Ethiopia đang tập trung mạnh vào xe điện một phần vì việc nhập khẩu nhiên liệu rất tốn kém và 96% điện năng của nước này đến từ thủy điện sạch. Ảnh: Getty
Cách mạng xe điện và lệnh cấm ô tô chạy xăng tại Ethiopia
Trong những tháng gần đây, thủ đô Addis Ababa của Ethiopia (một quốc gia ở Đông Phi) đã chứng kiến tình trạng thiếu hụt nhiên liệu nghiêm trọng và sự tăng giá xăng, dẫn đến việc xếp hàng tại các trạm xăng. Tuy nhiên, tài xế xe điện Mikial Belayneh lại hoàn toàn tránh được sự bất tiện này. Anh cho biết: “Tôi không còn phải xếp hàng chờ đổ xăng nữa. Một lần sạc đầy chiếc Toyota bZ4X của tôi, mẫu xe điện phổ biến ở nước này có thể đủ cho hai ngày.”
Sự chuyển đổi nhanh chóng sang xe điện tại Addis Ababa không chỉ giúp anh Belayneh mà còn là một phần trong kế hoạch lớn của Ethiopia nhằm giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng triệu người. Bên cạnh các phương tiện chạy bằng xăng và diesel, ngày càng nhiều xe buýt điện, xe minibus 15 chỗ và xe máy điện đang xuất hiện trên các con phố của thủ đô.
Hiện tại, Ethiopia có khoảng 100.000 xe điện và chính phủ nước này dự đoán con số sẽ tăng gấp hơn bốn lần vào năm 2032. Sự gia tăng này chủ yếu nhờ vào quyết định táo bạo của chính phủ vào đầu năm 2024 khi cấm hoàn toàn việc nhập khẩu tất cả các loại xe chở khách chạy bằng xăng, biến Ethiopia thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện điều này. Đồng thời, thuế nhập khẩu đối với xe điện đã được giảm từ mức tối đa 200% xuống còn 15%, theo Bộ Tài chính của nước này.
Lắp ráp xe buýt điện tại một nhà máy ở Addis Ababa. Ảnh: CNN |
Chính phủ Ethiopia cũng đã thúc đẩy sản xuất xe điện trong nước bằng cách giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện xe điện gần như về mức “gần như không đáng kể”. Hàng trăm chiếc xe điện đã được lắp ráp bởi công ty Belayneh Kindie Group ở Ethiopia, sử dụng linh kiện nhập từ Trung Quốc. Ông Besufekad Shewaye quản lý của công ty, cho biết nhu cầu đối với xe điện đang tăng lên hàng ngày, đặc biệt là các loại xe nhẹ.
Ethiopia đang chuyển hướng mạnh mẽ sang xe điện một phần vì việc nhập khẩu nhiên liệu rất tốn kém, trong khi 96% điện năng của đất nước đến từ nguồn năng lượng thủy điện, giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường. Ông Jane Akumu, cán bộ của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc ở Kenya, nhận xét: “Họ thực sự là một quốc gia sử dụng năng lượng sạch. Tại sao phải nhập khẩu dầu khi bạn có thể sử dụng điện nội địa cho các phương tiện của mình?”.
Chính phủ Ethiopia đã nhận ra rằng, họ có nguồn năng lượng tái tạo phong phú và đã bắt đầu chuyển hướng sang xe điện để tận dụng lợi thế này. Ông Assefa Hadis Hagos, cố vấn giao thông của Bộ Giao thông và Logistic Ethiopia, cho biết lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu xe chạy bằng xăng vào tháng 1/2024 đã gây bất ngờ cho nhiều người trong khu vực. Ông Akumu, người dẫn đầu nỗ lực xóa bỏ xăng chứa chì ở châu Phi, cho rằng các quốc gia khác thường cần quá trình tham vấn và tham gia nhiều hơn để thực hiện các chính sách như vậy.
Số lượng ô tô trên đường ở Ethiopia vẫn còn khá thấp, chỉ khoảng 1,2 triệu chiếc, tương đương một chiếc xe cho mỗi 1.000 người dân. Trong khi đó ở Mỹ, hơn 91% người dân sở hữu ít nhất một chiếc xe, và tại Nigeria quốc gia đông dân nhất châu Phi có tổng cộng 11,8 triệu chiếc xe. Chính phủ Ethiopia đã giữ tỉ lệ sở hữu ô tô thấp bằng cách áp thuế cao đối với xe chạy xăng, khiến giá xe nhập khẩu cao gấp ba lần giá trị thực của xe, nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.
Mặc dù chính phủ đã giảm thuế hoặc loại bỏ một số thuế đối với xe điện nhập khẩu, việc mua xe điện vẫn còn đắt đỏ, chủ yếu dành cho những người có thu nhập cao. Ông Iman Abubaker, Chuyên gia về giao thông bền vững của Viện Tài nguyên Thế giới, cho biết việc khuyến khích đầu tư vào xe buýt điện và giao thông công cộng là cần thiết để các phương tiện này có thể được sử dụng bởi mọi tầng lớp thu nhập.
Mặc dù còn nhiều thách thức, đội xe của Ethiopia đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong số lượng xe điện, với tỉ lệ xe điện đã chiếm gần 10% trong tổng số phương tiện của nước này chỉ sau hai năm từ khi bắt đầu mục tiêu 10 năm để đưa vào hơn 100.000 xe điện. Chính phủ Ethiopia cảm thấy hài lòng với tốc độ chuyển đổi và cam kết giảm thiểu ô nhiễm khí hậu từ các phương tiện chạy xăng.
Đập Phục hưng Ethiopia vĩ đại, một nhà máy thủy điện khổng lồ trên sông Nile giáp ranh với Sudan và Ai Cập, sản xuất điện tại Benishangul-Gumuz, Ethiopia. Ảnh: Getty |
Hiện tại, Ethiopia là quốc gia duy nhất áp dụng lệnh cấm nhập khẩu xe chạy xăng. Các quốc gia khác ở châu Phi cũng đang bắt đầu chuyển sang sử dụng xe điện, dù không áp dụng lệnh cấm như Ethiopia. Ở Nairobi, Kenya, sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của xe máy điện đã được ghi nhận nhờ vào các ưu đãi thuế, với số lượng xe máy điện tăng gấp 5 lần trong một năm. Tại thủ đô Ethiopia, các biện pháp nghiêm ngặt như không cấp giấy phép cho xe máy chạy xăng đã được thực hiện, và thành phố cũng đã giới thiệu đội xe buýt điện đầu tiên của mình cho giao thông công cộng.
Cả Moses Nderitu (Giám đốc Điều hành Kenya của công ty xe buýt điện BasiGo) và Hezbon Mose (giám đốc quốc gia Kenya của công ty xe đạp điện Ampersand) đều tin rằng xe điện sẽ tiếp tục gia tăng trên toàn lục địa, khi một số quốc gia tìm cách thay thế dầu mỏ bằng điện năng rẻ hơn. Nderitu so sánh sự phát triển của xe điện với sự bùng nổ của điện thoại di động cách đây 30 năm, cho rằng châu Phi sẽ dần thấy sự phổ biến của công nghệ này giống như đã thấy với điện thoại di động.
Có thể bạn quan tâm:
Ván cược ESG của ngành năng lượng
Nguồn CNN