Để có nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy tái chế, Duy Tân đã gầy dựng được mạng lưới hơn 80 đại lý đạt chuẩn. Ảnh: Quý Hòa

 
Thanh Hương Thứ Năm | 20/04/2023 14:00

Mệnh lệnh sản xuất xanh

Sản xuất xanh là con đường duy nhất giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và tự cứu mình trong giai đoạn kinh tế khó khăn.

Những mẩu nhựa vụn, inox vụn tưởng chừng bị bỏ đi nhưng đều được sử dụng để sản xuất ra những sản phẩm, vật dụng phù hợp trong gia đình. Cách làm này giúp Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Qui Phúc không phải xả thải ra môi trường và tăng giá trị kinh tế.

Vốn có hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa và inox, trước làn sóng xanh của thế giới, công ty chuyên sản xuất mặt hàng nội thất này đã nhanh chóng hòa nhập vào dòng thị trường. Suốt thời gian qua, gần như không phụ phẩm nào trong quá trình sản xuất của Qui Phúc bị bỏ đi.

Từ định kiến đến quả ngọt

Không chỉ có Qui Phúc, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực vốn bị gắn mác làm ô nhiễm môi trường cũng đang tham gia vào sản xuất xanh một cách bài bản.

“Rất nhiều người nói rằng, tình trạng rác thải nhựa như hiện nay là lỗi của các công ty nhựa. Nói vậy không đúng cho Duy Tân, vì chúng tôi sản xuất những đồ dùng gia đình mà mọi người xài cả chục năm chưa hỏng. Nhưng định kiến đó thôi thúc chúng tôi hành động”, ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển Bền vững của Công ty Nhựa tái chế Duy Tân, chia sẻ khi nói về động lực để Công ty đầu tư nhà máy nhựa tái chế có số vốn lên đến 60 triệu USD ở Long An.

Suốt 3 năm trời, các thành viên trong ban dự án làm việc miệt mài, họp bàn liên tục để tìm giải pháp cho dự án. Vì thực tế, nhà máy nhựa tái chế khác rất nhiều so với những gì Duy Tân từng làm trước đây, ông Lê Anh chia sẻ.

“Nếu như sản xuất nhựa từ hạt nhựa nguyên sinh nhập khẩu thì mỗi máy hoạt động độc lập và ra thành phẩm là bán được thì làm nhựa tái chế khó hơn rất nhiều. Các máy phải liên kết với nhau thành hệ thống đồng nhất. Mọi thứ phải được tính toán kỹ lưỡng, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết”.

 

Tính đến thời điểm này, đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ tái chế Bottles to Bottles (chai ra chai), tức dùng chai nhựa cũ tái chế thành hạt nhựa để làm nguyên liệu sản xuất chai nhựa mới.

Để có nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy tái chế, Duy Tân đã gầy dựng được mạng lưới hơn 80 đại lý đạt chuẩn, thực hiện thu mua, phân loại và đóng kiện các chai nhựa đã qua sử dụng. Giá mỗi ký nhựa nguyên liệu đã được xử lý, tương đương khoảng 200 vỏ chai, đang được Duy Tân mua cho các đại lý với giá cao hơn giá bán bình thường. Mỗi ngày, Duy Tân thu mua 60 tấn vỏ chai đã qua sử dụng. Tính ra 1 năm, số lượng này lên tới cả 20.000-22.000 tấn. Trong kế hoạch, nhà máy nhựa tái chế sẽ sản xuất khoảng 100.000 tấn hạt nhựa mỗi năm khi đã hoàn thành giai đoạn 2, 3.

Lúc đó sẽ có thêm rất nhiều vỏ chai nhựa và nhiều sản phẩm khác từ nhựa, như bàn ghế, tủ quần áo... được thu gom và tái chế để qua đó giảm thiểu lượng nhựa nguyên sinh để sản xuất sản phẩm mới. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ giảm được lượng dầu mỏ sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường, ông Lê Anh cho biết thêm.

Duy Tân kỳ vọng, nhà máy nhựa tái chế sẽ là động lực tiếp theo của Công ty, đóng góp 20-25% trong tổng doanh thu. Khách hàng lâu năm của Duy Tân như Nestlé, La Vie đã tìm hiểu và cân nhắc mua sản phẩm này. Trong khi đó, khách hàng truyền thống khác là Unilever Việt Nam thì đã ký hợp đồng nguyên tắc dù quý IV tới đây, nhà máy nhựa tái chế mới có sản phẩm thương mại. Tháng 7/2022, Công ty Nước giải khát Suntory PepsiCo cũng đã ký kết bản hợp tác chiến lược với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nhựa tái chế Duy Tân về việc cung cấp nhựa tái sinh hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Duy Tân tính toán, sản lượng 20.000 tấn/năm cho giai đoạn đầu sẽ chẳng thấm tháp vào đâu so với nhu cầu của thị trường. Bởi lẽ chỉ một khách hàng thôi thì khối lượng vỏ chai nhựa sử dụng đã lớn hơn nhiều lần số đó. Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam tham gia Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) đã đặt ra tham vọng đến năm 2030 tất cả các bao bì đưa ra tiêu thụ trên thị trường sẽ được thu gom và tái chế.

Công ty Nhựa tái chế Duy Tân đã xuất khẩu thành công 4.000 tấn hạt nhựa tái chế sang Mỹ, đây là thị trường khó tính bậc nhất trên thế giới. Đặc biệt, nguyên liệu làm nên 4.000 tấn hạt nhựa tái chế này đều được Công ty thu gom rác thải nhựa từ Việt Nam. Ngoài thị trường Mỹ, sản phẩm của Nhựa tái chế Duy Tân đã được xuất khẩu sang 12 nước trên thế giới. Tính riêng năm 2022, Duy Tân đã thu gom và tái sinh hơn 1,3 tỉ chai nhựa.

“Là một doanh nghiệp lâu năm trong ngành nhựa, hiện nay Duy Tân đang nỗ lực làm một vòng đời mới cho ngành nhựa, góp phần giúp Việt Nam trở nên xanh, sạch, đẹp hơn”, ông Lê Anh của Nhựa tái chế Duy Tân cho biết.

Động lực từ xu thế xanh

Những gì mà Duy Tân đang làm nhằm đáp ứng xu hướng xanh của người tiêu dùng vì họ ngày càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, nhất là tầng lớp trung lưu và Gen Z, những người quyết định xu hướng tiêu dùng cho tương lai. Kết quả của nhiều cuộc khảo sát gần đây cho thấy người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn để mua sản phẩm xanh và sẵn sàng tham gia vào việc tẩy chay những sản phẩm nào gây tổn hại đến môi trường.

 

“Xanh cũng đang trở thành động lực cho các doanh nghiệp. Muốn tồn tại được, muốn cạnh tranh được trên thị trường thì chắc chắn phải xanh hóa”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ. “Khoảng 10 năm trở lại đây, đã có doanh nghiệp bắt đầu làm kinh tế xanh. Nhìn những bước phát triển của Vinamilk, chúng ta thấy chuỗi các trang trại xanh của chị Mai Kiều Liên đã được phát triển hết nơi này đến nơi kia để tạo thành dòng sản phẩm xanh và trở thành một trong những doanh nghiệp có tên tuổi của ngành sữa trên thế giới. Hay ở Vinamit, anh Nguyễn Lâm Viên cũng đã đầu tư để biến các sản phẩm nông sản của Việt Nam thành những sản phẩm xuất khẩu có thương hiệu hay phục vụ người tiêu dùng trong nước theo hướng xanh, sạch, hữu cơ. Gần đây, chúng ta vui mừng thấy các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp đã cho ra thị trường các sản phẩm xanh hơn. Hình thành một lớp doanh nông trẻ khởi nghiệp trong nông nghiệp và đi theo hướng xanh”, bà Phạm Chi Lan nói thêm.

Chiến lược xanh hóa nền kinh tế được thiết lập thông qua việc Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Nói về kinh tế xanh, tiêu dùng xanh, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng: “Khách hàng quốc tế không chỉ đòi hỏi sản phẩm giá rẻ, chất lượng tốt mà còn phải thân thiện với môi trường. Trong nước, người tiêu dùng cũng ngày càng khắt khe hơn, lựa chọn sản phẩm xanh và chất lượng hơn. Yêu cầu này buộc doanh nghiệp, nhà sản xuất, đơn vị cung cấp dịch vụ phải nắm bắt và đáp ứng kịp thời”.

“Các lĩnh vực, trong đó có sản xuất hàng xuất khẩu, chúng ta phải hướng đến đáp ứng yêu cầu khách hàng là sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế. Và trong tiêu dùng cũng thế, ý thức người tiêu dùng cũng đã thay đổi. Tất cả đặt ra yêu cầu để doanh nghiệp phát triển bền vững trong tương lai. Đây là thời điểm chúng ta phải tăng tốc trong phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh”, ông Võ Tân Thành nhấn mạnh.

Chiến lược xanh hóa nền kinh tế được thiết lập thông qua việc Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Ảnh: Quý Hòa
Chiến lược xanh hóa nền kinh tế được thiết lập thông qua việc Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Ảnh: Quý Hòa

Ngay cả những doanh nghiệp tiêu dùng như Saigon Co.op cũng hưởng ứng tiêu dùng xanh từ tháng 4/2023. Theo đó, Saigon Co.op phối hợp với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao triển khai chương trình trọng điểm là “Bàn Ăn Xanh”, nhằm nâng cao nhận thức và thực hành tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tiêu dùng, có phân phối qua hệ thống của Saigon Co.op.

Tiêu chí xanh đang trở thành áp lực đối với doanh nghiệp và bắt buộc doanh nghiệp muốn đi đường dài thì phải xanh. Thực tế chứng minh rất rõ là những doanh nghiệp nào tăng trưởng xanh thì có khả năng cạnh tranh ngày càng tốt hơn trên thương trường.