Ảnh: TL.

 
Hân Nguyễn Thứ Năm | 15/08/2024 08:00

Kiến trúc sư Francois Magnier: “Toàn tâm xanh hóa cần cả chính sách và ngân sách”

Một kiến trúc sư người Pháp theo đuổi mục tiêu phát triển các dự án xanh tại Việt Nam.

Trong lần ghé thăm Cần Thơ gần đây, ông Francois Magnier vô tình thấy được chữ ký của nữ nhà văn Marguerite Duras, tác giả cuốn tiểu thuyết tự truyện L’amant (Người Tình), tại một tòa biệt thự phong cách Pháp. Nó làm ông nhớ lại đầu những năm 1990, thời điểm bộ phim chuyển thể cùng tên được quay tại Sài Gòn nổi đình đám với người Pháp. Ngay sau L’amant lại là một tác phẩm khác lấy bối cảnh Đông Dương thuộc địa lúc bấy giờ ra đời - Indochine (1992). Những câu chuyện về tình yêu, những thước phim chân thực lột tả vẻ đẹp độc đáo của Việt Nam đã thu hút các du khách Pháp như Magnier.

Tuy nhiên, với vai trò là một kiến trúc sư, ông lần đầu đến Việt Nam cùng nhiệm vụ theo dõi việc tái thiết Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội vào năm 1992. Chính tại đây, ông có thể nhìn thấy được tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước cũng như dư địa cho phát triển du lịch và lĩnh vực kiến trúc, xây dựng nói riêng.

 

“Sau đó, tôi thành lập một công ty thiết kế nhỏ mang tên Archetype hoạt động tại 2 miền đất nước, thời đó chủ yếu là cải tạo các biệt thự Pháp cho Đại sứ quán. Về cơ bản, tôi đã phụ trách rất nhiều dự án mở rộng, trùng tu trên khắp Việt Nam liên quan đến phong cách thuộc địa (colonial style), từ Victoria Sapa, khu nghỉ dưỡng Azerai La Residence Huế cho đến Rex Hotel hay Grand Hotel ở Sài Gòn,” ông chia sẻ cùng NCĐT.

Ở thời điểm hiện tại, Archetype Group có mặt tại 20 quốc gia, với hơn 250 nhân sự tại Việt Nam và là đơn vị phụ trách thiết kế của dự án e.town 6 - một trong hai dự án cao ốc văn phòng duy nhất được cấp chứng nhận LEED Platinum (chứng nhận cấp cao nhất cho các công trình xây dựng xanh được cấp bởi Hội đồng Công trình xanh Mỹ - USGBC) tại TP.HCM.

Lý do nào khiến ông thành lập Archetype tại châu Á và mang xu hướng xanh đến đây từ rất sớm?

Thời điểm chúng tôi thành lập tại Việt Nam, tính bền vững vẫn chưa phải là chủ đề nhận được đông đảo sự quan tâm trong các cuộc nói chuyện thường ngày, nhưng chúng tôi hoàn toàn nhận thức được điều đó. Từ đó, Công ty mới dần chuyển hướng cách tiếp cận, thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu rồi đổi mới, cho ra mắt “bộ sưu tập” các công trình đạt chứng chỉ LEED hay các chứng chỉ châu Âu khác.
Tuy con đường xanh không nhất thiết lúc nào cũng cần được chứng nhận, nhưng cuối cùng chúng tôi đã mang lại chứng nhận xanh cho một số dự án ở Việt Nam như e.town 6, nhà máy của Pandora, Schneider hay Khu Công nghiệp Horizon Park...

Các công trình xanh là một phần quan trọng trong cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về mục tiêu Net Zero. Quan điểm của ông về việc này?

Mọi việc đang diễn ra khả quan, xét theo phương diện là nhà đầu tư nước ngoài muốn dự án của họ được chứng nhận xanh. Mong muốn đó cũng được ghi nhận tại các doanh nghiệp địa phương, nhưng vẫn chưa mạnh mẽ.

Để ngành thiết kế, xây dựng nói chung có thể mang đến những giải pháp tối ưu nhất về mặt môi trường, năng lượng..., chắc chắn sẽ cần sự chung tay của tất cả mọi người, trong đó có người dân. Chẳng hạn, khi họ mua một căn hộ mới và tìm kiếm những công trình xanh hơn, điều đó sẽ tạo động lực cho nhà phát triển ra mắt các dự án phù hợp hơn với nhu cầu đó.

Nhưng xét cho cùng, để ngành có thể bứt phá, chắc chắn cần đến sự tác động của cơ quan thẩm quyền, đưa ra những luật, quy định, bắt buộc về mặt chứng nhận, từ đó mới có thể thay đổi được suy nghĩ chung của cộng đồng. Vì nhận thức thôi là chưa đủ nếu thiếu hành động.

 

Phải chăng ngân sách luôn là vướng mắc hàng đầu khi xanh hóa các công trình?

Đúng. Có 2 vấn đề chính khi nói đến xanh hóa công trình, đầu tiên là chính sách, thứ đến là ngân sách. Nếu không có quy định, sẽ ít có ai toàn tâm toàn ý thực hiện. Và một khi quy định đã được áp dụng, chắc chắn chi phí giúp tối ưu về mặt phát thải, năng lượng, công năng sẽ không rẻ hơn. Chẳng hạn, với dự án Horizon Park, chúng tôi thực hiện ở miền Bắc tốn thêm 6% chi phí xây dựng và nhận được LEED Gold. Chi phí xây dựng e.town 6 tốn kém hơn 12% so với thông thường và đã nhận được LEED Platinum. Nhưng con số đó là không nhiều nếu so với thực tế là dự án e.town 6 có khả năng giảm thiểu điện năng tiêu thụ đến 31%, giảm lượng nước sử dụng tới 51%, giảm tối đa lượng khí thải CO2 và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.

Theo đuổi các giá trị xanh có gắn liền với kiến trúc truyền thống hay không, thưa ông?

Tính bền vững sẽ không tạo sự đối lập trực tiếp với kiến trúc truyền thống của người Việt. Vì để xanh hóa một công trình, điều cần chú trọng nhất là vật liệu, công nghệ và phương pháp xây dựng. Chẳng hạn, vấn đề lúc này sẽ không phải là chọn máy điều hòa nào có công suất mạnh nhất mà là thiết kế sao để không khí đối lưu, giúp không gian thoáng đãng hơn. Sẽ không phải là lắp đặt một tấm pin mặt trời trên mái nhà nữa mà là tạo ra công trình đón ánh sáng tự nhiên ở mức tối đa, giúp tiết kiệm điện năng...
Có nhiều giải pháp khác nhau cho các loại công trình khác nhau. Song để xóa dấu chân carbon, tất cả nguyên vật liệu được dùng cho công trình xanh phải có nguồn gốc từ địa phương, giảm thiểu tối đa các khâu vận chuyển.

Ông nghĩ xu hướng tương lai của kiến trúc Việt Nam sẽ như thế nào?

Tương lai của kiến trúc Việt Nam đang phát triển để phản ánh nhu cầu và mong muốn thay đổi của xã hội, đặc biệt là tầng lớp thế hệ trẻ Millennials và Gen Z. Do được tiếp xúc sớm với các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, họ có xu hướng ưa chuộng thiết kế hiện đại pha trộn, giao thoa giữa ảnh hưởng của nước ngoài và văn hóa phương Đông. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức cho ngành kiến trúc là làm thế nào đạt được sự hài hòa đó để có thể cân bằng, lưu giữ các nét văn hóa truyền thống của Việt Nam. Ngoài ra, vì môi trường là một trong những mối quan tâm lớn nhất của thế hệ này nên sẽ có sự thay đổi hướng tới không gian xanh, tìm nguồn cung ứng vật liệu tại địa phương, chuyển đổi năng lượng, cơ sở hạ tầng xanh và các giải pháp thiết kế bền vững trong xây dựng và kiến trúc. 

Có thể bạn quan tâm 

Những tỉ phú có tài sản khủng ở Dubai