Việt Nam càng cần phải tiếp tục duy trì năng lực cạnh tranh của mình trên đường đua kinh tế. Ảnh: ALS Training.
Các nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng thận trọng khi nhận định về 2024
Bức tranh thực trạng chuỗi cung ứng tại Việt Nam được CEL, một công ty tư vấn trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, dựng lên từ khảo sát hơn 300 nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia cung ứng tại Việt Nam.
Phần lớn doanh nghiệp được khảo sát đánh giá hiệu quả hoạt động của năm 2023 không mấy tích cực, với 35% cảm thấy không hài lòng, và 22% thấy bình thường. Họ cho biết, “dự báo nhu cầu” là thách thức lớn nhất của năm (46,9%), kế đến là sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và quản trị hàng tồn kho. Nhìn lại một năm hoạt động, đa phần các doanh nghiệp cho rằng thành tựu lớn nhất họ đã đạt được là cải thiện mối quan hệ hợp tác với các nhà cung cấp (40,6%).
Hơn một nửa doanh nghiệp không hài lòng về hiệu quả hoạt động trong năm 2023. Nguồn: CEL. |
Nhìn về tương lai phía trước, phần lớn doanh nghiệp khá phòng thủ. Chỉ ¼ lạc quan khi nhận định về năm 2024, trong khi phần lớn cho rằng vẫn còn nhiều thách thức phía trước (40,6%) hoặc cảm thấy không chắc chắn về tương lai (25%). Hai chủ đề thu hút sự chú ý là Chuyển đổi số và tích hợp công nghệ (56,3%) và Quản trị rủi ro và nâng cao năng lực phục hồi (56,3%).
Hầu hết các nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng nhận định rằng, hoạt động chuỗi cung ứng đang bị trì trệ, và không có nhiều hy vọng sẽ phục hồi trước năm 2025. Thách thức lớn nhất đối với các nhà lãnh đạo là dự báo nhu cầu - năng lực dự đoán, điều gì sẽ diễn ra trong tương lai. Mức độ chính xác thấp của dự báo sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất của chuỗi cung ứng. Còn dự báo quá mức sẽ dẫn đến tồn kho gia tăng và giảm công suất hiệu dụng. Các nhà lãnh đạo cũng rất kỳ vọng về giá trị của áp dụng công nghệ trong hoạt động Chuỗi cung ứng.
Đa số nhận định thận trọng về năm 2024. Nguồn: CEL. |
Cụ thể, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động của chuỗi cung ứng trong nền kinh tế đầy biến động như hiện nay, tức là tăng cường giám sát và cải thiện khả năng phục hồi. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc liên kết các dữ liệu và hệ thống trong Chuỗi cung ứng - không chỉ đơn thuần là việc sử dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến một cách độc lập, từ đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc tích hợp hệ thống. Bên cạnh đó, yếu tố con người và phát triển bền vững cũng là những thách thức thứ yếu mà các nhà lãnh đạo quan tâm.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu có vẻ sẽ tiếp tục ảm đạm trong thời gian tới (2024-2025), Việt Nam càng cần phải tiếp tục duy trì năng lực cạnh tranh của mình trên đường đua kinh tế. Với nhu cầu xuất khẩu và nội địa hạn chế, hiệu quả của Chuỗi cung ứng càng trở thành mối quan tâm cấp bách của các nhà lãnh đạo. Kiểm soát và tích hợp chặt chẽ hơn các kênh phân phối, giám sát tốt hơn các gián đoạn tiềm ẩn và nâng cao năng lực dự báo nhu cầu của doanh nghiệp trong điều kiện không ổn định như hiện nay là những điểm trọng tâm chính của năm 2024.
Công nghệ được kỳ vọng rất cao sẽ có thể giải quyết những thách thức đó. Tuy nhiên, rất cần thay đổi về nhận thức cho rằng công nghệ là giải pháp duy nhất, là phương thuốc chính cho mọi vấn đề sắp tới của kinh doanh, cung ứng. Những vấn đề khác cũng quyết định hoặc phá vỡ chuỗi cung ứng của doanh nghiệp: Con người và môi trường.
Có thể quan tâm:
Không thể có doanh nghiệp bền vững nếu không có con người bền vững