Ảnh: The Progressive

 
Cẩm Tú Thứ Tư | 08/03/2023 15:45

Hiệp ước quốc tế đầu tiên để bảo vệ đại dương đã được thông qua

Sau gần 20 năm lên kế hoạch và đàm phán, vừa qua đại diện từ hơn 100 quốc gia đã cùng ký kết hiệp ước lịch sử nhằm bảo vệ đại dương.

Mới đây tại  trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, văn bản Hiệp ước Biển cả (The High Seas Treaty) đã được các nước thành viên Liên Hiệp Quốc thông qua sau 5 vòng đàm phán. Hiệp ước này ràng buộc về mặt pháp lý nhằm bảo tồn và đảm bảo sử dụng bền vững đa dạng sinh học đại dương. Các tổ chức môi trường đánh giá Hiệp ước có thể đảo ngược những tổn thất đa dạng sinh học biển, cũng như đảm bảo phát triển bền vững. 

 

Theo văn bản Hiệp ước, 30% đại dương trên thế giới sẽ trở thành khu vực được bảo vệ vào năm 2030. Điều đó đồng nghĩa với việc các nước sẽ cùng nhau đưa ra những quy định hạn chế nghiêm trọng đối với việc sử dụng vùng biển này, có thể bao gồm lệnh cấm hoàn toàn hoạt động đánh bắt và thăm dò như khai thác dưới biển sâu. 

Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế sẽ đảm bảo rằng bất kỳ hoạt động nào trong tương lai dưới đáy biển sâu sẽ phải tuân theo các quy định và giám sát nghiêm ngặt về môi trường để đảm bảo rằng chúng được thực hiện bền vững và có trách nhiệm. 

Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), vùng biển quốc tế được định nghĩa là nơi tất cả các quốc gia có quyền tự do tham gia vào các hoạt động đánh cá, hàng hải và nghiên cứu. Tuy nhiên, chỉ 1,2% vùng biển này được quốc tế bảo vệ.

Thông thường, các quốc gia chỉ được kiểm soát vùng biển và đáy biển kéo dài 200 hải lý tính từ bờ biển của mỗi nước. Do vùng biển quốc tế nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước này, cho nên, sẽ không chịu sự kiểm soát hoặc luật pháp của bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào. Diện tích của chúng trải dài gần một nửa hành tinh.

Dù biển cả chiếm hơn 60% diện tích đại dương của thế giới và gần 50% bề mặt Trái đất, song biển cả rất ít được chú ý tới. Ảnh:
Dù biển cả chiếm hơn 60% diện tích đại dương của thế giới và gần 50% bề mặt Trái đất, song biển cả rất ít được chú ý tới. Ảnh: OMFIF

Vùng biển quốc tế là nơi sinh sống của các loài trong chuỗi thức ăn, từ thực vật phù du đến cá mập trắng lớn. Phần lớn sinh vật biển được tìm thấy gần bờ bao gồm các loài cá ngừ, cá hồi, rùa biển, cá voi dành phần lớn cuộc đời của chúng ở vùng biển quốc tế. Thực tế đó đã càng nhấn mạnh sự cần thiết trong việc hợp tác quốc tế về các cách bảo vệ các loài sinh vật biển.

Trong một động thái được coi là nỗ lực nhằm xây dựng niềm tin giữa các nước giàu và nước nghèo, Liên minh châu Âu đã cam kết tài trợ 40 triệu euro (42 triệu USD) để tạo điều kiện cho việc phê chuẩn và sớm thực hiện Hiệp ước. Trước đó, tại Hội nghị về đại dương mang tên Our Ocean, các nước tham dự hội nghị đã cam kết đóng góp tổng cộng 19 tỉ USD bảo vệ đại dương.

Có thể bạn quan tâm:

Cuộc đua giảm lượng khí thải cacbon trong ngành giày dép và may mặc tại Việt Nam