Tháng 1/2024, lần đầu tiên trong lịch sử, nhiệt độ tăng trung bình trong vòng 12 tháng liên tiếp đã vượt quá 1,50C. 2023 là năm nóng kỷ lục. Ảnh: T.L

 
Quảng Định Thứ Bảy | 21/09/2024 08:00

Mở khóa nền kinh tế carbon thấp

Với lộ trình hướng tới xây dựng nền kinh tế carbon thấp, quốc gia sẽ phải quyết các vấn đề về quản trị, công nghệ và tài chính.

Thế giới sẽ chứng kiến sự dịch chuyển của thịnh vượng đi đến những khu vực mà con người chưa từng nghĩ tới. Từ đó, nhu cầu về năng lượng trong tương lai chủ yếu tập trung ở các khu vực như Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi. Đến năm 2050, dự kiến có thêm 1,3 tỉ cư dân ở Ấn Độ và châu Phi trong khi dân số toàn cầu được dự báo tăng thêm khoảng 2,1 tỉ người trong vòng 25 năm tới. Lượng người trên cần nhà cửa, nhà máy sản xuất, văn phòng, không gian công cộng... để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, làm việc. Ước tính, quy hoạch không gian mới cần thêm 100 tỉ m2 để xây dựng các tiện ích, tương đương tổng diện tích xây dựng ở Trung Quốc và châu Âu cộng lại.

Những dữ liệu trên được ông Đồng Mai Lâm, Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia, đưa ra tại sự kiện về năng lượng của Việt Nam. Sự dịch chuyển về thịnh vượng mang lại cơ hội về kinh tế - xã hội, nhưng theo ông Lâm, nó cũng gây nên mối lo ngại về biến đổi khí hậu và trên thực tế những con số biết nói đã xuất hiện.

 

9 năm trước, tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc năm 2015 về Biến đổi khí hậu (COP21) ở Paris (Pháp), tất cả quốc gia tham dự đã thống nhất duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,50C/năm trong thời kỳ công nghiệp. Tuy nhiên, vào tháng 1/2024, lần đầu tiên trong lịch sử, nhiệt độ tăng trung bình trong vòng 12 tháng liên tiếp đã vượt quá 1,50C. 2023 là năm nóng kỷ lục.

“Những sự kiện như bão, mưa lớn, lũ lụt hay hạn hán xảy ra ngày một nhiều hơn. Còn tại Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2024, nhiệt độ toàn quốc tăng cao hơn so với trung bình cùng kỳ các năm từ 0,5-1,50C. Đây là hậu quả đến từ tình trạng phát thải carbon. Và 80% lượng phát thải này đến từ quá trình sử dụng năng lượng”, đại diện Schneider Electric Việt Nam và Campuchia cho hay.

“Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới sớm nhận thức về biến đổi khí hậu. Ngay trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đã có những quy định cụ thể về lộ trình, biện pháp hướng tới xây dựng nền kinh tế carbon thấp”, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, khẳng định. 

Chính phủ đang xem xét để sửa đổi Nghị định 08 về “Quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường năm 2020”, trong đó, có các chính sách liên quan tới phát thải carbon thấp. Còn trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang đưa ra lộ trình sửa khoảng 11 luật liên quan tới lĩnh vực năng lượng, hướng tới chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; xem xét sửa đổi toàn diện Luật Điện lực và dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến cũng như thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 tới đây.

Vai trò của phát triển kinh tế carbon thấp ngày càng trở nên quan trọng đối với các nước như Việt Nam khi các tiêu chuẩn “xanh” đang được định hình và đẩy nhanh đi vào thực thi theo hướng gắn thương mại và đầu tư quốc tế với các tiêu chí về giảm phát thải carbon, phát triển bền vững, lao động và môi trường. Mặc dù nền kinh tế và doanh nghiệp phải bỏ rất nhiều chi phí để chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi theo hướng phát triển xanh nhưng đối với các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung thì không thể chậm hơn, nếu không sẽ tụt hậu với thế giới.

Bên cạnh sự chủ động của các cơ quan liên quan, thành viên Quốc hội cũng chỉ ra nhiều thách thức lớn của quốc gia khi xây dựng nền kinh tế carbon thấp về trình độ quản lý, công nghệ và tài chính. Ông Thi nêu dẫn chứng cụ thể về việc Chính phủ đã ban hành Quy hoạch điện VIII, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đến mốc năm 2030 theo quy hoạch, cần mức đầu tư khoảng 120 tỉ USD. Như vậy, số tiền đầu tư từ 12-14 tỉ USD/năm.

 

Ông Phạm Phú Trường, Phó Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC), cho rằng với nguồn tài chính lên tới 120 tỉ USD, cơ quan quản lý cần có các chính sách khuyến khích để doanh nghiệp cùng đầu tư cho quá trình chuyển đổi, cùng phát triển. Đây là cách nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện và có hiệu quả.

Song song đó, ông Trường lưu tâm việc số hóa dữ liệu, cần một hệ thống kết nối dữ liệu lớn để doanh nghiệp đưa ra các quyết định tối ưu, quản trị được lượng phát thải của từng doanh nghiệp. Đây là điều kiện tiên quyết để hướng tới nền kinh tế carbon thấp. “Nếu chúng ta không đo lường được thì không quản lý được”, ông Trường cho biết.

Theo ông Đồng Mai Lâm, yếu tố công nghệ hiện tại có thể giúp loại bỏ 70% phát thải carbon trong chuỗi mắt xích về năng lượng. Thời gian qua, các cuộc thảo luận chủ yếu tập trung về phần cung, nơi mà mọi hoạt động xây mới phải đảm bảo tính bền vững cao nhất với nguồn năng lượng tái tạo nhiều nhất. Nhưng 55% vấn đề nằm ở quy trình sử dụng năng lượng và công nghệ là chìa khóa. Ước tính, việc triển khai các công nghệ trên quy mô lớn có thể giúp toàn cầu tiết kiệm khoảng 2.000 tỉ USD vào năm 2030. Do đó, cần quan tâm đến việc đẩy nhanh triển khai các công nghệ mới với nguồn lực ít nhất.

“Giải pháp của chúng tôi là tận dụng trí tuệ nhân tạo và số hóa mọi thông tin. Dữ liệu được cung cấp theo thời gian thực sẽ xây dựng bản sao số trong hệ thống điện, bản sao số trong quy trình sản xuất hay quy trình phát thải carbon. Nhờ tận dụng các mỏ vàng dữ liệu, cùng sự kết hợp giữa số hóa và điện hóa sẽ giúp khử carbon, hướng tới phát triển bền vững”, ông Lâm nêu giải pháp.