Việt Nam là quốc gia gây ô nhiễm nhựa đại dương đứng thứ 4 thế giới. Ảnh: TL.

 
An Hạ Thứ Ba | 12/11/2024 14:00

Duy Tân Recycling

Sau khi thoái vốn khỏi đế chế nhựa, Ban lãnh đạo Nhựa Duy Tân chuyển sang hạt nhựa tái chế, nối thêm vòng đời hàng tỉ chai nhựa mỗi năm.

“Chai nước ngày hôm nay khác gì với nó của 3 năm trước?”, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân (DuyTan Recycling), ông Lê Anh đặt câu hỏi cho những vị khách đang ngồi tại buổi hội thảo với chai nhựa cầm trên tay. “Nó đã được tái chế”, một người dưới khán phòng lập tức đáp lời.

Cuộc đời mới của nhựa

Mỗi ngày, DuyTan Recycling thu gom 180 tấn rác thải nhựa để tái chế, quy đổi tương đương bằng 15 triệu chai. Nếu xếp số chai này liền kề nhau, quãng đường sẽ dài chừng 850 km, bằng từ TP.HCM ra Đà Nẵng. Và nếu ngày hôm nay, những chai nhựa bị chôn lấp trong đất hoặc vứt ngoài đại dương, chúng sẽ chỉ biến mất hoàn toàn ít nhất vào năm 2124, tức là 100 năm sau.

Việc nhập khẩu, sản xuất, sử dụng nhựa gia tăng nhanh và không quản lý tốt chất thải ở Việt Nam đã dẫn đến cuộc khủng hoảng về ô nhiễm nhựa, đặc biệt ở khu vực thành thị và ven biển. Trong một nghiên cứu của World Bank và PROBLUE, ước tính có từ 5-13 triệu tấn rác thải nhựa rò rỉ ra đại dương toàn cầu mỗi năm. Trong đó, Việt Nam là quốc gia gây ô nhiễm nhựa đại dương đứng thứ 4 thế giới. 

Tại Việt Nam, tỉ lệ nhựa được tái chế mới chỉ ở mức 33%, trong khi quốc gia có tỉ lệ tái chế cao nhất thế giới là Na Uy, lên tới 98%. Nếu quy đổi ra giá trị, Việt Nam có tới 2,62 triệu tấn nhựa bị thải bỏ mỗi năm, tức là không được tái chế, dẫn đến mất giá trị vật liệu của nhựa, tương đương từ 2,2-2,9 tỉ USD/năm. 

 

“Dẫu vậy, nhận thức đã thay đổi rất nhanh”, ông Lê Anh nói với Tạp chí NCĐT và chỉ vào cây bút bi có vỏ làm từ 90% nhựa tái chế. Người tiêu dùng hiểu rằng, nhiều vật dụng đang xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày là tái chế. 

Duy Tân là một trong những doanh nghiệp đứng đầu thị trường Việt Nam về các sản phẩm bao bì nhựa cứng, với 80% sản phẩm bán tại nội địa, 20% xuất khẩu. Doanh nghiệp lớn của ngành nhựa này có mạng lưới phân phối tới 16.000 điểm bán buôn, bán lẻ cùng siêu thị. Năng lực sản xuất hằng năm đạt 116.000 tấn bao bì nhựa cứng và sản phẩm nhựa gia dụng.

Sau khi thoái vốn cho SCG Packaging của Thái Lan, Ban lãnh đạo Công ty quyết định phát triển kinh doanh mảng nhựa tái chế và nhựa kỹ thuật cao. Sau 2 năm nghiên cứu công nghệ, nhà máy DuyTan Recycling được xây dựng vào năm 2019 tại Long An. Công suất thiết kế đạt 100.000 tấn nhựa/năm khi vận hành tối đa, tương đương 7 tỉ chai nhựa tái sinh. “7 năm trước, không ai biết nhựa tái chế có thể bọc hàng thực phẩm như hiện nay. Nếu chúng tôi không làm thì ai sẽ làm?”, ông Lê Anh nói. 

Thách thức cùng cơ hội

Nhựa Duy Tân do gia đình doanh nhân Trần Duy Hy sáng lập, điều hành. Năm 1987, Tổ hợp sản xuất nhựa Duy Tân, đơn vị tiền thân của đế chế nhựa, được thành lập. Ngay trong cách đặt tên, ông Hy đã ghép chữ “Duy” trong tên đệm cùng chữ “Tân” có nghĩa là sự đổi mới, thể hiện tinh thần doanh nghiệp. Xây dựng nhà máy tái chế nhựa công nghệ cao được coi như một quyết định khởi nghiệp của vị doanh nhân kín tiếng này. 

Năm 2021 nhà máy đi vào vận hành giai đoạn 1 và sau đó là chào bán sản phẩm. “Thời gian đầu, chúng tôi cần tới 2 năm mới bán được hàng vì sản phẩm phải kiểm thử. Quá khó khăn khi tìm đầu ra”, ông Lê Anh nhớ lại. Thời điểm đó, Công ty chủ yếu bán hàng ra nước ngoài với tỉ trọng xuất khẩu lên tới 80-90%.

 

Ở đơn hàng đầu tiên, DuyTan Recycling đã thuyết phục được Unilever sử dụng vỏ nhựa tái chế cho nhãn hiệu Sunlight, Dove. Dần dần, họ trở thành đối tác của các tập đoàn như Coca-Cola, Suntory PepsiCo, Unilever, Nestlé, Lavie... Hiện nay, tỉ trọng bán hạt nhựa tái chế cao cấp giữa thị trường nội địa và xuất khẩu đã ở mức cân bằng. 

Dẫu vậy, đại diện DuyTan Recycling chỉ ra, còn nhiều thách thức mà doanh nghiệp tái chế nhựa phải đối mặt. Đơn cử, nhựa tái sinh có giá cao hơn nhựa nguyên sinh từ 20-30% nên nhà sản xuất hàng hóa không muốn dùng. Việc chưa phân loại rác tốt tại nguồn cũng khiến nhựa và các vật liệu có thể tái chế khác bị trộn lẫn với vật liệu không thể tái chế hoặc rác sinh hoạt. Ví dụ, trong 100% tấn nhựa được thu gom, doanh nghiệp chỉ tái chế được 60-65%, mức hao hụt tới 40%, trong khi mức hao hụt chung tại châu Âu là khoảng 20%. 

Nếu muốn giảm tỉ lệ hao hụt, bà Giang Nguyễn, Giám đốc Điều hành Tetra Pak Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần có quy định tách bao bì ra khỏi các loại rác thải khác. “Bài học đầu tiên tôi được dạy khi qua Thụy Sĩ làm việc là phân loại rác. Phải có kiến thức để phân loại gần 20 loại rác. Có thể thấy, hiểu biết của người dân về bao bì và tái chế đóng vai trò quan trọng”, bà chia sẻ.

Tuy nhiên, tái chế là một ngành tương lai. Theo Grand View Research, nhu cầu vật liệu bền vững ngày càng tăng. Quy mô thị trường tái chế nhựa toàn cầu ước đạt 51,7 tỉ USD trong năm 2023 với tỉ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) ở mức 9,5% trong giai đoạn 2024-2030. 

Chỉ sau hơn 3 năm đi vào vận hành, năng lực sản xuất của DuyTan Recycling đã tăng cấp số nhân, hiện đạt 55.000-60.000 tấn/năm. Hạt nhựa tái chế được xuất khẩu tới 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đại diện doanh nghiệp không muốn đề cập tới con số doanh thu nhưng theo bảng giá được một số công ty trong nước công bố, giá bán cho các loại hạt nhựa tái sinh đang dao động từ 15.000-25.000 đồng/kg. Như vậy, với việc bán ra thị trường khoảng 15.000 tấn hạt nhựa trong 6 tháng đầu năm, DuyTan Recycling có thể đã thu về khoảng 300 tỉ đồng. Song lợi nhuận vẫn còn là một dấu hỏi. Phía Công ty từng chia sẻ, khi sản lượng đạt công suất thiết kế thì họ mới chạm điểm hòa vốn. Nhưng đó là năm 2026. 

Có thể bạn quan tâm 

Tay ngang thành “Vua nha đam”