Trường Hy Vọng nhận được cam kết tài trợ từ Tập đoàn FPT và Quỹ Hy Vọng - Hope Foundation. Ảnh: TL.

 
Ngọc Thủy Thứ Năm | 29/09/2022 13:30

Mở lớp hy vọng, dựng trường yêu thương

Ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức tham gia vào các hoạt động dài hạn và chuyên nghiệp để giúp đỡ những trẻ em yếu thế...

Những trẻ em khuyết tật hoặc đang chịu nhiều mất mát, khổ đau có thể hy vọng về một tương lai tươi sáng khi ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức dấn bước mạnh mẽ hơn cho hoạt động giáo dục xã hội.

Từ trường công lập... 

Trong tập 2 của chương trình truyền hình thực tế "Cơ hội cho ai? - Whose chance?" mùa 4 vừa phát sóng vào ngày 10/9, có một gương mặt đáng chú ý là La Chí Hùng. Chàng cử nhân mồ côi cha mẹ nhận được sự quan tâm rất lớn từ khán giả vì anh là ứng viên đến từ Làng SOS. Anh đã vượt qua các đối thủ để vào vòng trong và chọn công việc có tính thiện nguyện thay vì công việc có thu nhập cao. Anh Hùng muốn làm công việc thiện nguyện để hỗ trợ cộng đồng và “biết đâu, ở một thời điểm phù hợp, tôi có thể tìm lại được nguồn cội của mình".

 

Từ khi còn rất bé, anh Hùng đã được nhận vào Làng SOS Gò Vấp và như bao đưa trẻ khác tại đây, anh chỉ biết đến người mẹ nuôi tên Ngọc Re. Có lẽ Hùng muốn nối gót ông Helmut Kutin, người đã xây dựng làng SOS đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1968. Bất chấp chiến tranh, ông Kutin đã lên đường sang Việt Nam và nhận công việc này ngay khi có lời mời từ nhà sáng lập làng SOS, ông Hermann Gmeiner. Ông Kutin cũng từng là trẻ mồ côi ở Làng SOS nên ông xem đây là sứ mệnh phải làm.

Đến nay, khi các nước trên thế giới chỉ lập 1 hoặc 2 làng SOS thì ở Việt Nam đã có đến 17 làng SOS. Sau hơn 30 năm đồng hành giúp đỡ trẻ mồ côi, bị bỏ rơi và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, làng trẻ em SOS Việt Nam đã và đang nuôi dưỡng hơn 6.500 trẻ. Gần một nửa trong số này đã trưởng thành và sống tự lập. La Chí Hùng là một trong số trẻ em may mắn đó.

Để nuôi dưỡng và chấp cánh cho một số lượng lớn trẻ là một điều không hề dễ dàng đối với làng SOS nói riêng và tất cả các cơ sở thiện nguyện nói chung. Đối với trẻ em khiếm thị, trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu là nơi gửi gắm bao ước mơ.
Gần 80% học sinh của Trường có cha mẹ vất vả mưu sinh. Vì thế, dù được miễn phí tất cả, chỉ đóng tiền cơm bán trú mỗi tháng từ 600.000-700.000 đồng, nhiều bậc phụ huynh cũng không lo nổi. Nhà trường chỉ có cách tìm người đỡ đầu cho các em.

“Nhưng sự giúp đỡ này rất hạn chế vì từ khi Trường được xây lại khang trang vào cuối năm 2020 thì nhiều mạnh thường quân cũng rút lui vì tưởng trường đã “ngon lành”, cô Nguyễn Thị Thanh Huệ, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Đình Chiểu, cho biết.
Trường Nguyễn Đình Chiểu là mô hình trường chuyên biệt thuộc hệ thống giáo dục công lập. Ban giám hiệu nhà trường chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, còn kinh phí và các hoạt động khác do Ủy ban Nhân dân TP.HCM duyệt nên kinh phí cho hoạt động vẫn còn là bài toán khó giải.

 

... Đến sự tham gia của tư nhân

Có cùng cảnh ngộ với La Chí Hùng ở Làng SOS, Lại Phước Trung, chàng trai vừa lên lớp 12, đã không thể nào nói câu “Con chào mẹ con mới đi học về” nữa rồi. Đại dịch COVID-19 đã khiến hàng ngàn trẻ em mồ côi cha mẹ.

Trường Hy Vọng ở Đà Nẵng do người đứng đầu Tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình khởi xướng với mục đích duy nhất là “giúp đỡ cho các em trưởng thành, trở thành người hữu ích”. Lý do thôi thúc ông Bình thành lập Trường Hy Vọng vì lúc nhỏ mới 8 tuổi, ông đã rời xa gia đình về nông thôn tránh bom đạn. Ông từng sống những ngày tháng đói rét, nhớ mẹ cha nhưng với ông, đó lại là những năm tháng giúp ông trưởng thành nhanh chóng, rèn tính tự lập, làm nền móng cho sự trưởng thành sau này.

Năm 2022, Trường Hy Vọng khai giảng niên học đầu tiên, đón 200 em đến từ 41 tỉnh, thành ở khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam. Theo thông tin từ FPT, học sinh đến Trường Hy Vọng sẽ được tài trợ 100% chi phí học tập, ăn ở và sinh hoạt tại trường. Các em còn được tài trợ kinh phí về thăm nhà ít nhất 2 lần/năm.

Ảnh: Làng trẻ em SOS Việt Nam.
Ảnh: Làng trẻ em SOS Việt Nam.

May mắn hơn Trường Nguyễn Đình Chiểu, Trường Hy Vọng nhận được cam kết tài trợ từ Tập đoàn FPT và Quỹ Hy Vọng - Hope Foundation. Ngoài ra, Trường Hy Vọng cũng đón nhận sự chung tay giúp sức của nhiều doanh nghiệp, tổ chức như Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Quỹ Phúc Tâm, Tập đoàn Thiên Long, Tập đoàn Tân Long, Trường Đại học Phan Châu Trinh, Quỹ Vì Tầm vóc Việt.

Đi giữa khó khăn

Các mô hình giáo dục xã hội dành cho trẻ yếu thế như Trường Hy Vọng, Làng trẻ em SOS, Trường cho trẻ khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu, các trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ (Steps, Thảo Điền, Tương Lai, Ban Mai...) đã xuất hiện ở 20 tỉnh, thành, góp phần gia tăng cơ hội học tập bình đẳng cho các em. Theo số liệu điều tra quốc gia, trong 2 thập niên qua, chỉ riêng số trẻ em khuyết tật đi học đã tăng gấp 10 lần, với 88,7% trẻ hoàn tất bậc tiểu học, 33,6% trẻ học xong trung học phổ thông.

 

Nhưng rõ ràng, so với nhu cầu được học hành của hàng triệu trẻ em yếu thế, các mô hình giáo dục xã hội ở Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần. Đây có lẽ là lý do ngoài mô hình “Gia đình thay thế”, Làng trẻ em SOS Việt Nam còn thực hiện khoảng 70 chương trình/dự án để giúp đỡ cho hơn 260.000 trẻ như học bổng SOS, học bổng Hermann Gmeiner, chương trình “Tăng cường gia đình” nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ bị bỏ rơi tại cộng đồng...

Thực tế, để mở rộng mô hình giáo dục xã hội, cần nhiều nguồn lực từ tài chính, chương trình giảng dạy đến nhân lực. Cô Nguyễn Thị Thanh Huệ cho biết, năm học này Trường Nguyễn Đình Chiểu cần tuyển 8 người nhưng chỉ mới tìm được 2 người. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của thầy cô Trường Nguyễn Đình Chiểu vẫn là học trò nghỉ học. “Không có chỗ nội trú, nhà lưu trú, phụ huynh nơi xa không thể đưa đón con mỗi ngày được. Họ cũng không đủ tiền để thuê trọ gần trường”, cô Thanh Huệ ngậm ngùi.

Với Làng SOS Việt Nam, lo ngại đến từ pháp lý của các trường thuộc hệ thống làng SOS chưa được xác định rõ và chưa đạt thống nhất giữa các địa phương. Việc tuyển dụng các bà mẹ, bà dì cho Làng SOS cũng gặp nhiều khó khăn.

Phương Tây từ lâu đã nhìn thấy các khó khăn này và chuyển hướng sang mô hình giáo dục hòa nhập. Theo Đạo luật Giáo dục Cá nhân Khuyết tật liên bang (IDEA) của Mỹ, mỗi trẻ chậm phát triển, bị rối loạn cảm xúc hoặc bị tàn tật sẽ được dạy theo một chương trình riêng cho từng cá nhân.

Đó có thể bao gồm việc giảng dạy tại lớp và dạy kèm ở nhà tùy nhu cầu mỗi em. Tất cả những dịch vụ này, cùng với các dịch vụ khác như y tế, nội trú, xe đưa đón... đều miễn phí. Các trường công lập có nghĩa vụ cung cấp sự trợ giúp đặc biệt này. Tùy thuộc kinh phí của từng địa phương mà mỗi trường đều có lớp chuyên biệt hay vài trường chung một lớp/chương trình.

Các chương trình chuyên biệt ở Mỹ đã giúp trẻ hòa nhập nhanh hơn và mở ra cơ hội phát triển toàn diện cho trẻ. Nhưng mô hình này cũng đang thiếu giáo viên trầm trọng. Theo Heather Carll, người từng là giáo viên cho trẻ khiếm khuyết tại Hawaii, công việc giáo dục đặc biệt rất cực nhọc, không chỉ đòi hỏi khéo léo, kiên nhẫn, chuyên môn sâu mà còn phải đối diện với nhiều rắc rối về pháp lý nếu cư xử không đúng mực với trẻ khiếm khuyết, trong khi thu nhập cho giáo viên đặc biệt lại thấp.

Để giải quyết tình trạng này, Hawaii dự kiến chi 20 triệu USD để trả lương cho giáo viên đặc biệt, tức mỗi giáo viên dạy trẻ khiếm khuyết sẽ có thêm 10.000 USD/năm. Thành phố Detroit của Michigan (Mỹ) cũng bắt đầu trả thêm 15.000 USD cho các thầy cô dạy trẻ khiếm khuyết từ năm học này. Thành phố Atlanta thuộc Georgia (Mỹ) cũng dành tặng 3.000 USD cho giáo viên.

Ảnh: Làng trẻ em SOS Việt Nam.
Ảnh: Làng trẻ em SOS Việt Nam.

Sự chung tay từ cộng đồng 

Các bang ở Mỹ đã dùng nguồn tiền từ ngân sách giáo dục của bang và có thêm sự chung tay từ cộng đồng. Chẳng hạn, tỉ phú Jeff T. Green, ông chủ công ty công nghệ The Trade Desk, đã cam kết góp hơn 90% trong khối tài sản khoảng 6 tỉ USD để giúp đỡ người khác. 

Dataphilanthropy là tổ chức quản lý hoạt động thiện nguyện của gia đình Green và đã triển khai các chương trình như học bổng tại Đại học Cal-State Channel Islands để giúp đỡ sinh viên không bỏ học, trao học bổng cho trẻ em và thiếu niên bị ung thư để có thể tiếp tục học tập sau khi điều trị khỏi bệnh. Cùng với Green, hơn 220 tỉ phú ở Mỹ như Warren Buffett, Bill Gates, Melinda, Elon Musk, MacKenzie Scott... cũng đã ký vào bản cam kết cho đi hầu hết tài sản trong sáng kiến The Giving Pledge.

Việt Nam cũng đang nỗ lực đi theo xu hướng này. Làng SOS Việt Nam hiện hoạt động nhờ vào nhiều nguồn lực: nguồn tài trợ không hoàn lại từ làng SOS quốc tế trung bình là 8,2 triệu USD cho giai đoạn 2016-2021; nguồn tiền hỗ trợ từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; nguồn tiền từ ngân sách các tỉnh, thành; dần tự chủ kinh phí ở các trường phổ thông Hermann Gmeiner (hơn 91%), trường mẫu giáo SOS (trên 71%), trường trung cấp nghề Hermann Gmeiner Việt Trì (35%). Đặc biệt, quỹ “Làng trẻ em SOS” sau 10 năm thành lập cũng đã huy động được tổng cộng 160 tỉ đồng. Trong đó, năm 2021 Làng SOS Việt Nam mời gọi được 67 tỉ đồng từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Tính ra, số lượng người tham gia đỡ đầu cho trẻ em làng SOS Việt Nam năm 2021 đã trên 16.000 người, tăng hơn 3.000 người so với năm trước đó. Riêng nhóm đỡ đầu quốc tế cũng lên tới gần 12.000 người, đến từ 40 quốc gia. Ngoài giúp đỡ tài chính, các mạnh thường quân còn trực tiếp tặng quà cho các làng SOS, các trường Hermann Gmeiner.

Có thể thấy, ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức tham gia vào các hoạt động giúp nâng đỡ trẻ em yếu thế và các dự án này dần đi theo hướng đồng hành dài hạn.  Ảnh: TL.
Có thể thấy, ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức tham gia vào các hoạt động giúp nâng đỡ trẻ em yếu thế và các dự án này dần đi theo hướng đồng hành dài hạn. Ảnh: TL.

Nhưng để đạt hiệu quả gây quỹ này, Làng trẻ em SOS Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp cùng lúc, từ gây quỹ trực tiếp tại trung tâm thương mại, siêu thị, các tòa nhà văn phòng... đến gây quỹ online (trên mạng xã hội, các ứng dụng...) cũng như thực hiện các chiến dịch như “Lì xì yêu thương 5” để bán lịch, bán bao lì xì.

Rõ ràng, để tạo mái ấm yêu thương và đảm bảo “không em nào phải lớn lên một mình” như mục đích đề ra của Làng trẻ em SOS Việt Nam, gần 1.700 con người nơi đây đang nỗ lực hết mình cho tổ chức vận hành và cho hoạt động kết nối, phối hợp với các đối tác, cộng đồng.

Có thể thấy, ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức tham gia vào các hoạt động giúp nâng đỡ trẻ em yếu thế và các dự án này dần đi theo hướng đồng hành dài hạn. Nhưng để gia tăng hiệu quả và lan tỏa hơn, như Làng SOS Việt Nam mong muốn phía Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn qua việc hỗ trợ cấp quyền sử dụng đất, hỗ trợ kinh phí xây dựngcác hạng mục như nhà bán trú, nhà lưu xá thanh niên, nhà bà mẹ/bà dì nghỉ hưu... 

Đối với các mô hình giáo dục công lập, nếu Nhà nước cho quyền sử dụng các nguồn lực sẵn có mà không cắt giảm nguồn hỗ trợ, cô Nguyễn Thị Thanh Huệ cho biết: “Trường Nguyễn Đình Chiểu có thể cho thuê mặt bằng ở cơ sở Ngô Gia Tự để chủ động thêm kinh phí hoạt động”.