Với mức 10 tỉ tấn, quy mô của thị trường loại bỏ carbon sẽ dao động từ 300 tỉ USD đến 1,2 nghìn tỉ USD. Ảnh: The Economist.
Brazil và tiềm năng khổng lồ từ thị trường tín chỉ carbon
Một chiếc máy kéo với máy cày ngầm đã nhẹ nhàng nới lỏng đất và tạo ra những hố sâu trên mặt đất. Hàng chục người đàn ông đang làm việc miệt mài theo sau, thả từng cây con vào những hố sâu đó. Khung cảnh lao động này diễn ra tại một khu vực bị phá rừng ở Amazon, nơi mà ngay từ cái nhìn đầu tiên, nó trông giống như một ngành công nghiệp sản xuất giấy hơn là một thị trường tín chỉ carbon tự nguyện. Điều này là bất ngờ, bởi thị trường tín chỉ carbon tự nguyện được xem là một giải pháp quan trọng để các công ty có thể bù đắp lượng khí thải nhà kính của mình.
“Brazil có thể trở thành quốc gia loại bỏ carbon giống như cách Saudi Arabia từng là trung tâm sản xuất carbon. Và tôi muốn Mombak trở thành Saudi Aramco của lĩnh vực này”, ông Peter Fernandez từ Mombak, công ty quản lý dự án, cho biết.
Đây là một tuyên bố táo bạo đối với một thị trường đang gặp nhiều vấn đề về uy tín. Năm 2023, khối lượng tín chỉ carbon được giao dịch trên thị trường tự nguyện dự kiến chỉ còn dưới một nửa so với năm 2022. Giá trị của thị trường này đã giảm từ 1,9 tỉ USD xuống còn 723 triệu USD. Các doanh nghiệp mua tín chỉ đã gặp các vụ bê bối và chịu ảnh hưởng tiêu cực: một số nhà phát triển dự án đã yêu cầu tín chỉ để bảo vệ các khu rừng vốn không có nguy cơ bị chặt phá.
Tuy nhiên, tại Brazil, những người lạc quan như ông Fernandez lại xuất hiện ngày càng nhiều. Thay vì tập trung vào việc bảo vệ các khu rừng hiện có như nhiều dự án tín chỉ carbon khác, họ quyết định tái trồng rừng với quy mô lớn. Một ví dụ điển hình là công ty re.green đang trồng cây trên một diện tích lên đến 8.500 hecta (tương đương 21.000 mẫu Anh) đất đồng cỏ suy thoái. Vào tháng 5, Microsoft đã ký thỏa thuận mua 3 triệu tấn tín chỉ carbon trong vòng 15 năm từ re.green. Cũng trong thời gian gần đây, Google dự kiến sẽ công bố thỏa thuận với Mombak, đánh dấu lần đầu tiên công ty này tham gia vào việc tái trồng rừng thông qua tín chỉ carbon.
Nhóm người trên cho biết có 2 lý do để tin tưởng vào tiềm năng của thị trường. Thứ nhất, hầu hết các công ty lớn trên thế giới hiện đã đặt ra mục tiêu giảm lượng khí thải, chủ yếu do áp lực từ các cổ đông và cơ quan quản lý. Các ngành công nghiệp nặng, hàng không và công ty công nghệ không thể hoàn toàn giảm thiểu lượng khí thải của mình, do đó để đạt được mức phát thải ròng bằng 0, các công ty sẽ phải chi trả để loại bỏ carbon dioxide khỏi khí quyển.
Thứ hai, nhiều chính phủ đang mạnh tay áp dụng các biện pháp kiểm soát lượng khí thải. Mặc dù thị trường tự nguyện tách biệt với thị trường tuân thủ, đôi khi cả hai vẫn có sự giao thoa. Ví dụ, hệ thống hạn ngạch khí thải của California cho phép các bên tham gia sử dụng một số tín chỉ carbon được phát hành trên thị trường tự nguyện.
Hiện tại, chỉ có 2 tỉ tấn CO2 được loại bỏ khỏi khí quyển hàng năm thông qua các nỗ lực của con người, chủ yếu là nhờ tái trồng rừng. Tuy nhiên, để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tốc độ loại bỏ carbon cần tăng lên từ 5 tỉ đến 10 tỉ tấn mỗi năm vào năm 2050, theo ước tính của các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford. Với mức 10 tỉ tấn, quy mô của thị trường loại bỏ carbon sẽ dao động từ 300 tỉ USD đến 1,2 nghìn tỉ USD, theo ước tính của McKinsey.
Brazil có diện tích đất bị suy thoái rộng lớn và khí hậu nhiệt đới của quốc gia này vô cùng thuận lợi cho sự phát triển bùng nổ của cây cối. Các dự án đầy triển vọng của Mombak và re.green đã được triển khai trên những trang trại gia súc trước đây, nơi những chủ sở hữu đã quyết định bán đất khi nó không còn sinh lợi. Điều này có thể kích thích những cá nhân khác cũng muốn làm theo.
Theo tính toán của McKinsey, nếu giá tín chỉ carbon ước tính đạt 30 USD vào năm 2030, mức giá đã được áp dụng và vượt qua trong các giao dịch tái trồng rừng chất lượng cao hiện nay, thì việc chuyển từ chăn nuôi gia súc sang trồng rừng trên khoảng một nửa diện tích đồng cỏ của Brazil sẽ trở nên hấp dẫn hơn về mặt tài chính.
Khôi phục "lá phổi" của Trái đất
Tổng cộng, các khu rừng tái sinh của Brazil có khả năng đóng góp tới 15% tiềm năng loại bỏ carbon toàn cầu thông qua tái trồng rừng (quốc gia duy nhất khác có khả năng tương tự là Indonesia). Brazil, hiện đang là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ sáu trên thế giới, có thể trở thành quốc gia lớn duy nhất trên thế giới có khả năng đạt được mức âm carbon.
Brazil đang có nhiều tín hiệu lạc quan. Ngân hàng phát triển quốc gia tin rằng nước này có thể cho thuê 2,5 triệu hecta đất công cho các công ty tái trồng rừng, tạo ra một lượng tín chỉ carbon khổng lồ (giá trị của chúng sẽ phụ thuộc vào thị trường). Quốc hội Brazil đang thảo luận về một luật sẽ tạo ra hệ thống giao dịch khí thải.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức lớn. Khó khăn lớn nhất là tìm mua đất. Ở Brazil, việc chiếm đất thường được thực hiện bằng việc làm giả giấy tờ. Một thị trường trị giá hàng nghìn tỉ USD sẽ khó có thể hình thành nếu thiếu minh bạch. Các cơ quan xếp hạng công bố điểm tổng thể cho các dự án nhưng thường thu phí rất cao để cung cấp dữ liệu cơ bản. Điều này không ảnh hưởng đến các công ty lớn như Microsoft, công ty đang chiếm ưu thế trên thị trường loại bỏ carbon. “Gã khổng lồ” này đã mua tín chỉ để loại bỏ ít nhất 5 triệu tấn CO2 và có một bộ phận chuyên tìm kiếm các dự án. Ngược lại, các công ty nhỏ sẽ gặp khó khăn hơn để làm điều tương tự.
Các nhà quan sát thị trường đang chờ đợi một đạo luật có thể thúc đẩy ngành công nghiệp này. Kể từ khi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký kết vào năm 2015, các quốc gia đã đàm phán các quy tắc cho một thị trường carbon toàn cầu tích hợp cho phép họ mua tín chỉ của nhau để bù đắp lượng khí thải, bao gồm cả thị trường carbon tự nguyện. Vấn đề cuối cùng và cũng là phức tạp nhất của thỏa thuận là làm thế nào để tránh việc kéo dài quá trình bù trừ. Nếu vấn đề này được giải quyết, việc phục hồi Amazon sẽ mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm:
Tầng lớp siêu giàu toàn cầu tăng mạnh trong thập kỷ qua như thế nào?
Nguồn The Economist