Hoa cẩm cù không chỉ đẹp mà còn có khả năng sinh trưởng tốt trong môi trường khói bụi đô thị. Ảnh: TL.
Biến hoa lạ thành quen
Đ ỗ Văn Phúc (sinh năm 1991) là một trong những thanh niên tiên phong trong lĩnh vực khởi nghiệp xanh tại tỉnh Bình Phước. Trong một lần tham gia chiến dịch tình nguyện, anh được một người bạn tặng một chậu hoa cẩm cù. Khi hoa nở, anh nhận ra sự khác biệt của loài hoa này, một vẻ đẹp hoang dã và thanh thoát với hương thơm nhẹ nhàng. Được biết đến với ý nghĩa phong thủy về sự viên mãn và tài lộc, loài hoa này ngay lập tức khơi nguồn cảm hứng và ý tưởng khởi nghiệp trong anh.
Sau khi nghiên cứu, Phúc nhận thấy hoa cẩm cù không chỉ đẹp mà còn có khả năng sinh trưởng tốt trong môi trường khói bụi đô thị - một lợi thế lớn cho thị trường cây xanh nội thất tại các thành phố lớn. Anh bắt đầu sưu tầm các giống hoa cẩm cù từ Vườn Quốc gia Bù Gia Mập gần nhà, đồng thời mua thêm các giống hoa từ khắp nơi trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài.
Nhưng khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng. Con đường chăm sóc hoa cẩm cù đầy thách thức với vô số các thất bại khi đây là loài hoa tự nhiên, khá mẫn cảm với chất hóa học. Trong khi đó, hoa cẩm cù tự nhiên ngày càng bị khai thác tận diệt, nhiều giống hoa đẹp gần như tuyệt chủng, loài hoa này dần mất giá trị...
May mắn, Phúc nhận được sự hỗ trợ và tư vấn từ Thạc sĩ Hoàng Sơn Công, Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Phát triển Tài năng Việt Nam, một chuyên gia về nông nghiệp hữu cơ. Qua các buổi trao đổi, anh bắt đầu hiểu và áp dụng các phương pháp trồng trọt bền vững, sử dụng vi sinh vật bản địa (IMO) để tự sản xuất phân bón hữu cơ. Phương pháp này giúp giảm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng cây trồng, thúc đẩy sự phát triển tốt hơn cho hoa cẩm cù.
Cụ thể, Phúc sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương như cám gạo và bột năng để sản xuất men vi sinh IMO4, rồi pha nước để làm phân bón. Qua đó, anh tiết kiệm hàng chục triệu đồng mỗi năm và giúp cây phát triển bền vững mà không phụ thuộc vào phân bón hóa học. Ngoài ra, anh còn sáng tạo ra phương pháp ủ phân bò bằng vi sinh để tạo thức ăn cho trùn quế, tạo ra phân trùn rất giàu dinh dưỡng, phù hợp với nhu cầu của hoa cẩm cù.
Phúc tự sản xuất phân bón từ các loại chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và các phụ phẩm nông nghiệp như bã mía, phân bò, tạo thành dịch chuối và các chế phẩm sinh học khác. Trải qua quá trình học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, Phúc đã mở rộng quy mô Vườn hoa cẩm cù Phúc (Phuc’s Hoya Garden) lên đến 0,7 ha tại thôn Bình Lợi, xã Phước Minh. Vườn hoa này hiện có hơn 400 loại cẩm cù, bao gồm nhiều giống quý hiếm của Việt Nam có giá trị cao trên thị trường quốc tế, như Hoya acuminata và Hoya polyneura.
Phuc’s Hoya Garden đang sở hữu khoảng 130.000 cây giống và 25.000 chậu hoa. Mô hình này không chỉ mang lại cho Phúc nguồn thu nhập ổn định từ 250-300 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí, mà còn tạo công ăn việc làm cho 10-15 lao động thời vụ trong mùa cao điểm và 5 nhân viên cố định, bao gồm cả người khuyết tật, giúp họ có được thu nhập ổn định. Bên cạnh hoạt động sản xuất, Phúc cũng phát triển các kênh phân phối sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki và quảng bá hoa qua mạng xã hội.
Không chỉ tập trung vào kinh doanh, Phúc còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng với ý thức cao về bảo vệ môi trường. Anh đã tham gia tổ chức nhiều chương trình đổi rác lấy cây hoa nhằm khuyến khích người dân giảm thiểu rác thải nhựa và trồng cây xanh để tạo ra không gian sống lành mạnh. Đặc biệt, anh đã tặng hơn 5.000 chậu hoa cho các trường học và tổ chức, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên cho các thế hệ trẻ.
Phúc cũng thường xuyên tổ chức các buổi hướng dẫn cho cộng đồng về cách làm phân bón hữu cơ và trồng hoa cẩm cù từ các vật liệu tái chế. Những buổi chia sẻ này không chỉ giúp người dân nắm bắt kiến thức cơ bản về trồng trọt mà còn khuyến khích họ thực hiện lối sống xanh và bảo vệ môi trường.
Trong hơn 3 năm khởi nghiệp, anh đã đạt được giải Ba cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Phước lần 2 và giải Ba cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đây là những cột mốc ghi nhận nỗ lực và tinh thần tiên phong của Phúc trong lĩnh vực khởi nghiệp xanh.
Ông Đặng Dương Minh Hoàng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc, đánh giá mô hình Phuc’s Hoya Garden có thể truyền cảm hứng và khơi dậy ước mơ làm giàu chính đáng trong giới trẻ. Bởi vì, nông nghiệp sinh thái là giải pháp giúp Việt Nam xây dựng nền nông nghiệp bền vững và thực hiện cam kết trở thành quốc gia có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đồng thời, đó cũng là lĩnh vực tạo cơ hội khởi nghiệp cho giới trẻ ngày nay. Đặc biệt, những bạn trẻ chọn nông nghiệp khởi nghiệp không nhiều và những thanh niên khởi nghiệp thành công với nông nghiệp còn ít hơn nữa. Sự tham gia của các bạn trẻ đang mang lại kỳ vọng thay đổi trong lĩnh vực nông nghiệp khi được tăng thêm các giá trị từ những xu hướng mới như chuyển đổi số, công nghệ sinh học, tự động hóa...
Thành công của các mô hình như Phuc’s Hoya Garden cho thấy tầm quan trọng của các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp sinh thái, đặc biệt là ở Việt Nam, thúc đẩy giải pháp tài chính khí hậu và tăng trưởng bền vững, bên cạnh hỗ trợ thanh niên xây dựng sinh kế bền vững cho bản thân và cho xã hội.
Mô hình trồng hoa cẩm cù ở Bình Phước cũng như trên cả nước còn nhỏ lẻ. Trong khi đó, thị trường loại hoa này lại phát triển khá nhanh ở các nước công nghiệp hoa kiểng như Thái Lan, Malaysia... Một suy nghĩ táo bạo của Phúc là anh đang nghiên cứu các thị trường tiềm năng quốc tế như Úc, châu Âu và châu Mỹ. Mặc dù quá trình tìm đường xuất ngoại cho hoa cẩm cù gặp không ít khó khăn do các yêu cầu kiểm dịch khắt khe và chi phí vận chuyển cao nhưng anh tin rằng với sự chăm sóc hữu cơ, loài hoa cẩm cù Việt Nam sẽ sớm chinh phục thị trường thế giới.
“Tôi mong muốn phát triển mô hình nông nghiệp xanh gắn liền với du lịch xanh để vừa phát triển kinh tế vừa lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, xây dựng một cộng đồng yêu thiên nhiên và đam mê với kinh tế xanh”, Phúc chia sẻ.