COVID-19 thật khủng khiếp. Biến đổi khí hậu có thể tồi tệ hơn. Ảnh: Financial Times.
Khủng hoảng khí hậu làm thu hẹp các nền kinh tế G7 gấp đôi so với COVID-19
Theo nghiên cứu từ Oxfam, nền kinh tế của các quốc gia giàu có sẽ thu hẹp gấp đôi so với thời kỳ khủng hoảng COVID-19 nếu họ không giải quyết được lượng phát thải khí nhà kính đang gia tăng.
Các nước G7 - những nền kinh tế công nghiệp phát triển lớn nhất thế giới - sẽ mất 8,5% GDP một năm. Điều đó có nghĩa là gần 5.000 tỉ USD sẽ bị xóa sổ khỏi nền kinh tế của họ trong vòng 30 năm nếu nhiệt độ tăng 2,6 độ C.
Trong đại dịch COVID-19, nền kinh tế của các quốc gia G7 suy giảm trung bình khoảng 4,2% mỗi năm. Tuy nhiên, thiệt hại kinh tế từ cuộc khủng hoảng khí hậu vào năm 2050 sẽ gần gấp đôi quy mô của cuộc khủng hoảng COVID-19 mỗi năm.
Các nhà hoạt động từ nhóm hành động vì khí hậu Ocean Rebellion đã đốt cháy một con thuyền ở Cornwall, Vương quốc Anh, trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh: Reuters. |
Theo đó, nền kinh tế của Vương quốc Anh sẽ mất 6,5% một năm vào năm 2050 thay vì 2,4% như hiện tại, nếu các mục tiêu của thỏa thuận khí hậu Paris không được đáp ứng.
Các quốc gia khác còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn, bao gồm Ấn Độ, nền kinh tế nước này sẽ suy giảm 1/4 do nhiệt độ tăng 2,6 độ C, trong khi Australia sẽ bị mất 12,5% sản lượng và Hàn Quốc sẽ mất gần 1/10 tiềm năng kinh tế.
Ngày 12.6, các nhà lãnh đạo của các nước G7 - Anh, Mỹ, Nhật Bản, Canada, Pháp, Đức, Ý - và EU sẽ gặp nhau tại Cornwall để thảo luận về nền kinh tế toàn cầu, vaccine COVID-19, thuế kinh doanh và cuộc khủng hoảng khí hậu.
Nếu đến năm 2030, chúng ta không cắt giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu, chúng ta sẽ không thể tránh được những điểm bùng phát tàn phá có thể phá vỡ nền kinh tế toàn cầu và gây ra những mối đe dọa hiện hữu cho con người.
Mô hình của công ty bảo hiểm Swiss Re đã tính đến các dự báo tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, bao gồm thời tiết khắc nghiệt như hạn hán và lũ lụt, cũng như ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp, sức khỏe và căng thẳng nhiệt.
Nhà kinh tế trưởng Jerome Haegeli của nhóm tại Swiss Re cho biết: “Biến đổi khí hậu là rủi ro số một trong dài hạn đối với nền kinh tế toàn cầu và G7 cần đạt nhiều tiến bộ hơn nữa. Điều đó có nghĩa là không chỉ nghĩa vụ cắt giảm CO2 mà còn giúp đỡ các nước đang phát triển, điều đó cực kỳ quan trọng”.
Ông Jerome Haegeli cho biết: vaccine COVID-19 cũng là một cách quan trọng để giúp các nước đang phát triển, khi nền kinh tế của họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Họ cần sự giúp đỡ để phục hồi theo giải pháp xanh, thay vì tăng cường nhiên liệu hóa thạch.
Hiện, các chính sách và cam kết của các chính phủ nhằm giảm phát thải khí nhà kính vẫn chưa đáp ứng được các mục tiêu của thỏa thuận Paris. Cùng với việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7, Vương quốc Anh sẽ tổ chức các cuộc đàm phán quan trọng về khí hậu của Liên hợp quốc mang tên Cop26 vào tháng 11 này tại Glasgow.
Có thể bạn quan tâm:
► Sự nóng lên toàn cầu làm thất thoát oxy trong các hồ nước ngọt trên Trái đất