Biến đối khí hậu gây ra đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Không chỉ chống dịch, Đông Nam Á còn "oằn mình" trước thiên tai
Ngày càng nhiều những trận bão lũ lớn
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Xã hội thuộc Liên Hiệp Quốc về châu Á - Thái Bình Dương, thiệt hại kinh tế hằng năm ở Đông Nam Á do ảnh hưởng thiên tai ước tính 86,5 tỉ USD. Thực tế, vài năm trở lại đây, thiên tai lũ lụt đã càn quét nhiều nước ở Đông Nam Á như Malaysia, Philippines hứng chịu nhiều ảnh hưởng. Dịch bệnh bắt đầu diễn biến phức tạp thì thiên tai cũng nguy hiểm không kém.
Theo các quan chức địa phương Philippines, tính đến ngày 20/12, ước tính ít nhất 375 người thiệt mạng và 56 người mất tích sau khi bão Rai đổ bộ hôm 16/12.
Ông Mark Timbal, phát ngôn viên của Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu rủi ro thiên tai quốc gia Philippines, cho biết hơn 440.000 người phải sơ tán và khoảng 1 triệu người bị ảnh hưởng. Ở miền Nam Philippines, hơn 200 thành phố và thị trấn mất điện trong khi nhiều khu vực bị gián đoạn liên lạc. Theo Bloomberg, hơn 54.000 ngôi nhà bị hư hại. Trên đảo Siargao, nơi bão Rai đổ bộ đầu tiên, thiệt hại có thể lên tới 400 triệu USD.
Theo các quan chức địa phương Philippines, tính đến ngày 20/12, ước tính ít nhất 375 người thiệt mạng và 56 người mất tích sau khi bão Rai đổ bộ hôm 16/12. Ảnh: TL. |
Trong khi đó, trên khắp bán đảo Malaysia, trận mưa xối xả vào cuối tuần qua đã khiến hơn 61.000 người di tản, đường xá bị tê liệt và giao thông gián đoạn. Hãng tin Bernama dẫn lời Tổng thư ký Bộ Môi trường và Nước Zaini Ujang cho biết trận mưa như trút nước từ ngày 17/12 đến ngày 18/12 tương đương với lượng mưa trung bình của cả một tháng.
Chính phủ Malaysia gọi trận lũ này là "trăm năm có một". Năm 2020, Việt Nam đã trải qua một năm thiên tai khốc liệt và dị thường với bão lũ dồn dập, hạn mặn nghiêm trọng và những vụ sạt lở quy mô lớn. Sang năm 2021, tình hình thiên tai không khắc nghiệt bằng năm trước nhưng lại bất thường và khó dự báo hơn.
Bão lũ xảy ra ở Philippines, Malaysia và các quốc gia cho thấy, biến đối khí hậu gây ra đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Khi thiên tai xảy ra thường xuyên hơn, các chuyên gia cảnh báo về những nguy cơ lớn trong tương lai và kêu gọi các nhà chức trách hành động nhiều hơn nữa để lập kế hoạch phòng chống thiên tai và phát triển bền vững.
Chống dịch, chống thiên tai bão lũ
Tổ chức Hòa bình xanh Philippines cảnh báo rằng khi cuộc khủng hoảng khí hậu trở nên tồi tệ hơn, những cơn bão này sẽ khủng khiếp hơn, khó dự đoán hơn và có sức tàn phá mạnh hơn. Hội Chữ thập đỏ Philippines gọi Rai là "cơn bão quái vật" và bày tỏ lo ngại rằng biến đổi khí hậu đang khiến các cơn bão trở nên "hung dữ hơn".
Trong khi đó, nhà bảo vệ môi trường Renard Siew nói rằng lũ lụt hoành hành tại các bang ở Malaysia là ví dụ rõ ràng về hiện tượng thời tiết không thể dự doán trước do phát thải carbon cao.
Nồng độ CO2 và các khí nhà kính khác trong bầu khí quyển tăng cao sẽ gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và có khả năng kích hoạt sự thay đổi chưa từng thấy về hệ thống khí hậu. Ảnh: TL. |
Nồng độ CO2 và các khí nhà kính khác trong bầu khí quyển tăng cao sẽ gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và có khả năng kích hoạt sự thay đổi chưa từng thấy về hệ thống khí hậu, ví dụ như những trận mưa đột ngột cục bộ tại Malaysia trong vài ngày qua. Tiến sĩ khí tượng học Azizan Abu Samah của Đại học Malaya khẳng định: "Thảm hoạ sẽ xảy ra nếu chúng ta không lập kế hoạch trước".
Thực tế, hậu quả mà con người phải hứng chịu cũng đang ngày một rõ rệt hơn. Riêng trong năm nay, hơn 500 nghìn người đã phải di dời do thiên tai trên khắp khu vực Đông Nam Á. Còn trong năm 2019 và 2020, các quốc gia trong khu vực đã hứng chịu khoảng 530 thảm họa thiên tai, từ động đất đến lốc xoáy và lũ lụt.