Việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu. Ảnh: T.L

 
Cẩm Tú Thứ Sáu | 14/10/2022 16:20

Dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỉ đồng

Các tổ chức tín dụng có sự chuyển biến rõ rệt trong định hướng hoạt động tín dụng xanh, chủ động tìm cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế.

Tại Hội thảo ngày 11/10, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, tính đến 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, tín dụng ngân hàng cho tăng trưởng xanh đang đối mặt với không ít khó khăn.

Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Việt Nam được xếp vào nhóm thứ 2 các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững tại báo cáo Đánh giá tiến bộ quốc gia giai đoạn 2020-2021 của Mạng lưới tài chính và ngân hàng bền vững (SBFN).

 

“Giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm. Đến 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỉ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%). Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.283.000 tỉ đồng, chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay...”, bà Tùng cho hay.

Cũng theo đại diện NHNN, các tổ chức tín dụng có sự chuyển biến rõ rệt trong định hướng hoạt động tín dụng xanh, chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để phát triển và triển khai cho vay chương trình tín dụng xanh. Điển hình như, Dự án chuyển hóa cacbon thấp sang lĩnh vực tiết kiệm năng lượng được các ngân hàng như: BIDV, ANZ triển khai với nguồn vốn do Chính phủ Đan Mạch tài trợ theo Chương trình hỗ trợ đầu tư xanh (GIF).

Dư nợ cấp tín dụng tập trung khá nhiều ở mảng nông nghiệp xanh. Ảnh: T.L
Dư nợ cấp tín dụng tập trung khá nhiều ở mảng nông nghiệp xanh. Ảnh: T.L

Hay sản phẩm cho vay dự án phát triển năng lượng tái tạo tại các ngân hàng: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, SHB, HDBank từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới. Ngoài ra, còn có sản phẩm cho vay công trình xanh từ nguồn vốn của IFC tại VPBank; sản phẩm cho vay lại để triển khai các dự án năng lượng tái tạo từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) thông qua Vietcombank...

Tuy nhiên, tín dụng ngân hàng cho tăng trưởng xanh còn đối mặt với không ít tồn tại, khó khăn, do Việt Nam chưa có quy định chung về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới.

Việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu, nên khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng. Ngoài ra, còn có khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi cấp tín dụng do thiếu quy định tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường. Mặt khác, hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp dẫn đến bị xử phạt vi phạm pháp luật về môi trường, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng.

Có thể bạn quan tâm:
Đầu tư ESG và nguy cơ từ hành vi “tẩy xanh”