Hoạt động chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn có thể đóng góp thêm cho sản lượng kinh tế 4,5 ngàn tỷ USD vào năm 2030. Ảnh: Vũ Phong

 
Cẩm Tú Thứ Ba | 27/09/2022 16:58

Lợi ích cộng thêm từ kinh tế tuần hoàn ngày càng lớn

Năm 2030, lĩnh vực dịch vụ và quản lý rác thải có thể tạo thêm khoảng 45 – 50 triệu việc làm so với hiện nay.

Trong hội thảo mới đây, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) cho biết chi phí đầu tư cho năng lượng tái tạo đang ngày càng rẻ hơn: “Khoảng 15 năm trước, chi phí đầu tư cho mỗi mWh năng lượng tái tạo là khoảng 300 USD. Nhưng thời gian qua, mức chi phí này đã giảm tới 70%, xuống mức chỉ còn hơn 100 USD và kỳ vọng đến năm 2025 sẽ giảm xuống còn 75 USD. Điều này có được là nhờ sự phát triển của công nghệ khi các tuabin gió từ 2 MW đã được nâng lên 10 MW và có thể lên tới 20 MW vào năm 2025. Cùng với đó, kinh nghiệm trong việc phát triển dự án cũng đang được nâng lên.”

 

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, ĐH Quốc Gia TP.HCM nhận định: "Phát triển năng lượng tái tạo không chắc chắn là phát triển xanh, nhưng nếu được kết hợp với kinh tế tuần hoàn thì có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ thiên nhiên. Cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn sẽ hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo một cách mạnh mẽ, giúp các thiết bị trong phát triển năng lượng tái tạo đạt được chu kỳ phát thải mức thấp nhất, giảm thiểu chất thải,.

Theo ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, hoạt động chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn có thể đóng góp thêm cho sản lượng kinh tế 4,5 ngàn tỷ USD vào năm 2030 và 25 ngàn tỷ USD vào năm 2050 nhờ tận dụng hiệu quả tài nguyên hơn, thêm nhiều việc làm được tạo ra trong các ngành đòi hỏi kỹ năng cao hơn bên ngoài lĩnh vực khai thác tài nguyên và xả thải.

Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) dự đoán vào năm 2030, lĩnh vực dịch vụ và quản lý rác thải sẽ tạo thêm khoảng 45 – 50 triệu việc làm so với hiện nay. Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính tới năm 2025, tái chế, tái sử dụng và tái sản xuất có thể giúp khai phá một ngàn tỷ USD từ nguồn tài nguyên đã qua sử dụng và giảm 100 triệu tấn rác thải trên toàn cầu.

Bên cạnh những lợi ích trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, theo các chuyên gia tại hội thảo, việc thực hiện phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp có thêm ưu thế đối với các quỹ đầu tư quốc tế khi thực hiện huy động vốn.

 

Ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển doanh nghiệp, Quỹ đầu tư Dragon Capital cho biết, các doanh nghiệp mà Dragon Capital đang rót vốn đầu tư hiện nay đều có chứa yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và phát triển bền vững. Theo ông Vinh, ESG và phát triển bền vững là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để Dragon Capital quyết định rót tiền vào doanh nghiệp và cũng là tiêu chí được nhiều nhà đầu tư ngoại đặt lên hàng đầu.

Lý giải thêm về điều này, bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc HoSE cho biết theo quy định hiện nay, các nhà đầu tư tổ chức đều phải tuân thủ các cam kết, chuẩn mực về việc các khoản đầu tư phải đầu tư vào những công ty đảm bảo yêu cầu về ESG. Đây cũng là lý do khiến nhiều quỹ đầu tư đã rút vốn khỏi thị trường Trung Quốc khi các tiêu chí về môi trường và xã hội không được đảm bảo.

Ông Phạm Nguyễn Vinh cũng cho biết thêm, một lượng vốn quốc tế rất lớn đang chờ sẵn để rót vào những doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về ESG và phát triển bền vững. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng chiến lược, quan tâm đến yếu tố ESG trong quá trình phát triển để có được lợi thế trong việc thu hút nguồn lực đầu tư dài hạn trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm:

Doanh số lập đỉnh nhưng chặng đường giảm phát thải ròng của xe điện còn xa