Hội thảo Đối tác khí hậu toàn cầu 2024 tại Việt Nam
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực tế và xây dựng năng lực thúc đẩy tài chính khí hậu ở Việt Nam, đánh dấu lần đầu tiên chương trình đào tạo chuyên sâu về chủ đề thay đổi khí hậu của Quỹ Đối tác khí hậu toàn cầu tổ chức tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM thể hiện sự quan tâm của Ngân hàng nhà nước về các chương trình và hạng mức tín dụng phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải carbon cùng hướng tới tăng trưởng xanh. Ông cho biết, Ngân hàng nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung huy động các nguồn vốn xanh và triển khai các gói hỗ trợ tài chính, chú trọng yếu tố phát triển xanh và bền vững. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng các quy chế và quy trình áp dụng tín dụng xanh không có sự khác biệt với tín dụng thông thường.
Chia sẻ tại hội thảo, Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục Trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, doanh nghiệp, khơi thông nguồn đầu tư tác động thực hiện các mục tiêu bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng. Vì vậy, Hội thảo là một hoạt động thiết thực và ý nghĩa, nhằm hợp sức thúc đẩy các nguồn lực, tăng cường đầu tư tạo tác động hướng tới phát triển bền vững”.
Chương trình khai mạc ngày 13/5 của chuỗi sự kiện Hội thảo Đối tác khí hậu toàn cầu 2024 gồm 3 phiên thảo luận xoay quanh các chủ đề: Môi trường đầu tư tài chính khí hậu tại Việt Nam - Trung tâm đầu tư của khu vực - cơ hội, thách thức và triển vọng đầu tư tích cực về khí hậu; Các bên liên quan thúc đẩy đầu tư vào khí hậu: Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam, đảm bảo tăng trưởng kinh tế của khu vực tư nhân, đồng thời phù hợp với các mục tiêu kinh tế quốc gia; Những kinh nghiệm thực hiện các dự án khí hậu ở Việt Nam.
Ngày 14/5, Hội thảo tiếp tục diễn ra tại TP.HCM với nội dung nhằm phát triển các dự án hạ tầng năng lượng, dự án năng lượng mặt trời thương mại và công nghiệp qua góc nhìn pháp lý, tài chính, đầu tư, kỹ thuật và môi trường xã hội.
Hoạt động cuối cùng của Hội thảo là chương trình đào tạo thực tế từ ngày 15 đến 17/5 tại một dự án tín dụng xanh tiêu biểu ở thành phố Đà Lạt với sự tham gia của hơn 30 cán bộ quản lý từ các ngân hàng. Hội thảo tại đây sẽ tập trung vào các cơ hội về chiến lược và thách thức trong thực tiễn khi thúc đẩy tài chính khí hậu ở Việt Nam; chẳng hạn như thiết lập các tác động khí hậu, công nghệ EE/RE và lợi ích tương ứng của chúng đối với khách hàng, thúc đẩy cho vay xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội cùng các trường hợp, bài học kinh nghiệm theo thực tiễn.
Có thể bạn quan tâm:
Tín dụng Carbon có thể giúp thu hẹp khoảng cách tài trợ cho khí hậu như thế nào?