Các nhà hoạt động của tổ chức Hòa bình xanh ở Seoul phản đối việc tài trợ cho các dự án than. Ảnh: EPA.

 
Phùng Mỹ Thứ Hai | 16/11/2020 14:31

Các đơn vị tài chính của Samsung cam kết ngừng đầu tư vào than

Các nhà đầu tư hoan nghênh động thái này khi các công ty con khác của tập đoàn cam kết từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Theo Financial Times, các đơn vị tài chính của Tập đoàn Samsung cam kết ngừng tất cả các khoản đầu tư vào các dự án than mới, bao gồm thông qua trái phiếu hoặc bảo lãnh phát hành bảo hiểm, trước áp lực yêu cầu giảm mức độ tiếp xúc với nhiên liệu hóa thạch ngày càng tăng.

Sự đảm bảo này được đưa ra để đáp lại những chỉ trích mà tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc đang gặp phải vì những khoản đầu tư khổng lồ vào các dự án nhiên liệu hóa thạch.

Các chi nhánh bảo hiểm chính của Samsung cam kết ngừng đầu tư vào than. Ảnh: Business Recorder.
Các chi nhánh bảo hiểm chính của Samsung cam kết ngừng đầu tư vào than. Ảnh: Business Recorder.

Phát ngôn viên của Samsung cho biết: “Chúng tôi quyết định tăng cường các chính sách không sử dụng than để bảo vệ môi trường và tăng cường trách nhiệm xã hội”.

Nghiên cứu cho thấy Samsung Life Insurance và Samsung Fire & Marine Insurance, các công ty bảo hiểm tài sản và nhân thọ lớn nhất Hàn Quốc, đã tài trợ 14 tỉ USD cho các dự án như vậy trong thập kỷ qua và có khoảng 2,5 tỉ won (2,2 tỉ USD) đầu tư nổi bật vào các dự án than.

Hai công ty trên thông báo hạn chế cấp vốn trực tiếp cho các dự án than mới kể từ tháng 6.2018. Nhưng hôm 12.11, các công ty cho biết họ sẽ không còn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nhằm xây dựng các nhà máy nhiệt điện than hoặc thực hiện các chính sách bảo hiểm cho các dự án như vậy.

Samsung Securities và Samsung Asset Management, công ty môi giới và quản lý quỹ của Tập đoàn Samsung, sẽ tạo ra các hướng dẫn đầu tư về môi trường, xã hội và quản trị để ngăn họ đầu tư mới vào khai thác than và các nhà máy điện than từ tháng 12.

Các đơn vị tài chính của Tập đoàn Samsung cũng cam kết mở rộng đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo và thân thiện với môi trường, bao gồm cả xe điện. Các báo cáo về những thay đổi sẽ được gửi đến Hội đồng Quản trị vào tháng 12 với một cam kết "thúc đẩy mạnh mẽ" cho chính sách mới.

Động thái này diễn ra sau một thông báo tương tự vào tháng trước của Samsung C&T, chi nhánh xây dựng của Tập đoàn, về việc ngừng đầu tư mới vào các dự án than, bao gồm xây dựng nhà máy điện và kinh doanh than. 

Hồi tháng trước, Samsung Electronics, viên ngọc quý của Tập đoàn và là nhà sản xuất chip máy tính và điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, sẽ mở rộng đầu tư vào ESG.

Các nhà đầu tư hoan nghênh động thái của Samsung và mong đợi các công ty và tập đoàn tài chính khác của Hàn Quốc sẽ làm theo, sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố về việc nước này đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo đó, Hàn Quốc cam kết chi 8 tỉ won cho tập trung tăng trưởng xanh.

 
Lượng khí thải CO2 của các nhà máy điện dự đoán lên tới 6 tỉ tấn, gấp 8 lần lượng khí nhà kính mà Hàn Quốc thải ra trong năm 2018. Ảnh: Korea Times.
Lượng khí thải CO2 của các nhà máy điện dự đoán lên tới 6 tỉ tấn, gấp 8 lần lượng khí nhà kính mà Hàn Quốc thải ra trong năm 2018. Ảnh: Korea Times.

Nhà hoạt động Lee Ji-eon tại Liên đoàn Phong trào Môi trường Hàn Quốc cũng kêu gọi Samsung ngừng đầu tư vào các dự án than hiện có và lên kế hoạch chi tiết để thực hiện các cam kết của mình.

Bất chấp áp lực ngày càng lớn, các công ty Hàn Quốc khó có thể rời bỏ nhiên liệu hóa thạch vì nhiều nhà sản xuất công nghệ cao sử dụng nhiều năng lượng vẫn phụ thuộc vào điện than. 

Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới, là nước phát thải carbon lớn thứ 7. Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nước này chỉ sản xuất 5% điện năng từ các nguồn tài nguyên tái tạo. Đây là tỉ lệ thấp nhất so với bất kỳ quốc gia OECD nào.

Có thể bạn quan tâm:

► Hàn Quốc cùng Nhật Bản thực hiện cam kết trung hòa carbon vào năm 2050