Một báo cáo gần đây của Văn phòng Khí tượng Anh Quốc cho biết sóng nhiệt có thể sẽ gấp 100 lần so với hiện tại. Ảnh: Sebastian Gollnow/Getty Images

 
Văn Quốc Thứ Hai | 22/08/2022 08:43

Đô thị tránh nóng

Châu Âu đang trải qua đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong 500 năm. Đó cũng là tình cảnh mà các đô thị trên toàn cầu đang và sẽ phải đối mặt.

Vài tuần qua, nhiều nơi ở nước Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đã hứng chịu những đợt nắng nóng khốc liệt. Tháng 7/2022, lần đầu tiên nhiệt độ ở Anh đã vượt 40oC, dẫn đến cháy rừng và giao thông công cộng gián đoạn. Nhiều thành phố ở châu Âu đang bật chế độ khẩn cấp trong mùa hè này trước các trận cháy rừng dữ dội do nắng nóng, trong đó có cả London. “Các trận cháy chúng tôi chứng kiến ở Anh là thứ gì đó rất mới”, Thomas Smith, Phó Giáo sư về địa lý môi trường tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, nhận xét.

Một báo cáo gần đây của Văn phòng Khí tượng Anh Quốc cho biết sóng nhiệt có thể sẽ gấp 100 lần so với hiện tại do biến đổi khí hậu với tình trạng cực nóng có thể tái diễn cứ 3 năm một lần. Không chỉ ở châu Âu, Mỹ mà các thành phố châu Á cũng trải qua các đợt nắng nóng kỷ lục. Năm nay, Ấn Độ đã trải qua tháng 3 nóng nhất trong hơn một thế kỷ qua và nhiệt độ cũng cao bất thường vào tháng 4 và tháng 5.

Các nhà nghiên cứu từ Viện Kỹ thuật Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich) tính toán một loạt thành phố sẽ trải qua điều kiện khí hậu chưa từng thấy trước đó vào năm 2050, trong đó có Kuala Lumpur, Jakarta, Rangoon, Manila và Singapore. Theo đó, điều kiện thời tiết hoàn toàn mới sẽ xảy ra cho 22% trong số 500 thành phố lớn của thế giới.

 

Báo cáo cũng cho thấy tại nhiều thành phố ở Đông Nam Á, sức nóng khắc nghiệt cùng với lượng mưa ít hơn sẽ là “bình thường mới”. Manila sẽ nóng hơn gần 4°C trong suốt mùa hè, nhưng lượng mưa lại ít hơn 8% tính trung bình một năm. Tại Rangoon (Myanmar), nhiệt độ mùa hè sẽ nóng hơn xấp xỉ 6°C trong khi sẽ mất 6,5% lượng mưa hằng năm.

Cái giá phải trả là rất cao. Vào năm 2030, Vivid Economics ước tính chỉ riêng ở Mỹ có thể tổn thất trung bình 200 tỉ USD hằng năm bởi năng suất lao động giảm vì căng thẳng do sức nóng. Hầu hết tổn thất sẽ rơi vào các đô thị, vốn chiếm tỉ trọng lớn dân số của thế giới. Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, đến năm 2050 “căng thẳng do sức nóng đô thị” sẽ giảm năng lực làm việc của người lao động tới xấp xỉ 20% trong những tháng nóng.

Trước tình hình này, mạng lưới C40 các thị trưởng của gần 100 thành phố đã cùng chia sẻ dữ liệu và những phương pháp thực hành tốt nhất để làm mát và tăng khả năng chống chọi sức nóng của đô thị. Athens, một trong những thành phố nóng nhất châu Âu, rất tích cực trong nỗ lực này. 7 thành phố ở 4 châu lục trong đó có Athens đã chỉ định chức vụ “Giám đốc Nhiệt” để cố vấn các quan chức cách giảm thiểu những rủi ro sức nóng. Bà Eleni Myrivili đảm nhận vai trò mới là Giám đốc Nhiệt toàn cầu đầu tiên tại Chương trình Định cư Con người của Liên Hiệp Quốc để đưa các mối nguy về sức nóng vào công việc phát triển đô thị của tổ chức này. Bà cho biết công việc của bà gồm 3 phần: nâng cao ý thức, chuẩn bị cho tình trạng nóng cực độ và tái thiết kế thành phố. “Mọi người không hiểu rằng sức nóng gây hại rất nghiêm trọng cho sức khỏe con người và thực sự nguy hiểm”, bà nói.

Sức nóng càng vượt qua thân nhiệt con người là 37oC thì dễ dẫn đến kiệt sức, choáng váng, co giật và suy nội tạng. Các vùng chính của não bộ cũng bị suy kiệt do quá nóng. Do đó, một sáng kiến nâng cao nhận thức gần đây của Athens là một hệ thống phân loại và cảnh báo sức nóng mới, mà bà Eleni Myrivili mô tả là “có thể giúp thay đổi tình thế”.

Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu thời tiết của Athens trong 2 thập niên như nhiệt độ và độ ẩm cũng như số ca tử vong để thiết lập các tình huống có thể gây chết người và xếp loại các đợt sóng nhiệt sắp xảy ra từ cấp độ 1-3. Thành phố Tây Ban Nha Seville cũng thử nghiệm chương trình tương tự để cảnh báo những đợt sóng nhiệt sắp tới cùng các giải pháp ứng phó.

Tuy nhiên, trong dài hạn hơn, các thành phố cần phải thực hiện các biện pháp đắt đỏ hơn nếu muốn tăng khả năng chống chịu khi nhiệt độ tăng lên. Tại Anh, đợt nắng nóng chưa từng có tiền lệ vào tháng 7 đã dẫn đến sự xáo trộn ở các sân bay và đường tàu khi đường ray xe lửa của quốc gia này đã trở nên quá nóng và sân bay Luton của London đã buộc phải hủy nhiều chuyến bay vì sức nóng đã khiến cho một phần đường băng bị phồng lên. Tuy nhiên, Nigel Arnell, Giáo sư về khoa học hệ thống khí hậu tại Đại học Reading (Anh), cho rằng các thành phố vẫn chưa thể làm tốt trong thời điểm này. “Đây là công trình đồ sộ, vì phải nâng cấp, trang bị thêm cho cơ sở hạ tầng trong khi hầu hết những gì chúng ta đang có sẽ còn phải sử dụng thêm 30-40 năm nữa”, ông giải thích.

Lấy một ví dụ, tháo dỡ hàng chục ngàn dặm đường ray và thay chúng bằng các đường ray chịu nóng tốt hơn sẽ là một công việc khổng lồ, phức tạp và vô cùng tốn kém. Hồi tháng 7, Bộ trưởng Bộ Vận tải Anh Grant Shapps cho biết sẽ phải mất hàng thập kỷ để nâng cao hệ thống chống chịu sức nóng của ngành vận tải Anh.

 

Trên toàn cầu, chính phủ các nước cũng không sẵn sàng triển khai những khoản đầu tư như vậy. Báo cáo khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm nay cho biết khoảng 384 tỉ USD tài chính khí hậu đã được đầu tư hằng năm vào các thành phố trong những năm gần đây, chỉ tương đương khoảng 10% số tiền cần thiết để phát triển các đô thị carbon thấp và có khả năng chống chịu.

Trước mắt, giới quy hoạch đô thị tại các địa phương đang nỗ lực cải thiện khả năng chịu sức nóng bằng các sáng kiến nhỏ. Thiết kế thông minh như cửa chớp bên ngoài cửa sổ có thể giảm sức nóng bên trong tòa nhà. Tạo ra bóng râm nhờ trồng cây, làm mái vòm hoặc các thay đổi khác về thiết kế hay đưa thêm nước và mảng xanh vào thành phố để giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.

Ahmedabad (Ấn Độ) là thành phố đầu tiên tại khu vực Nam Á thiết kế một phương án giảm thiểu sóng nhiệt cho 8,4 triệu dân, ngay từ năm 2013. Kế hoạch bao gồm một hệ thống cảnh báo sớm cho nhân viên ngành y tế và cư dân để chuẩn bị trước các đợt sóng nhiệt sắp tới, mở cửa các công viên để người dân có chỗ tránh nóng và cung cấp thông tin cho các trường học để thích ứng kịp thời... Thành phố cũng đang cố gắng làm mát mái nhà bằng cách thử nghiệm các loại vật liệu khác nhau để hấp thụ sức nóng, sử dụng sơn trắng, sơn phản quang hoặc vật liệu rẻ tiền như cỏ khô để giảm nhiệt độ trong nhà, theo Tiến sĩ Dileep Mavalankar, đứng đầu Viện Sức khỏe công Ấn Độ tại thành phố Gandhinagar, người đã giúp thiết kế kế hoạch năm 2013 của Ahmedabad. Chính phủ Ấn Độ cũng đang làm việc với 130 thành phố ở 23 bang có rủi ro sóng nhiệt cao để phát triển các hệ thống tương tự.
(Tổng hợp)