200 tập đoàn đa quốc gia lớn của thế giới tuyên bố sẽ đạt thải khí net zero vào năm 2050. Ảnh: breakbulk.com

 
Văn Quốc Thứ Hai | 05/04/2021 13:30

Doanh nghiệp châu Á gian nan xanh hóa

Nhiều công ty châu Á cam kết sẽ đạt net zero nhưng thực hiện có dễ dàng?

Tháng 10 năm ngoái, 200 tập đoàn đa quốc gia lớn của thế giới tuyên bố sẽ đạt thải khí net zero vào năm 2050. Trong đó, có những doanh nghiệp châu Á trong các ngành gây ô nhiễm như Sinopec hay Asia Pacific Resources International Limited. 

Đua nhau cam kết

Đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 3% GDP toàn cầu do hạn hán, lũ lụt, mất mùa và thiệt hại hạ tầng nghiêm trọng hơn, trừ phi các biện pháp quyết liệt được triển khai, theo một báo cáo của EIU. Đại dịch COVID-19 khiến cho việc giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu càng trở nên cấp bách.

Các doanh nghiệp phương Tây như Microsoft đã dẫn đầu xu hướng chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, các doanh nghiệp châu Á lại chậm hơn trong việc đưa ra cam kết, vì theo Malavika Bambawale, đứng đầu các giải pháp bền vững châu Á - Thái Bình Dương của Engie Impact, “rất nhiều doanh nghiệp châu Á ở sâu dưới chuỗi cung ứng nên họ có thể ẩn thân lâu hơn”.

Ảnh: Bei Feng / EPA
48% trong số 250 doanh nghiệp này đã điều chỉnh mô hình kinh doanh của họ theo Thỏa thuận Paris. Ảnh: Bei Feng / EPA

Trong số khoảng 1.200 doanh nghiệp đã ký Science-Based Targets (SBTi), một sáng kiến giúp các doanh nghiệp cắt giảm khí thải theo Thỏa thuận Paris, thì có 250 công ty châu Á đã đặt ra mục tiêu giảm carbon hoặc đang trong quá trình chờ mục tiêu được thông qua, tăng 57% trong giai đoạn 2019-2020. 48% trong số 250 doanh nghiệp này đã điều chỉnh mô hình kinh doanh của họ theo Thỏa thuận Paris. “Quá trình khử carbon ở doanh nghiệp đang tăng tốc tại châu Á - Thái Bình Dương”, Pratima Divgi, Giám đốc khu vực Hồng Kông, Đông Nam Á, Úc và New Zealand thuộc CDP, đồng phát triển sáng kiến SBTi, nhận định. Trong số các công ty ký kết SBTi có Swire Properties (Hồng Kông), Lenovo (Trung Quốc) và Tai Wah Garments Industry (Malaysia).

Cam kết chính sách ở cấp quốc gia như các tuyên bố net zero của Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc trong 6 tháng qua cũng đã tạo không khí sôi nổi cho việc khử carbon ở khối doanh nghiệp châu Á. Cạnh tranh cũng góp phần không nhỏ. Chuỗi siêu thị Úc Coles tuyên bố mục tiêu net zero đến năm 2050 chỉ 6 tháng sau tuyên bố của đối thủ Woolworths. Đầu tháng 2.2021, công ty bất động sản Singapore City Developments Limited (CDL) đã đưa ra cam kết net zero sau khi đối thủ Frasers Property công bố vào cuối tháng 1. 

Tháng 10 năm ngoái, tập đoàn dầu khí Malaysia Petronas cho biết sẽ đạt net zero vào năm 2050, 1 tháng sau khi PetroChina cho biết sẽ đạt “near zero” vào giữa thế kỷ này. “Khi các doanh nghiệp hàng đầu như CDL đưa ra cam kết net zero, các đối thủ của họ sẽ khó mà ngồi yên”, Bambawale nói. 

Khó khăn trăm đường

Một câu hỏi đặt ra là “các doanh nghiệp gây ô nhiễm nhiều nhất của châu Á sẽ hiện thực hóa mục tiêu net zero như thế nào?” Theo Wood MacKenzie, tuyên bố của PetroChina gây nhiều bối rối và thiếu chi tiết. Tập đoàn dầu mỏ này dự chi chỉ 1-2% tổng ngân sách vào năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2025, rất khiêm tốn so với mức dự chi 20% đến năm 2023 của Eni (Ý) và 33% đến năm 2030 của BP (Anh). Cam kết đạt net zero vào năm 2050 của Petronas cũng được đánh giá chỉ là một khát vọng, không dựa trên một cơ sở khoa học phù hợp với Thỏa thuận Paris. 

 

Không chỉ tránh đưa ra lộ trình giảm carbon, nhiều công ty cũng rất “lựa lời” khi chọn thông tin nào cần công khai. Có thể vì họ không muốn tiết lộ mức độ đầu tư cho kế hoạch khử carbon hoặc vì vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể nào. CDL cam kết đạt net zero vào năm 2030, trước đối thủ Frasers Property tới 20 năm, nhưng lại không đưa thêm thông tin về việc làm thế nào đạt được mục tiêu này.

Thực ra, khử carbon không hề dễ dàng. Đối với những công ty thải khí lớn như các công ty dầu khí, khử carbon có nghĩa là phải chuyển đổi mô hình kinh doanh mà vẫn đảm bảo doanh nghiệp không bị hất khỏi cuộc chơi. Hơn nữa, chỉ mỗi lấy carbon ra khỏi các cơ sở hoạt động của doanh nghiệp là chưa đủ. Xử lý lượng khí thải gián tiếp từ toàn bộ chuỗi giá trị của doanh nghiệp đó cũng đang trở thành một yêu cầu bắt buộc. Báo cáo mới đây của CDP cho thấy lượng khí thải từ chuỗi cung ứng của một doanh nghiệp trung bình cao hơn 11,4 lần so với lượng thải khí từ các hoạt động của doanh nghiệp đó, gấp đôi các ước tính trước đây. 

Giải quyết lượng khí thải gián tiếp này là một thách thức. Lấy ví dụ, làm thế nào các công ty xây dựng Singapore giảm lượng carbon của những vật liệu xây dựng nhập từ Trung Quốc, nơi vẫn chủ yếu sử dụng điện than? Hay làm sao chủ tòa nhà thuyết phục người thuê nhà bớt sử dụng máy điều hòa? 

Cân đối lượng thải khí bằng cách dựa vào năng lượng tái tạo cũng không dễ tại một khu vực mà vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, giá năng lượng tái tạo còn cao với các chính sách điều hành khác nhau, khiến cho việc phát triển năng lượng tái tạo khó đạt quy mô cần thiết.

Điều này buộc các doanh nghiệp châu Á chọn giảm tiêu thụ năng lượng trước, sau đó mới tính đến phương án năng lượng tái tạo, theo Bambawale. Nhưng giảm sử dụng năng lượng cũng rất khó ở một khu vực có nhu cầu năng lượng tăng cao để phục vụ nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Tiêu thụ năng lượng ở Đông Nam Á đang tăng 4% mỗi năm, gấp đôi phần còn lại của thế giới.

 

Đối mặt với quá nhiều thách thức, các doanh nghiệp đang phải tìm đường để đạt mục tiêu net zero. Bù đắp carbon (doanh nghiệp tài trợ cho các dự án hấp thu hoặc lưu trữ khí nhà kính để bù đắp vào lượng thải khí của họ) đang trở thành một lựa chọn phổ biến. Temasek (Singapore) là một trong những công ty đầu tiên của châu Á thực hiện trung hòa carbon đối với các cơ sở của Hãng vào năm ngoái, chủ yếu bằng cách bù đắp carbon. “Nhiều công ty nhận thấy đạt net zero bằng bù đắp carbon sẽ rẻ hơn, trong khi thay thế công nghệ cũ bằng công nghệ tiết kiệm năng lượng có thể tốn kém hơn”, kỹ sư J. Sarvaiya, chuyên gia khử carbon, nói.

Nhưng bù đắp carbon cũng đang bị chỉ trích vì cho phép doanh nghiệp vẫn sản xuất kinh doanh như bình thường mà không thực sự giảm được lượng khí thải ra. Và nó cũng không mang lại hiệu quả đáng kể trong một thế giới nóng hơn, theo Sarvaiya. Ví dụ, khả năng hấp thụ carbon của cây sẽ bị giảm trong môi trường nóng hơn, vì thế cần phải trồng nhiều cây hơn để cân đối khoản này. Giải pháp năng lượng tái tạo cũng gặp vấn đề tương tự. Cứ nhiệt độ bề mặt tăng lên 10C thì giảm tính hiệu quả của các tấm pin năng lượng mặt trời thêm 0,5%. 

Các công ty cũng quay sang những công nghệ đang lên như công nghệ hấp thụ và lưu trữ carbon để đạt net zero. Nhưng rõ ràng, khó khăn đang bủa vây như Divgi nhận xét: “Đi kèm theo quá trình khử carbon là cả một sự chuyển đổi rất lớn. Biến đổi khí hậu vừa là thách thức về tài chính vừa là thách thức về khả năng tồn tại của doanh nghiệp”.