Ảnh: Tranh lụa “Vinh quy bái tổ” của họa sĩ Nguyễn Công Hoan.
Diện mạo mới của tranh minh họa
Xuất phát từ nhu cầu làm mới những tác phẩm văn học kinh điển, từ năm 2017 đến nay tranh minh họa dần tìm được vị trí trong ngành xuất bản. Không còn là những bức họa trắng đen do họa sĩ của các nhà xuất bản vẽ, tranh minh họa giờ đây được đơn vị xuất bản đầu tư thành một hạng mục hẳn hoi bên cạnh chất lượng in ấn.
Một trong những minh chứng rõ nét cho điều này là sự xuất hiện của hàng loạt họa sĩ tên tuổi trong các ấn bản sách như Lê Thiết Cương, Thành Chương, Hà Trí Hiếu, Đặng Tiến, Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân, Lê Quảng Hà... Tranh càng hiếm càng quý, do đó, các đơn vị xuất bản khá chọn lọc để đưa tranh vào các đầu sách. Một số tranh chỉ xuất hiện trong các ấn phẩm thực sự đặc biệt, được in riêng ở cuối sách để người đọc thưởng lãm.
Quy trình là sau khi sách được xuất bản, đơn vị xuất bản sẽ tổ chức các buổi triển lãm cũng như đấu giá những bức tranh “độc nhất vô nhị” này. Nhiều tranh nhận được đánh giá cao về ý tưởng thể hiện, bố cục, gam màu, phong cách vẽ. Diện mạo của thị trường tranh nhờ đó nảy nở thêm một phân khúc, tuy hẹp nhưng luôn nhộn nhịp.
Khởi điểm của việc mua bán tranh minh họa bắt đầu từ năm 2017 khi Công ty Văn hóa Đông A tổ chức triển lãm các bức tranh minh họa gốc cho 2 ấn phẩm kinh điển do đơn vị này thực hiện là Truyện Kiều và Lục Vân Tiên. Nhiều nhà sưu tầm ngỏ ý muốn sở hữu các bức tranh trong triển lãm nên Đông A quyết định tổ chức đấu giá dưới cả 2 hình thức trực tiếp và online.
Tháng 6 vừa qua, Đông A Gallery đã đấu giá thành công 19 bức tranh minh họa trong tác phẩm Người Kép Già của nhà văn Kim Lân do họa sĩ Thành Chương thực hiện với giá 602 triệu đồng. Trong đó, bức tranh Người Kép Già (bìa sách) được trả với giá cao nhất là 120 triệu đồng. Trước đó, 13 bức minh họa Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và 7 bức minh họa đại diện trong Sách Tết Tân Sửu 2021 cũng được Đông A Gallery đấu giá thành công với tổng giá trị 639 triệu đồng.
Ảnh: TL. |
So với các tác phẩm hội họa độc lập, mức giá này của tranh minh họa là chưa cao. Tuy nhiên, đây là cột mốc đánh dấu tranh minh họa có một đời sống riêng thay vì gắn liền với tác phẩm văn học.
Thực tế cho thấy, không riêng Đông A, hầu hết các đơn vị làm sách đã và đang chú trọng đầu tư phần minh họa cho các ấn phẩm, cũng như hướng đến việc tạo dựng đời sống riêng cho các bức tranh. Bởi lẽ, đây là yếu tố sống còn giúp đơn vị tạo điểm nhấn riêng cho tác phẩm, thu hút người đọc cũng như giữ thế cạnh tranh trên thị trường.
Nhã Nam có Việt Nam Danh Tác; Phương Nam Book có Người Trồng Rừng (Jean Giono) được Chân Quy Nghiêm chuyển ngữ và họa sĩ Trần Quốc Anh minh họa; Nhà xuất bản Trẻ có Cánh Đồng Bất Tận (Nguyễn Ngọc Tư) do họa sĩ Minh Hải thực hiện, Cho Tôi xin Một Vé Đi Tuổi Thơ (Nguyễn Nhật Ánh) có thêm 8 trang truyện tranh do chính nhà văn viết lời trên phần tranh của họa sĩ Hoàng Tường trong ấn bản mới...
Nhà xuất bản Kim Đồng từ lâu đã có các tủ sách, bộ sách dành riêng cho mảng minh họa như Tủ sách Vàng, Tranh truyện dân gian, Tranh truyện lịch sử... với sự góp mặt của nhiều họa sĩ tên tuổi như Mai Long, Tạ Thúc Bình, Vũ Duy Nghĩa, Ngô Mạnh Lân, Phan Cẩm Thượng...
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, nhận xét: “Tranh minh họa cho sách là một tác phẩm riêng biệt khi đến tay người đọc. Vì vậy, mọi thứ phải tốt nhất. Trước hết là phải đẹp, sau đó là thể hiện được giá trị cốt lõi trong văn hóa Việt Nam, nhất định không để các trào lưu, xu hướng ảnh hưởng”. Rất nhiều tranh minh họa trong các đầu sách của Kim Đồng tạo được tiếng vang khi tung ra thị trường như Tuyển tập Thơ họa 5 Mùa, minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long trong Lĩnh Nam Chích Quái, Lược Sử Nước Việt, Dế Mèn Phiêu Lưu Ký... Đặc biệt, tác phẩm Trái Tim Của Mẹ do Hoài Anh viết, họa sĩ Đậu Đũa minh họa đã đạt Giải Grand Prize tại cuộc thi Samsung KidsTime Authors’ Award 2015 dành cho các tác giả Đông Nam Á.
Để tác phẩm minh họa có được vị thế độc lập, cần hội tụ nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng nhất là sự hợp tác chặt chẽ của đơn vị phát hành và họa sĩ. “Theo tôi, khó khăn lớn nhất của người vẽ minh họa là lặp lại chính bản thân mình, càng vẽ càng khó tìm ra điểm khác biệt”, họa sĩ Kim Duẩn chia sẻ.
Nhận định về sự phát triển của dòng tranh minh họa trong thời gian tới, ông Trần Đại Thắng, Giám đốc Công ty Văn hóa Đông A, cho rằng, để tranh có đời sống riêng, tạo thành thị trường phát triển độc lập và sâu rộng hơn, đòi hỏi sự định hướng lâu dài và đầu tư của các đơn vị làm sách.
Đây thực sự là một thách thức vì số lượng sách mỗi năm các đơn vị xuất bản làm rất nhiều, chưa kể kinh phí đầu tư cho một tác phẩm tranh minh họa khá lớn (từ việc chi trả cho họa sĩ đến công tác in ấn). Bên cạnh đó, để tranh tiếp cận với nhiều độc giả, buổi ra mắt sách giờ đây có thể kết hợp với triển lãm tranh trong một không gian nghệ thuật phục vụ cho nhu cầu thưởng lãm. Muốn như vậy, cần sự liên kết không chỉ giữa họa sĩ, đơn vị xuất bản mà còn cả các nhà triển lãm.