Sân bay quốc tế Gelephu sẽ hoạt động 123 chuyến bay mỗi ngày. Ảnh: Bjarke Ingels

 
Thứ Tư | 26/03/2025 14:51

Bhutan bứt phá với sân bay mới, thúc đẩy phát triển bền vững

Dự án sân bay quốc tế Gelephu tại Bhutan sẽ kết hợp hiện đại với thiên nhiên, thúc đẩy du lịch bền vững và phát triển thành phố chánh niệm.

Chánh niệm (mindfulness) hiện đang là một trong những xu hướng phổ biến trong ngành công nghiệp sức khỏe tinh thần (wellness), với nhiều khách sạn, spa và lớp học được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu này. Và mới đây, Bhutan một quốc gia nằm ở dãy Himalaya, đang đưa khái niệm chánh niệm lên một tầm cao mới khi xây dựng một thành phố chánh niệm hoàn toàn khác.

Gelephu là một khu vực ở phía nam Bhutan gần biên giới Ấn Độ, đã được chọn làm nơi xây dựng thành phố này. Mặc dù thông tin về dự án vẫn còn khá hạn chế, gần đây, nhóm kiến trúc Bjarke Ingels Group (BIG) đã công bố thiết kế cho sân bay quốc tế Gelephu, theo các bản thiết kế, sân bay Gelephu sẽ bao gồm các cấu trúc hình thoi làm bằng gỗ, có tính mô-đun, giúp dễ dàng mở rộng và thay đổi trong tương lai.

Sân bay vốn là một trong những nơi căng thẳng nhất đối với hành khách, với các tình huống như chuyến bay bị trễ, hành lý mất tích, hay xếp hàng dài, liệu có thể thực sự truyền tải được tinh thần chánh niệm? Theo Ingels, bí quyết nằm ở việc kết hợp các yếu tố thiên nhiên trong thiết kế sân bay, đồng thời thể hiện được tinh thần "Hạnh phúc quốc gia" của Bhutan – một khái niệm mà Bhutan sử dụng để đo lường chất lượng cuộc sống, trong đó chú trọng đến sự an lạc và hạnh phúc của người dân.

Kiến trúc sân bay Gelephu sẽ được xây dựng với khung gỗ mô-đun, tạo ra sự linh hoạt và khả năng mở rộng trong tương lai. Các khung gỗ này sẽ được khắc và trang trí bằng các hình ảnh rồng, đại diện cho ba yếu tố của Bhutan: quá khứ, hiện tại và tương lai. Kiểu thiết kế này mang lại sự hòa hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa sự bền vững và sự đổi mới, tạo ra một không gian sân bay vừa thân thiện, vừa độc đáo.

Bản vẽ này cho thấy hình ảnh bên ngoài của Sân bay quốc tế Gelephu trong tương lai. Tập đoàn BIG-Bjarke Ingels
Bản vẽ hình ảnh Sân bay quốc tế Gelephu trong tương lai. Ảnh: Bjarke Ingels

Sân bay quốc tế Gelephu sẽ có diện tích lên tới 67.922m2, có khả năng phục vụ 123 chuyến bay mỗi ngày và tối đa 1,3 triệu hành khách mỗi năm. Con số này tuy không lớn so với các sân bay quốc tế nổi tiếng như Heathrow hay JFK, nhưng lại là một bước tiến quan trọng đối với Bhutan, quốc gia có diện tích nhỏ bé và dân số chỉ khoảng 750.000 người. Năm 2019, Bhutan chỉ đón tiếp 316.000 khách du lịch quốc tế.

Hiện tại, tất cả khách quốc tế đều phải bay vào Bhutan qua sân bay Paro (PBH), gần thủ đô Thimphu. Tuy nhiên, sân bay này có vị trí khó khăn, nằm giữa hai đỉnh núi cao của dãy Himalaya, cộng thêm gió mùa mạnh và thiếu đèn chiếu sáng đường băng, chỉ một vài chuyến bay nhỏ có thể hoạt động mỗi ngày, chủ yếu từ các thành phố gần Bhutan như New Delhi và Bangkok.

Với địa hình phẳng và không gian rộng lớn hơn, Gelephu đã được chọn làm địa điểm cho sân bay quốc tế mới. Điều này không chỉ giúp Bhutan có thể đón các chuyến bay quốc tế từ các địa phương xa hơn mà còn tạo điều kiện cho việc phát triển các liên kết đường sắt và đường bộ với Ấn Độ – đối tác chiến lược của Bhutan trong lĩnh vực ngoại giao và thương mại.

Dự án này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi Nhà Vua Bhutan, Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, người coi sân bay Gelephu là một yếu tố quan trọng đối với sự thành công của Thành phố Chánh niệm Gelephu (GMC). Theo Vua Bhutan, sân bay này không chỉ là yếu tố then chốt để phát triển kinh tế và du lịch mà còn có vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh Bhutan là một quốc gia không có biển.

Ngoài ra, Bhutan còn nổi tiếng với mô hình du lịch "giá trị cao, tác động thấp", trong đó khách du lịch phải trả một khoản phí phát triển bền vững hàng ngày là 100 USD, nhằm tài trợ cho các dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục và phát triển hạ tầng cơ sở. Chính sách này giúp Bhutan duy trì được sự phát triển bền vững mà không làm ảnh hưởng đến môi trường và văn hóa bản địa.

Mặc dù chưa có ngày mở cửa chính thức cho sân bay quốc tế Gelephu, nhưng dự án này hứa hẹn sẽ là bước tiến lớn trong việc phát triển du lịch và nâng cao chất lượng cuộc sống tại Bhutan. Sự kết hợp giữa thiên nhiên, thiết kế hiện đại và tinh thần chánh niệm trong sân bay và thành phố Gelephu sẽ tạo ra một không gian sống lý tưởng, không chỉ phục vụ nhu cầu di chuyển mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia này.

Có thể bạn quan tâm:

Điện mặt trời áp mái vẫn chờ nắng

Nguồn Nikke Asia