Hóa chất trong các sản phẩm kem chống nắng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và gây ra các vấn đề khác cho sinh vật biển. Ảnh: TL.

 
Thùy Linh Thứ Sáu | 29/09/2023 14:48

Chú ý đến sự bền vững của sản phẩm kem chống nắng

Động lực chính là nhu cầu ngày càng tăng đối với các mặt hàng thân thiện với môi trường đắt tiền với chỉ số chống nắng (SPF) cao hơn.

Ngành công nghiệp kem chống nắng đang phát triển trên toàn cầu. Theo Fortune Business Insights, thị trường sản phẩm chống nắng có thể tăng từ mức khoảng 14 tỉ USD năm 2022 lên 20 tỉ USD vào năm 2030. Động lực chính là nhu cầu ngày càng tăng đối với các mặt hàng thân thiện với môi trường có chỉ số chống nắng (SPF) cao hơn và mức tiêu thụ gia tăng do mối lo ngại về ung thư da. 

Trong báo cáo mới nhất được công bố, Ngân hàng HSBC cho rằng mức tiêu thụ gia tăng sẽ khiến các bên liên quan tăng cường tập trung vào tác động môi trường của kem chống nắng, vì ước tính có khoảng 6.000-14.000 tấn kem chống nắng trôi ra biển hàng năm.

Hóa chất trong kem chống nắng và sinh vật biển. Nguồn: Báo cáo HSBC.
Hóa chất trong kem chống nắng và sinh vật biển. Nguồn: Báo cáo HSBC.

Theo HSBC, các nhà đầu tư nên xem xét việc hóa chất phổ biến được sử dụng trong các sản phẩm chống nắng đe dọa san hô và các sinh vật biển khác như thế nào. Kem chống nắng hóa học (hữu cơ) thường bao gồm các hoạt chất hấp thụ tia cực tím của mặt trời, chẳng hạn như oxybenzone (benzophenone-3) hoặc octinoxate (ethylhexyl methoxycinnamate). 

Ví dụ, nghiên cứu cho thấy rằng tỉ lệ san hô mất màu ngày càng tăng do nồng độ oxybenzone cao do thiếu hụt zooxanthellae (loài tảo đơn bào sống trong hầu hết các loại polyp san hô và giúp san hô tồn tại bằng cách cung cấp thức ăn cho san hô trong quá trình quang hợp).

 

Ngoài ra, hóa chất có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và gây ra các vấn đề khác cho sinh vật biển. Mặc dù một số quốc gia và vùng lãnh thổ cấm bán hoặc sử dụng các sản phẩm chống nắng có chứa hóa chất gây hại cho sinh vật biển ở một số khu vực (ví dụ: Hawaii, Quần đảo Virgin của Mỹ, Thái Lan, đảo Bonaire), những hóa chất này vẫn được phép sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm trên toàn thế giới.

HSBC cho rằng các nhà đầu tư có thể tạo ra sự khác biệt bằng cách xem xét kỹ lưỡng cách tiếp cận của các nhà sản xuất nhằm giảm tác động của kem chống nắng đến môi trường. Nhiều công ty tuyên bố rằng sản phẩm của họ "có thể phân hủy sinh học" hoặc "an toàn cho rạn san hô" vì dựa trên oxit kẽm hoặc titan dioxide (được gọi là kem chống nắng vật lý hoặc khoáng chất phản xạ tia cực tím từ mặt trời). Tuy nhiên, theo OECD, nhãn "sẵn sàng phân hủy sinh học" chỉ có thể được cấp cho sản phẩm đã đạt đến mức độ phân hủy sinh học vừa đủ (nhưng chưa hoàn toàn) theo một trong các thử nghiệm 301 của OECD  trong vòng 10 ngày.

Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng các dạng hạt nano (có kích thước micron hóa đến dưới 100 nm) của oxit kẽm hoặc titan dioxide, đã được sử dụng nhiều hơn trong một thập kỷ qua do bề ngoài ít đục hơn, có thể gây hại cho trai biển, tảo và các sinh vật biển khác. Hơn nữa, các bộ lọc UV vô cơ này thường được phủ các hóa chất có thể làm thay đổi đặc tính lý hóa và ảnh hưởng đến môi trường nước biển.

Có thể bạn quan tâm:

Vì sao Hawaii cấm du khách sử dụng kem chống nắng?

Hạnh phúc đo lường tăng trưởng