Ông Heleno Campos Ferreira, 65 tuổi dắt gia súc đến đồng cỏ ở khu đô thị Pocoes ở Monteiro, bang Paraiba, Brazil. Ảnh: Reuters.

 
Phùng Mỹ Thứ Tư | 02/06/2021 09:46

Brazil đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 91 năm

Đây là thời điểm khô hạn nhất từng được ghi nhận.

Theo Reuters, các cơ quan chính phủ Brazil đã cảnh báo về tình trạng hạn hán trong tuần này khi nước này đối mặt với đợt khô hạn tồi tệ nhất trong 91 năm. Điều đó làm gia tăng lo ngại về phân bổ năng lượng, ảnh hưởng đến sản xuất thủy điện và nông nghiệp cũng như làm tăng nguy cơ cháy rừng Amazon.

Sau đợt hạn hán kéo dài ở miền Trung và Nam Brazil dọc theo lưu vực sông Parana, Ủy ban Giám sát Ngành Điện liên kết với Bộ Mỏ và Năng lượng Brazil đã khuyến nghị Cơ quan cấp nước quốc gia Brazil (ANA) tuyên bố tình trạng “khan hiếm nước”.

Các nhà khoa học cho biết thời tiết khô hạn có thể dẫn đến cháy rừng nghiêm trọng ở rừng nhiệt đới Amazon và vùng đầm lầy Pantanal. Ảnh: Reuters.
Các nhà khoa học cho biết thời tiết khô hạn có thể dẫn đến cháy rừng nghiêm trọng ở rừng nhiệt đới Amazon và vùng đầm lầy Pantanal. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, Cơ quan giám sát thời tiết Brazil đã liên kết với Bộ Nông nghiệp Brazil ban bố “cảnh báo hạn hán khẩn cấp” đầu tiên trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 và cho biết mưa có thể khan hiếm ở 5 bang của Brazil vào thời gian đó.

Lượng mưa giảm ở hầu hết các khu vực của Brazil gây tác động tiêu cực đến việc trồng ngũ cốc, chăn nuôi và sản xuất điện. Bởi lẽ, Brazil vốn phụ thuộc rất nhiều vào các đập thủy điện để cung cấp năng lượng. Các nhà khoa học cảnh báo, thời tiết khô hạn có thể dẫn đến cháy rừng nghiêm trọng ở rừng nhiệt đới Amazon và vùng đầm lầy Pantanal.

Ngoài ra, thời tiết khô hạn hơn bình thường đã ảnh hưởng đến sản lượng đường và cà phê ở Brazil. Bởi nước này là nhà cung cấp các sản phẩm đường và cà phê lớn nhất thế giới. Điều đó sẽ đẩy giá hàng hóa tăng cao trong thời gian tới.

Hạn hán ở Brazil sẽ tác động đến giá đường và cà phê thế giới, bởi quốc gia này là nhà cung cấp lớn nhất toàn cầu. Ảnh: The Economic Times.
Hạn hán ở Brazil sẽ tác động đến giá đường và cà phê thế giới, bởi quốc gia này là nhà cung cấp lớn nhất toàn cầu. Ảnh: The Economic Times.

Giá cà phê kỳ hạn chạm mức cao nhất 4-1 / 2 năm hôm 28.5 khi các thương nhân lo ngại rằng độ ẩm đất khô hạn nghiêm trọng ở Minas Gerais có thể ảnh hưởng đến vụ cà phê 2022.

Ủy ban Giám sát Ngành Điện cho biết, trước thực tế lượng mưa giảm, điều quan trọng là phải nới lỏng các hạn chế đối với một số nhà máy thủy điện để cho phép sản xuất hoặc tích trữ điện nhiều hơn ở một số khu vực nhất định. Tuy vậy, điều này sẽ đòi hỏi những cuộc đàm phán khó khăn với các chính trị gia thuộc Cơ quan cấp nước quốc gia Brazil và Cơ quan bảo vệ môi trường Brazil.

Trong lịch sử, đây là một trong những thời điểm khô hạn nhất được ghi nhận đối với những điểm có màu đỏ sẫm nhất. Lượng mưa mà những khu vực khô cằn này nhận được trong 6 tháng tới sẽ rất quan trọng đối với sản lượng cà phê và đường của Brazil trong những năm tới. Ảnh: TL.
Trong lịch sử, đây là một trong những thời điểm khô hạn nhất được ghi nhận đối với những điểm có màu đỏ sẫm nhất. Lượng mưa mà những khu vực khô cằn này nhận được trong 6 tháng tới sẽ rất quan trọng đối với sản lượng cà phê và đường của Brazil trong những năm tới. Ảnh: TL.

“Việc phân bổ năng lượng không được dự tính trước, nhưng nếu không nới lỏng các hạn chế thì không còn cách nào khác”, một nguồn tin cho biết.

Ngày 28.5, Bộ Mỏ và Năng lượng Brazil cho biết, tình hình hiện tại đang rất khó khăn, Bộ đã tìm cách mở rộng nguồn cung cấp năng lượng cho Brazil, nhưng loại trừ việc thuê năng lượng mới khẩn cấp. Theo Bộ này, tình trạng khô hạn sẽ tiếp tục trong những tháng tới, đặc biệt là ở các khu vực Đông Nam và Trung Tây nước này.

Có thể bạn quan tâm:

► Gần 1/5 diện tích đất liền trên trái đất bị biến đổi trong 60 năm qua