Chi phí LCOE của hệ thống điện Net zero thấp hơn ít nhất 20% so với kịch bản “thông thường”. Ảnh: T.L

 
Tuệ Anh Chủ Nhật | 25/09/2022 14:19

Dịch chuyển sang hệ thống Net zero, Việt Nam có thể tiết kiệm gần 30 tỉ USD/năm

Đến năm 2025, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu Net và tiết kiệm được 28 tỉ USD mỗi năm, đồng thời giảm 20% chi phí sản xuất điện.

Tập đoàn công nghệ toàn cầu Wärtsilä vừa công bố kết quả nghiên cứu mô phỏng hệ thống điện dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo được hỗ trợ bởi các động cơ ICE linh hoạt và các hệ thống pin tích trữ năng lượng. Theo nghiên cứu này, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu Net zero (phát thải ròng bằng “0”) vào năm 2050, tiết kiệm được 28 tỉ USD mỗi năm, đồng thời giảm 20% chi phí sản xuất điện (LCOE) khi tính đến các khoản thuế các-bon trong tương lai.

 

Theo báo cáo Tái định hình ngành Năng lượng tại khu vực Đông Nam Á, kết quả của nghiên cứu này cho thấy sự kết hợp giữa năng lượng tái tạo và nguồn điện linh hoạt đến từ các động cơ ICE và hệ thống pin tích trữ năng lượng có thể đáp ứng tin cậy sự gia tăng nhu cầu điện mạnh mẽ của Việt Nam, vốn đã tăng khoảng 10% mỗi năm trong thập kỷ qua - nhanh hơn tất cả các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

Đặc biệt là sau khi tính toán giá các-bon theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nghiên cứu cho thấy rằng chi phí LCOE của hệ thống điện Net zero thấp hơn ít nhất 20% so với kịch bản “thông thường” (BAU) của mô hình không có giới hạn phát thải.

Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc quốc gia Việt Nam, mảng năng lượng của Tập đoàn Wärtsilä cho biết: “Kết quả của nghiên cứu cho thấy rõ, cơ hội đang trong tầm tay của những người đứng đầu ngành năng lượng tại Việt Nam. Với việc tạo ra một hệ thống điện dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể giải quyết vấn đề về sự biến động của nhiên liệu hóa thạch và các ràng buộc giảm phát thải, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm trong tương lai."