Chỉ với những can thiệp đơn giản, ít tốn kém, không gian sống tại chung cư 35 Nguyễn Văn Tráng đã thay đổi hoàn toàn. Ảnh: TL

 
Trung Nam Thứ Tư | 02/04/2025 10:39

Ma trận chất liệu

Con người đang sử dụng vật liệu một cách phù phiếm và vô tình gây phát thải.

Chung cư số 35 Nguyễn Văn Tráng là 1 trong gần 500 công trình chung cư cũ tại TP.HCM cần cải tạo. Những tòa nhà này được xây cách đây 40-60 năm. Tuy nhiên, để xây dựng lại toàn bộ số chung cư trên, quỹ nhà tạm cư cần cho người dân là rất lớn. Thành phố không thể giải quyết các công trình cũ trong thời gian ngắn, nên người dân cần tiếp tục sống trong những tòa nhà như vậy nhiều năm nữa.

Năm 2017, khi kiến trúc sư Nguyễn Thị Hạnh Nguyên cùng các cộng sự tới thực địa, bà nhìn ra chất liệu bê tông của chung cư 35 Nguyễn Văn Tráng. Những bức tường xây thô và đá rửa không tô trát do lâu ngày không được vệ sinh nên có vẻ ngoài nhếch nhác. Do vậy, mọi người không nhận ra vẻ đẹp của công trình cũ này. 

Vị kiến trúc sư quyết định thuê người làm sạch sàn gạch bông xưa và không gian xung quanh; tường cũng được làm sạch, để nguyên nhám rồi quét sơn. Đội ngũ thi công chỉ thêm phần kính tại một số căn hộ, tạo sự tương phản giữa kính với bê tông thô. Còn lại, công trình cũng không bổ sung nhiều chất liệu mới. 

Chỉ với những can thiệp đơn giản, ít tốn kém, không gian sống tại chung cư 35 Nguyễn Văn Tráng đã thay đổi hoàn toàn. Khi toàn bộ chất liệu thô xưa được làm sạch, con người thấy rõ hơn vẻ đẹp của chất liệu. Kết quả là sau khi cải tạo, các căn hộ trong chung cư luôn kín khách thuê. Đặc biệt, những vị khách ngoại quốc rất thích hình ảnh mới của tòa nhà cũ này. 

Mộc Miên Rocky Garden (Phú Yên) do kiến trúc sư Nguyễn Thị Hạnh Nguyên thiết kế.
Mộc Miên Rocky Garden (Phú Yên) do kiến trúc sư Nguyễn Thị Hạnh Nguyên thiết kế.

Bản thân các công trình như 35 Nguyễn Văn Tráng đã mang sẵn vẻ đẹp của nó. Theo bà Hạnh Nguyên, từ xa xưa, con người không hề có khái niệm về kiến trúc bền vững nhưng vẫn xây được những không gian sống để khi bước vào, ai cũng cảm thấy dễ chịu. Hãy tưởng tượng, chúng ta đang ở trong một công trình xưa với hàng loạt chất liệu thô như mái ngói, tường rêu, đá ong, sân lát đá, cây sứ ... Tất cả bộ chất liệu đó đã tự tệp vào nhau mà không cần con người làm bóng hay đánh nhẵn. Sự hài hòa giữa các chất liệu khiến chúng bổ sung lẫn nhau giúp tự thân công trình nổi bật giữa một nền trời trong.

Từ xưa, cha ông đã chọn vật liệu tự nhiên như vậy để sử dụng từ móng đến mái công trình. Những vật liệu đó phù hợp với bản địa và chính sự tương thích này cũng không tạo phát thải. “Thế hệ đi trước am hiểu bản địa, họ không cần mang những vật liệu ngoại lai có xuất xứ ôn đới hay hàn đới tới đất nước nhiệt đới Việt Nam. Đó là cách tiền nhân sử dụng vật liệu”, bà Hạnh Nguyên lý giải và cho rằng ngày nay, con người “bơi” trong biển vật liệu nhưng lại chưa hiểu rõ chất liệu. Chính vì chưa hiểu chất liệu khác với vật liệu, chúng ta đã sử dụng vật liệu một cách phù phiếm và vô tình gây phát thải.

Để phân biệt, chất liệu là chất cảm của bề mặt vật liệu. Khi sử dụng chất liệu, kiến trúc sư sẽ phải tính toán khác vật liệu. Vật liệu là tính vật lý, độ đàn hồi, sức chịu lực, còn chất liệu là chất cảm của bề mặt vật liệu. Cảm xúc của bề mặt ấy tác động đến thị giác, tính chất nhìn nhiều hơn. Do vậy, con người cần tìm chất liệu khi làm về thẩm mỹ công trình. 

Các vật liệu khác nhau cũng có thể cùng tạo ra chất cảm, hay nói đúng hơn là hiệu ứng bề mặt mà chúng ta đang cần. Không nhất thiết phải chọn những vật liệu có chi phí cao và gây tác động đến môi trường, điều quan trọng là tìm ra vật liệu thay thế có thể tạo nên cùng một chất liệu cảm xúc. Ví dụ, đối với chất mềm cho công trình, kiến trúc sư hoàn toàn có thể dùng cỏ nhung thay vì các chất mềm của vật liệu nhân tạo mang tính hủy hoại môi trường.

Sau thời gian nghiên cứu, kiến trúc sư Nguyễn Thị Hạnh Nguyên đã khái quát và đưa các vật liệu thành một hệ thống ma trận chất liệu. Trong đó, đá là vật liệu nặng nhất, kính và nước là vật liệu nhẹ nhất trong ma trận. Cân bằng ở giữa là gỗ. Theo tương quan, có những chất liệu đồng điệu nhưng cũng có chất liệu tương phản khi kết hợp với nhau. Như gỗ kết hợp với nước hoặc gỗ kết hợp với đá sẽ mang sự tương phản trung tính. 

Trong ma trận này, vật liệu được phân loại không chỉ theo tính nặng nhẹ vật lý mà còn theo cảm xúc của bề mặt, tức là cảm nhận thị giác. Khi nhìn vào một vật liệu, con người cảm nhận ngay được độ thô ráp của nó, chứ không chỉ dựa trên trọng lượng vật liệu. Đơn cử, đất trông có vẻ thô hơn kim loại, nhưng điều này không có nghĩa là đất nặng kim loại. Tóm lại, nếu xét về trọng lượng thật, kim loại nặng hơn đất, nhưng về mặt thị giác, đất mang cảm giác thô ráp rõ trên bề mặt vật liệu. 

Các vật liệu khác nhau cũng có thể cùng tạo ra chất cảm, hay nói đúng hơn là hiệu ứng bề mặt mà chúng ta đang cần.
Các vật liệu khác nhau cũng có thể cùng tạo ra chất cảm, hay nói đúng hơn là hiệu ứng bề mặt mà chúng ta đang cần.

Do vậy, trong một công trình kiến trúc, chủ đầu tư hoàn toàn có thể sử dụng bảng ma trận để chọn vật liệu phù hợp cho chất liệu mong muốn. Khi đã nắm được chất liệu và mối liên quan giữa chúng, con người sẽ chủ động được trong việc tìm chất liệu mới thay thế chất liệu cũ với chi phí rẻ hơn, trong khi không tạo phát thải. 

Mộc Miên Rocky Garden (Phú Yên) là một ví dụ. Khi thiết kế công trình này, bà Hạnh Nguyên quyết định lựa chọn đá cổ tự nhiên, xếp chồng lên nhau, tạo thành những mảng tường chạy dài. Dưới chân tường là kênh nước phẳng bao quanh. Nước tinh tuyệt đối và đá thô tuyệt đối được đặt ở cạnh nhau, tạo nên sự tương phản rất mạnh cho công trình. Có thể thấy, nếu biết tận dụng chính những vật liệu địa phương không phát thải, con người sẽ nâng tính thẩm mỹ, mang tới cảm xúc hiện đại cho công trình.