Các tình nguyện viên dọn dẹp tầng một của một tòa nhà chung cư bị phá hủy sau thảm họa lũ lụt ở Rech, Đức. Ảnh: Financial Times.

 
Minh Duy Thứ Năm | 12/08/2021 18:00

Các hiện tượng thời tiết cực đoan liên tục xảy ra trên khắp thế giới

Sự bùng nổ của các thảm họa thiên nhiên đã tập trung sự chú ý vào việc thiết lập mối liên hệ trực tiếp với sự nóng lên toàn cầu.

Theo Financial Times, các hiện tượng thời tiết cực đoan liên tục xảy ra trên khắp thế giới trong thời gian gần đây khiến các nhà khoa học bị sốc dù họ từng có những dự báo về một kịch bản như vậy.

Hỏa hoạn, lũ lụt, sóng nhiệt và hạn hán liên tục xuất hiện trong thời gian gần đây, khiến giới khoa học vừa bất ngờ vừa lo ngại về sự tăng tốc và quy mô của chúng.

Tại thành phố Trịnh Châu của Trung Quốc, mưa lớn và lũ lụt đã khiến 51 người thiệt mạng chỉ trong một ngày, gây ra mức thiệt hại hơn 10 tỉ USD.

Nhiều người đi trên một chiếc xe tải khi họ vượt qua dòng nước lũ sau trận mưa lớn ở Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Nhiều người đi trên một chiếc xe tải khi họ vượt qua dòng nước lũ sau trận mưa lớn ở Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Ở phía nam bang Oregon, Mỹ, một đám cháy đã thiêu rụi phần đất có diện tích lớn gấp 25 lần khu vực Manhattan. Do xảy ra đúng đợt nắng nóng kỷ lục, đám cháy này đã kéo dài suốt nhiều tuần.

Ở Nga, vùng Yakutia phải ban bố tình trạng khẩn cấp vì hàng trăm đám cháy rừng. Giới chức nước này phải tạo ra mưa nhân tạo để dập tắt hỏa hoạn. Dù đã tính đến hiện tượng nóng lên toàn cầu, các nhà khoa học vẫn phải thừa nhận những sự kiện trên “vượt quá quy mô” so với dự đoán.

Giáo sư về khoa học khí hậu Chris Rapley từ Đại học College London cho biết: “Thay mặt nhiều nhà khoa học, tôi muốn nói rằng chúng tôi bị bất ngờ trước thực tại. Đáng chú ý, tần suất xảy ra các hiện tượng này đã thay đổi đáng kể”.

Cây cối cháy âm ỉ trong đám cháy Dixie gần Greenville, California, vào ngày 3/8. Ảnh: AFP.
Cây cối cháy âm ỉ trong đám cháy Dixie gần Greenville, California, vào ngày 3/8. Ảnh: AFP.

Đối với nhiều chuyên gia lâu năm, trận lũ lụt ở Đức, tình hình hạn hán ở Canada hay trận đại hồng thủy tại khu vực Biển Đen đều gây sửng sốt về cả tốc độ và quy mô thiệt hại.

Một yếu tố gây ra những hiện tượng này sự thay đổi của dòng tia (Jet stream). Dòng tia là luồng khí quyển chuyển động nhanh, theo dòng hẹp, có thể chi phối bầu khí quyển ở Bắc bán cầu. Trong những tháng hè, nó thường di chuyển chậm hơn và không thẳng hàng.

Giám đốc Michael Mann từ Trung tâm Khoa học Hệ thống Trái đất của Đại học Bang Pennsylvania giải thích: “Khi dòng tia đi chậm và phức tạp, các hệ thống áp suất cao và áp suất thấp sẽ tăng cường độ và bị mắc kẹt”.

Điều này đồng nghĩa với việc các đợt nắng nóng, hạn hán (liên quan đến hệ thống áp suất cao) và lũ lụt (liên quan đến hệ thống áp suất thấp) trở nên dai dẳng hơn. Hiện tượng này được gọi là “cộng hưởng sóng hành tinh”.

Dòng tia cũng gián tiếp gây ra cái nóng khắc nghiệt ở vùng Bắc Cực của Nga. Nơi đây đang ghi nhận hàng trăm trận cháy rừng trên diện rộng, tạo ra làn khói độc bao trùm thành phố cảng Yakutia, vốn từng là khu vực lạnh nhất hành tinh vào mùa đông.

Khi dòng tia chậm lại cũng là lúc Đức và Bỉ đối mặt với đợt lũ lụt nghiêm trọng trong tháng này. Hiện tượng thời tiết cực đoan đã khiến hơn 120 người thiệt mạng, hàng nghìn người mất tích và phá hủy nhiều thị trấn, thành phố.

Trước tình hình này, chuyên gia Michael Mann lo ngại các mô hình khí quyển hiện tại không thể dự báo chính xác. Ông nói: “các mô hình khí quyển đang đánh giá thấp mức ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan”.

 

Dù vậy, không phải thiên tai nào cũng liên quan đến dòng tia. Trên thực tế, hiện tượng nóng lên toàn cầu trực tiếp tác động đến lượng mưa và các cơn mưa, do không khí nóng thường có độ ẩm cao hơn.

Đây là lời giải thích cho hiện tượng lũ lụt nghiêm trọng ở Ấn Độ và Trung Quốc. Tại những nước này, lũ lụt bắt nguồn từ các chu kỳ gió mùa chứ không phải vì dòng tia.

Theo Cơ quan Khí tượng Trung Quốc, đây là hiện tượng lịch sử, vượt quá tầm hiểu biết trong suốt 5.000 năm qua.

Trong trận mưa xối xả làm ngập tỉnh Hà Nam vào tuần trước, thủ phủ Trịnh Châu đã ghi nhận lượng nước mưa cao ​​20 cm chỉ trong một giờ. Đến ngày 10/8 lũ lụt đã khiến 302 người thiệt mạng.

Cùng lúc này, các đội cứu hỏa ở vùng đông bắc nước Nga vẫn tiếp tục chiến đấu với hơn 200 đám cháy. Trước đây, khu vực Yakutia thường xuyên có mức nhiệt âm 50 độ C. Song giờ đây, Yakutia thường lập kỷ lục về nhiệt độ cao trong khu vực.

Từ lâu, Thống đốc Aysen Nikolayev đã cảnh báo về hiện tượng ấm lên toàn cầu: “Không nghi ngờ gì nữa, chỉ có một lý do là biến đổi khí hậu”.

Có thể bạn quan tâm:

California điêu đứng vì vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất trong lịch sử