Theo các chuyên gia, ngay cả món ăn kèm của sushi, với vị cay nồng, cũng không được an toàn. Ảnh: The Guardian
Biến đổi khí hậu có thể làm món sushi của Nhật biến mất
Những người buôn bán tại chợ hải sản Shiogama không cho rằng một ngày nào đó người tiêu dùng Nhật Bản có thể bị tước đi món hải sản yêu thích, từ chân cua khổng lồ nóng hổi trong món lẩu nabe hay những quả trứng cá hồi nằm gọn trên cuộn cơm gói bằng rong biển. Mặc dù các quầy hàng trưng bày vẫn rất nhộn nhịp tại thị trấn cảng nhỏ này, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học chỉ ra một "tương lai ảm đạm" cho ẩm thực Nhật Bản do tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
Bà Miki Seino, một chủ quầy hàng ở Shiogama, thoáng mệt mỏi khi khách chỉ vào nơi trưng bày sanma - cá thu đao Thái Bình Dương - một món ngon vào mùa thu ở Nhật Bản.
“Sản lượng đánh bắt ít hơn và cá ít thịt hơn so với cách đây vài năm. Chúng tôi đã nghe nói về việc nhiệt độ nước biển tăng đang ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt ở Tohoku như thế nào. Và giá của chúng bây giờ đắt hơn rất nhiều.” bà Seino nói.
Chợ hải sản Shiogama, tỉnh Miyagi, Nhật Bản. Ảnh: The Guardian. |
Cơ quan thủy sản của Nhật Bản đã thông báo sự nóng lên toàn cầu đã thay đổi môi trường biển, khiến sản lượng cá thu đao cũng như mực, cá hồi và các mặt hàng chủ lực khác trong chế độ ăn của người Nhật ngày càng giảm.
Sự xuất hiện của các khối nước ấm trong Kuroshio - một dòng hải lưu ở phía bắc Đông Bắc Nhật Bản - đã đẩy con đường di cư sinh sản của cá thu đao ra xa hơn, nơi thức ăn ít dồi dào hơn, dẫn đến nguồn dự trữ cạn kiệt và chất lượng cá kém hơn.
Tiến sĩ Aiko Yamauchi, Phó chủ tịch của Seafood Legacy, một công ty tư vấn có trụ sở tại Nhật Bản hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản bền vững và các nhóm môi trường, cho biết sản lượng đánh bắt các loài được người Nhật yêu thích đã giảm mạnh kể từ năm 2014.
Ông Yamauchi nói: “Sản lượng đánh bắt các loài cá khác cũng sẽ kém tương tự hoặc tồi tệ hơn hiện tại. Chúng tôi rất lo ngại rằng nếu điều này xảy ra, phần lớn ngành thủy sản của Nhật Bản, cung cấp khoảng một nửa lượng thủy sản trong nước, sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng."
Khả năng tự cung cấp hải sản của Nhật Bản đã giảm (triệu tấn). |
Cách Shiogama hàng trăm dặm về phía tây nam, các cộng đồng ngư dân ở tỉnh Kochi đang lo lắng trước sản lượng cá ngừ vằn béo lớn bất thường, một món ngon địa phương thường được ăn sống.
Vịnh Kochi vốn là một ngư trường màu mỡ, nhiệt độ bề mặt trung bình của vịnh vào mùa đông đã tăng 2 độ C trong bốn thập kỷ qua. Về lâu dài, vùng nước ấm hơn có thể gây ra thảm họa, ngăn nước giàu khoáng chất nổi lên bề mặt, dẫn đến ít mồi cho cá lớn hơn - và ít cá ngừ vằn hơn.
Theo các chuyên gia, ngay cả món ăn kèm của sushi, với vị cay nồng, cũng không được an toàn. Họ nói rằng tần suất ngày càng tăng và mức độ nghiêm trọng của các cơn bão đang phá hủy các trang trại trồng wasabi, loại cây vốn chỉ có thể phát triển trong môi trường nước ở nhiệt độ 10-15 độ C trong suốt cả năm.
"Cá hồi, một thành phần chính của sushi, cũng đang gặp rủi ro", ông Ito nói. Cá không thể kiểm soát nhiệt độ cơ thể của chúng… lựa chọn duy nhất là chúng di cư về phía bắc. Các mô phỏng về sự thay đổi nhiệt độ nước biển cho thấy cá hồi có thể biến mất khỏi vùng biển xung quanh Hokkaido ở cực bắc Nhật Bản trong vài thập kỷ nữa.
Ông nói: “Những thay đổi này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chế độ ăn uống của người Nhật khi một số loài biến mất, nhưng chúng cũng có nghĩa là chúng ta sẽ thấy nhiều loài xâm lấn hơn.”
Hầu hết mọi người không thể nắm bắt được mức độ nghiêm trọng của những vấn đề này bởi vì họ cảm thấy chúng sẽ xảy ra trong tương lai rất xa. Ảnh: The Guardian. |
Một tương lai mà các loài giáp xác đã biến mất khỏi thực đơn dường như không thể tưởng tượng được, nhưng quá trình axit hóa đại dương có nguy cơ biến điều đó thành hiện thực. Nhiệt độ nước biển tăng khiến động vật có vỏ và động vật giáp xác khó hình thành canxi cacbonat, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của các loại hải sản phổ biến như sò điệp, nghêu, sò cũng như cua và tôm.
Ông Shin-ichi Ito, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Đại dương và Khí quyển của Đại học Tokyo, nói: “Hầu hết mọi người không thể nắm bắt được mức độ nghiêm trọng của những vấn đề này bởi vì họ cảm thấy chúng sẽ xảy ra trong tương lai rất xa. Và dường như những gì xảy ra vào năm 2100 không phải là vấn đề của họ... nhưng các động thái trong thời điểm hiện tại rất quan trọng."
Ông Jun Hoshikawa đã tận mắt chứng kiến những thay đổi đối với hoạt động đánh bắt hải sản địa phương trên đảo Yakushima, một di sản thiên nhiên thế giới được Unesco công nhận, nơi ông đã sống trong bốn thập kỷ. Ông Hoshikawa cho biết: “Sự thay đổi trong môi trường sống có thể trở thành một xu hướng đối với nhiều loài sinh vật biển do nhiệt độ nước biển tăng lên. Thật không may, hầu hết người Nhật vẫn chưa nhận thấy những thay đổi trong các loại hải sản mà họ tiêu thụ, mặc dù tôi hy vọng điều đó sẽ thay đổi trong những năm tới”.
Có thể bạn quan tâm:
Tại sao Trung Quốc sẽ không “giải cứu” ngành bất động sản của nước mình?
Nguồn The Guardian