Ảnh: Trần Minh Hiếu.
Du lịch bền vững ở rừng Chênh Vênh
Thôn Chênh Vênh có diện tích 1.500 ha, với 130 hộ, 440 khẩu, 100% cư dân là người Vân Kiều. Thôn nằm sát đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, được bao bọc bởi sông suối, đồi núi hoang sơ, hùng vĩ và đặc biệt là bởi cánh rừng Chênh Vênh.
Rừng Chênh Vênh tồn tại dưới chân núi Sa Mù hàng trăm năm nay. Trước kia, cánh rừng này còn là rừng nguyên sinh, gần như chưa có bước chân người đặt tới. Đến khi cộng đồng người Bru – Vân Kiều về sinh sống dọc con suối Chênh Vênh chạy cắt ngang giữa khu rừng, thì khu rừng này được gọi tên theo tên con suối.
Đường đến huyện Hướng Hóa. Ảnh: Hoàng Bùi |
Từ năm 2017, UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã giao cho thôn Chênh Vênh quản lý gần 700ha. Từ đó đến nay, diện tích rừng này đã phát triển rất tốt, từng bước hạn chế tình trạng phá rừng. Với vẻ đẹp nguyên sơ và nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Vân Kiều, nơi đây có tiềm năng lớn về phát triển du lịch sinh thái, du lịch gắn với phát triển rừng.
Thác Chênh Vênh phong cảnh cuốn hút |
Hiện tại, rừng Chênh Vênh là cánh rừng đầu tiên tại Việt Nam do cộng đồng bà con Vân Kiều quản lý được cấp chứng chỉ chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC (một chứng chỉ có 10 bộ nguyên tắc với gần 200 nguyên tắc và tiêu chí của Hội đồng Quản trị rừng thế giới Forest Stewardship Council – FSC – một tổ chức phi chính phủ quy mô toàn cầu có trụ sở tại Đức biên soạn).
Vùng vúi Sa Mù. Ảnh: Thanh Nguyễn |
Gần đây, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCVN), phối hợp UBND xã Hướng Phùng tổ chức khai trương tour du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở thôn Chênh Vênh. Đây là tour du lịch gắn với phát triển rừng, kết hợp tìm hiểu đời sống người dân tộc thiểu số Bru – Vân Kiều.
Điểm đến đầu tiên là rừng Vầu (tên người dân dùng để gọi rừng tre) bạt ngàn toàn tre thẳng tắp. Bên cạnh những khu vực chỉ có cây thuần chủng như rừng Vầu này thì rừng Chênh Vênh còn có rất nhiều loại cây thảo dược quý được người dân địa phương lấy về chữa bệnh thông thường và dùng hằng ngày trong sinh hoạt như lá quế, lá vằng, cỏ máu..
Buổi tối, du khách có thể lựa chọn ngủ trong nhà sàn hoặc ngủ lều trên đỉnh đồi Sa Mù để ngắm bình minh. Cải tạo nhà sàn truyền thống, quầy trưng bày nông sản, hệ thống nước sạch, nhà tắm sử dụng năng lượng mặt trời, tập huấn kỹ năng làm du lịch, thành lập đội quản lý và bảo vệ du lịch… cho người dân. Khoảng sân rộng ở giữa dùng để tổ chức sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các lễ hội truyền thống của người dân…
Với 100% cư dân ở làng là người Vân Kiều nên nét văn hóa truyền thống còn rất đậm nét để hút khách khám phá, tìm hiểu. Tùy vào từng thời điểm trong năm, du khách có thể được chứng kiến các lễ hội đặc sắc của người Vân Kiều như Lễ hội mừng lúa mới, lễ cúng Trời, lễ hội mừng làng mới, lễ hội cồng chiêng… Cùng với đó, là các phong tục tập quán truyền thống, các làn điệu dân ca như Oát, Tà Oải, Cha Chấp, Ka Lơi, A Dên… và nhiều nghề thủ công truyền thống của người Bru Vân Kiều như đan lát, nấu rượu men lá.