Những năm qua, các quốc gia Đông Nam Á đã có một số bước tiến lớn trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: TL

 
Văn Quốc Thứ Hai | 23/11/2020 13:30

Đông Nam Á xanh hóa đến đâu?

ASEAN khó lòng đạt 23% tỉ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp vào năm 2025.

Với sự gia tăng nhanh về dân số và thu nhập, cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) sẽ chứng kiến nhu cầu năng lượng tăng tới 60% vào năm 2040. Điều này đã đưa công cuộc xanh hóa của các nước ASEAN trở thành một điểm nhấn trong công cuộc chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhưng dự báo của các cơ quan năng lượng thế giới cho thấy ASEAN sẽ khó lòng đạt được mục tiêu xanh mà cả khu vực đã đặt ra vào năm 2015: đạt 23% tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp vào năm 2025, trong đó hầu hết thành viên trong khối đều đưa ra các mục tiêu riêng.

Những năm qua, các quốc gia Đông Nam Á đã có một số bước tiến lớn trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Và Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường cho thấy triển vọng lạc quan của ngành năng lượng tái tạo với các chính sách rõ ràng và đầy tham vọng. Nhờ cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo FIT (Feed-in-tariff) và các sáng kiến tài khóa khác, giới đầu tư đã ồ ạt đổ vào Việt Nam. Kết quả là công suất điện mặt trời của Việt Nam đã tăng lên mức 5.695 MW vào năm ngoái, chiếm 44% tổng công suất điện mặt trời của Đông Nam Á. Đối với điện gió, tháng 6.2020, Chính phủ Việt Nam đã bật đèn xanh cho các dự án mới với tổng công suất 7 GW, tiến gần hơn trên con đường đạt gần 12 GW công suất điện gió vào năm 2025.

 

Philippines cũng đặt mục tiêu nâng tỉ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng lên 26,9% vào năm 2030, từ con số chưa tới 17% hiện nay. Đáng chú ý, ngoài triển khai cơ chế FIT, Philippines bắt đầu thực thi chuẩn năng lượng tái tạo Renewable Portfolio Standard (RPS) trong năm nay, theo đó yêu cầu các đơn vị phân phối điện phải tăng tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo 1% mỗi năm cho đến năm 2030 để đảm bảo một thị trường cho các nhà phát triển năng lượng sạch.

Thậm chí tại Indonesia, nơi ngành than được ưu ái với các khoản trợ cấp hào phóng, thay đổi cũng đang diễn ra. Với các chính sách khuyến khích mới, nước này dự kiến đầu tư năng lượng sạch sẽ đạt 20 tỉ USD vào năm 2024.

 

Tại Malaysia, cơ chế điện mặt trời LSS, ra đời năm 2016, đã thành công ngoài mong đợi khi số đơn vị tham gia đấu thầu tăng lên và giá điện tiếp tục giảm qua từng phiên đấu giá. Đợt đấu giá thứ 3, được tổ chức năm ngoái, đã thu hút 112 hồ sơ dự thầu với tổng công suất 6,7 GW nhưng chỉ 5 đơn vị thắng thầu với tổng công suất 490 MW, cho thấy sự hứng thú của các nhà đầu tư đối với thị trường năng lượng tái tạo Malaysia. Đáng chú ý là mức giá bỏ thầu thấp tới 0,042 USD/kWh, đánh bại giá điện khí ở nước này. Thậm chí Bộ trưởng Năng lượng Malaysia còn tuyên bố, năng lượng mặt trời đang tiệm cận ngang hàng với nhiên liệu hóa thạch. Năm nay, Malaysia thừa thắng xông lên khi tổ chức phiên đấu giá thứ 4 với tổng công suất mời thầu lên tới 1 GW.

Campuchia là quốc gia duy nhất trong ASEAN không đưa ra một mục tiêu rõ ràng về năng lượng sạch, nhưng các phiên đấu giá điện mặt trời vào năm ngoái tại nước này đã thu hút sự chú ý với mức giá bỏ thầu chỉ 0,03877 USD/kWh (của một dự án điện mặt trời 60 MW). Đây là mức giá mua điện mặt trời thấp nhất tại Đông Nam Á thời điểm đó. 

Chi phí năng lượng sạch giảm cùng với mối quan ngại về khí thải và ô nhiễm không khí đã làm tăng tỉ trọng năng lượng sạch trong tổng cung năng lượng của Đông Nam Á và sự giảm dần của nhiên liệu hóa thạch. Bằng chứng là trong nửa đầu năm 2019, công suất điện than mới được phê duyệt trên khắp Đông Nam Á lần đầu tiên đã bị vượt qua bởi công suất tăng thêm từ điện mặt trời.

ơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính, với quy hoạch điện quốc gia hiện nay, công suất điện than tại Đông Nam Á sẽ hơn gấp đôi vào năm 2040, giữa lúc hầu hết các nước trên thế giới đang giảm mạnh sử dụng than đá.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính, với quy hoạch điện quốc gia hiện nay, công suất điện than tại Đông Nam Á sẽ hơn gấp đôi vào năm 2040, giữa lúc hầu hết các nước trên thế giới đang giảm mạnh sử dụng than đá.

Mặc cho những tiến bộ này, Đông Nam Á vẫn sẽ khó lòng đạt được tỉ lệ 23% năng lượng tái tạo vào năm 2025 khi than đá, dầu và khí hiện chiếm tới 80% tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng. Và do thiếu một cơ quan quản lý chung theo dõi tiến trình xanh hóa Đông Nam Á, nên không có “chế tài” nào đối với những chính phủ không đáp ứng được các chỉ tiêu đặt ra. Vì thiếu động lực thúc đẩy chính sách mạnh mẽ, tỉ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng được dự báo sẽ vẫn ì ạch ở mức khoảng 15% cho đến hết năm 2025. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính, với quy hoạch điện quốc gia hiện nay, công suất điện than tại Đông Nam Á sẽ hơn gấp đôi vào năm 2040, giữa lúc hầu hết các nước trên thế giới đang giảm mạnh sử dụng than đá.

Thực vậy, nhiên liệu hóa thạch vẫn đóng vai trò nòng cốt trong quy hoạch phát triển điện quốc gia. Lào, chẳng hạn, bắt đầu nhắm đến xuất khẩu điện than như một cách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi Myanmar dự kiến than đá sẽ chiếm đến 30% tổng cung điện vào năm 2030. Việt Nam, quốc gia có mức tiêu thụ than đá gấp 3 lần trong thập niên vừa qua, vẫn có kế hoạch xây dựng thêm 15 nhà máy than đá nữa với tổng công suất 17,4 GW đến năm 2024.

IEA cũng dự báo dầu mỏ sẽ tiếp tục chiếm lĩnh nhu cầu vận chuyển đường bộ tại Đông Nam Á và việc điện khí hóa phương tiện đi lại chỉ giới hạn ở một số tuyến đường. Nói cách khác, hầu như không có nhiều thay đổi, với hình ảnh tắc đường và không khí bẩn ở các đô thị.

Ngoài ra, những khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch hào phóng, lên tới 35 tỉ USD chỉ riêng năm 2018, vẫn là một trở ngại lớn đối với công cuộc phát triển năng lượng tái tạo trên khắp khu vực. Chính sự hứng thú đối với nhiên liệu hóa thạch đã tiếp tục kiềm hãm các khoản đầu tư xanh. Một khi nhiên liệu hóa thạch vẫn còn được trợ cấp, giới chuyên gia khuyến cáo sân chơi sẽ không bình đẳng cho năng lượng tái tạo.

Để tăng tốc quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, chìa khóa then chốt ở Đông Nam Á là nguồn vốn tư nhân. Để thu hút dòng vốn này, các nước phải chỉnh đốn chính sách và cải thiện môi trường quản lý điều hành, theo báo cáo của ASEAN Centre for Energy. Malaysia, chẳng hạn, cần thu hút ước tính 8 tỉ USD vốn đầu tư để đạt mục tiêu tái tạo vào năm 2025 (giai đoạn 2016-2018, nước này chỉ kêu gọi được 2,5 tỉ USD). Nhưng khi chính phủ nước này vẫn còn “một lòng” với khí đốt, đây sẽ là một thách thức.

Quản trị kém cũng là một vấn đề lớn khác. Tại Brunei và Indonesia, chính sách năng lượng sạch được triển khai bởi các cơ quan nhà nước nhỏ với nguồn lực hạn chế và năng lực quản lý kém, khiến nhà đầu tư chùn bước. Philippines là quốc gia Đông Nam Á sớm nhảy vào lĩnh vực năng lượng tái tạo (từ năm 2012), nhưng do chính sách thiếu minh bạch, nhà đầu tư ngoại đã bắt đầu quay lưng, khiến đầu tư năng lượng sạch giảm mạnh từ 1 tỉ USD năm 2016 xuống còn 160 triệu USD năm 2018. Đến nay, than đá vẫn cung cấp hơn 50% điện năng của Philippines.

Trường hợp của Indonesia và Philippines lại có thêm rào cản về năng lực hạ tầng hạn chế, dẫn đến triển khai các dự án năng lượng tái tạo kém hiệu quả, đặc biệt là vấn đề truyền tải điện. Đặc điểm địa hình quần đảo ở 2 nước này dẫn đến tình trạng lưới điện bị phân mảnh. Tại Indonesia, năng lượng gió và mặt trời hiện chiếm chỉ 2% tổng công suất, địa nhiệt chiếm chưa tới 4%.