Nếu rác thải thực phẩm là một quốc gia, thì quốc gia đó sẽ có lượng phát thải cao thứ 3 sau Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: The Guardian.
Hơn 1 tỉ tấn thực phẩm đang bị lãng phí mỗi năm
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, con người lãng phí gần 1 tỉ tấn thực phẩm mỗi năm. Đây là đánh giá toàn diện nhất cho đến nay và lượng chất thải được tìm thấy cao gấp đôi so với ước tính tốt nhất trước đó.
Chỉ riêng thực phẩm bị vứt bỏ trong các gia đình đã là 74kg mỗi người mỗi năm trên khắp thế giới.
Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc, trong khi người Mỹ tiêu tốn 1.50.000 tấn thực phẩm mỗi ngày, thì gần 795 triệu người phải đi ngủ với cơn đói. Ảnh: India Times. |
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng bao gồm dữ liệu về rác thải thực phẩm trong các nhà hàng và cửa hàng, với 17% tổng số thực phẩm bị vứt bỏ. Một số thực phẩm bị hư hỏng trong các trang trại và cả trong chuỗi cung ứng, có nghĩa là 1/3 tổng số thực phẩm không bao giờ được sử dụng đến.
Chất thải không chỉ hủy hoại nỗ lực giúp hàng tỉ người đang đói hoặc không có đủ khả năng cho một chế độ ăn uống lành mạnh, mà còn gây hại cho môi trường. Lãng phí và thất thoát lương thực gây ra khoảng 10% lượng khí thải, làm tăng tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Và thâm canh là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học và ô nhiễm toàn cầu.
Nếu rác thải thực phẩm là một quốc gia, quốc gia đó sẽ có lượng phát thải cao thứ 3 chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết, cắt giảm chất thải thực phẩm là một trong những cách dễ nhất để mọi người giảm tác động đến môi trường. “Tuy nhiên, tiềm năng này đã bị khai thác một cách đáng tiếc”, báo cáo cho biết.
Rác thải thực phẩm từng được coi là một vấn đề chủ yếu ảnh hưởng đến các nước giàu. Nhưng báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy mức độ chất thải tương tự nhau ở tất cả các quốc gia, mặc dù dữ liệu ở các nước nghèo nhất rất khan hiếm.
Theo các nhà nghiên cứu, không ai mua thực phẩm với ý định vứt bỏ và lượng nhỏ bị loại bỏ mỗi ngày có vẻ không đáng kể. Do đó, việc nâng cao nhận thức của người dân về rác thải là rất quan trọng. Chẳng hạn như thông qua việc thu gom rác thải thực phẩm riêng biệt của chính quyền địa phương.
Các chuyên gia cho biết: cần phải có hành động của chính phủ và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hành động của từng cá nhân là rất quan trọng. Cụ thể, mỗi cá nhân có thể đo khẩu phần gạo và mì ống, kiểm tra tủ lạnh trước khi mua sắm và tăng cường kỹ năng nấu ăn để sử dụng những thứ có sẵn. Thời gian nhiều hơn dành cho việc lập kế hoạch và nấu nướng trong nhà trong giai đoạn phong tỏa bởi COVID-19 ở Anh dường như đã giảm 20% lượng rác thải.
Người đứng đầu Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) Inger Andersen cho biết: “Giảm lãng phí thực phẩm sẽ cắt giảm phát thải khí nhà kính, làm chậm quá trình tàn phá thiên nhiên thông qua chuyển đổi đất đai và ô nhiễm, tăng cường sự sẵn có của thực phẩm, do đó giảm nạn đói và tiết kiệm tiền trong thời điểm suy thoái toàn cầu”.
Theo UNEP, "Các doanh nghiệp, chính phủ và công dân trên toàn thế giới phải làm phần việc của họ".
Ông Marcus Gover, người đứng đầu Wrap, một tổ chức phi chính phủ cho biết: “Chúng ta đã quá quen với việc lãng phí thực phẩm đến mức chúng ta quên mất giá trị của nó và cái giá phải trả cho việc nuôi dưỡng dân số toàn cầu ngày càng tăng đối với thế giới tự nhiên”.
Báo cáo được đưa ra nhằm hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc về giảm một nửa rác thải thực phẩm vào năm 2030. Báo cáo cho thấy 11% tổng số thực phẩm bán cho người tiêu dùng bị lãng phí trong nhà vào năm 2019, trong đó các nhà hàng bỏ đi 5% và các cửa hàng thực phẩm đổ bỏ 2 %.
Dữ liệu về rác thải sinh hoạt đã có sẵn cho các quốc gia chiếm 75% dân số thế giới. Chất thải thực phẩm bao gồm các phần ăn được và không ăn được, chẳng hạn như vỏ và xương. Tỉ lệ pha trộn là khoảng 50:50 ở một số quốc gia thu nhập cao nhưng không được biết ở những nơi khác.
“Tuy nhiên, ngay cả khi con người không thể tiêu thụ một số chất thải đó, vẫn có những cách thích hợp với môi trường để quản lý nó, chẳng hạn như chuyển nó sang thức ăn gia súc hoặc làm phân trộn”, bà Clementine O'Connor tại UNEP cho biết.
Bà Clementine O'Connor nói thêm: “Vương quốc Anh đã thực sự đóng vai trò hàng đầu trong việc giảm thiểu chất thải thực phẩm và là một trong số rất ít quốc gia đạt được mức giảm đáng kể. Theo Wrap, từ năm 2007 đến năm 2018, rác thải thực phẩm gia dụng ăn được đã giảm gần 1/3, mặc dù tổng lượng rác thải thực phẩm vẫn là 19% vào tháng 11.2020.
Bà Carina Millstone, thuộc nhóm vận động thực phẩm Feedback, cho biết: báo cáo của Liên hợp quốc chỉ mang tính chất cảnh báo và cho thấy hành động lãng phí thực phẩm phải là ưu tiên hàng đầu của các chính phủ trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu Cop26 vào tháng 11. “Với tư cách là chủ nhà, Vương quốc Anh phải dẫn đầu, bằng cách đo lường và xử lý chất thải thực phẩm tại các trang trại cũng như đưa ra các phép đo và mục tiêu giảm thiểu chất thải thực phẩm bắt buộc cho các doanh nghiệp”.
Wrap đã bắt đầu tuần hành động chống lãng phí thực phẩm ở Anh để nâng cao nhận thức về vấn đề này và thúc đẩy sự thay đổi.
Bà Nadiya Hussain, một đầu bếp và người dẫn chương trình truyền hình, nói: “Từ việc tránh mua hoặc chuẩn bị quá nhiều đến việc dự trữ thực phẩm đúng cách, đó là những việc giúp mọi người tận dụng tối đa thực phẩm và bảo vệ hành tinh của chúng ta”.
Có thể bạn quan tâm:
► Các công ty Nhật dùng AI trong "cuộc chiến" chống lãng phí thực phẩm