm tốc từ năm 2023 đến 2035, chỉ còn tăng khoảng 0,5% mỗi năm nhờ các biện pháp tiết kiệm năng lượng, điện khí hóa, và sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình 1,4% trong giai đoạn 2013-2023.

Trong khi đó, các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện mặt trời và gió, đang trên đà bùng nổ. Điều này sẽ khiến nhu cầu nhiên liệu hóa thạch đạt đỉnh trước năm 2030, giảm tỉ lệ sử dụng năng lượng hóa thạch xuống còn 58% vào năm 2050, so với 80% năm ngoái.

Báo cáo của IEA cho biết, tiến trình chuyển đổi năng lượng tiếp tục phát triển đồng nghĩa với việc đến cuối thập kỷ này, nền kinh tế toàn cầu có thể tiếp tục phát triển mà không cần tiêu thụ thêm dầu, khí đốt tự nhiên hay than đá.

Đầu tư vào năng lượng tái tạo dự kiến sẽ đạt 850 tỉ USD vào năm 2030, tăng từ mức 680 tỉ USD của năm ngoái, và tổng công suất năng lượng tái tạo toàn cầu sẽ tăng hơn gấp đôi.

Theo kịch bản “cam kết công bố” của IEA, giả định rằng tất cả các mục tiêu năng lượng và khí hậu quốc gia sẽ được thực hiện đúng hạn, năng lượng sạch sẽ đáp ứng 40% nhu cầu năng lượng toàn cầu vào năm 2035 và tăng lên gần ba phần tư vào năm 2050. Trong kịch bản phát thải ròng bằng 0, con số này có thể đạt 90% vào giữa thế kỷ.

Trong tất cả các kịch bản, điện khí hóa sẽ tăng tốc trong mọi lĩnh vực, từ hệ thống sưởi ấm, làm mát, di chuyển đến vận hành các thiết bị gia dụng. Tuy nhiên, IEA cảnh báo mặc dù năng lượng sạch đang phát triển mạnh mẽ, các chính sách và điều kiện thị trường hiện tại không đủ nhanh để đưa các quốc gia vào lộ trình phát thải ròng bằng 0.

Năm ngoái, nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng 2%, và mặc dù năng lượng sạch được triển khai ở mức kỷ lục, hai phần ba mức tăng này vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đẩy lượng khí thải CO2 lên mức cao kỷ lục.

Trong khi đó, các khu vực nhập khẩu nhiên liệu như châu Âu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá nhiên liệu hóa thạch và điện cao, nhất là trong cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022.

Ông Fatih Birol, Giám đốc Điều hành IEA, nhận định bất ổn địa chính trị đang phơi bày những điểm yếu tiềm ẩn của hệ thống năng lượng toàn cầu. Cơ sở hạ tầng năng lượng cũng đang đối mặt với rủi ro gia tăng từ các hiện tượng thời tiết cực đoan, vốn ngày càng trở thành một phần hiển nhiên của cuộc sống.

Khả năng dự trữ dầu thô dồi dào, dự kiến đạt 8 triệu thùng/ngày vào năm 2030, và sự xuất hiện của các dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới có thể phần nào giảm thiểu nguy cơ giá tăng đột biến. Tuy nhiên, việc đảm bảo nguồn cung nhiên liệu vẫn chưa được đảm bảo, theo IEA.

Là một phần trong các nỗ lực cần thiết để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang hệ thống phát thải ròng bằng 0, IEA cho biết điều quan trọng là phải tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch tại các thị trường đang phát triển và mới nổi, nơi hiện chiếm chỉ 15% tổng đầu tư dù có đến hai phần ba dân số thế giới.

Có thể bạn quan tâm:

Phương Tây siết thuế quan chặn hàng giá rẻ Shein và Temu

Nguồn WSJ