Ảnh: The United Nations.

 
Tuệ Anh Thứ Năm | 16/03/2023 14:44

Ba kịch bản phát triển Hydro xanh cho Việt Nam

Trong cả 3 kịch bản, nếu các máy điện phân chạy 90% công suất liên tục năm thì Việt Nam có thể sản xuất được 18,78 triệu tấn Hydro vào năm 2050.

Mới đây, ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, trên toàn cầu, Hydro xanh sản xuất từ điện phân nước chỉ đóng 0,03% sản lượng Hydro trong năm 2020. Tuy nhiên, việc cải thiện các công nghệ điện phân và chi phí năng lượng tái tạo (NLTT) thấp có thể giúp Hydro xanh có giá cạnh tranh vào năm 2030. Quan trọng hơn, các quốc gia có tiềm năng NLTT lớn, các mối quan hệ thương mại ưu đãi, chính trị ổn định và gần các nhà xuất khẩu lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương giống như Việt Nam sẽ hưởng lợi. 

Bên cạnh đó, quy mô sản xuất của ngành công nghiệp Hydro xanh sẽ lên tới gần 500 triệu tấn vào năm 2050, vượt xa với thời điểm hiện tại là 70 triệu tấn do nhu cầu tiêu thụ và chuyển đổi tăng cao trên quy mô toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia phát triển như Đức, Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc.

Nghiên cứu mới đây do UNDP và Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) thực hiện đã chỉ ra 3 kịch bản phát triển Hydro xanh tại Việt Nam dựa trên nguồn cung NLTT cho điện phân. Kịch bản 1 sử dụng nguồn NLTT không tập trung từ điện gió ngoài khơi, điện mặt trời và hệ thống lưu trữ pin. Kịch bản 2 sử dụng nguồn điện NLTT tập trung từ lưới điện của công ty điện lực. Kịch bản 3 có sự kết hợp sử dụng cả nguồn mua từ điện lưới NLTT, điện gió xa bờ và điện mặt trời. Ông Patrick Haverman cho biết, trong cả 3 kịch bản, nếu các máy điện phân chạy 90% công suất liên tục thì có thể sản xuất được ít nhất 18,78 triệu tấn Hydro vào năm 2050.

việc sử dụng Hydro xanh có thể giúp Việt Nam giảm khoảng 324,4 triệu tấn CO2 vào năm 2050.
Việc sử dụng Hydro xanh có thể giúp Việt Nam giảm khoảng 324,4 triệu tấn CO2 vào năm 2050. Ảnh: TUV

Vấn đề hiện nay là giá thành sản xuất Hydro xanh vẫn khá cao so với các loại hình NLTT khác. Dù vậy, cả 3 kịch bản đều dự báo chi phí sản xuất điện quy dẫn (LOCE) dự kiến sẽ giảm. Cao nhất là 11,81 USD/kilogram ở mức 65% công suất và thấp nhất là 2,42 USD/kilogram ở mức 90% công suất vào năm 2050. Viêc giảm chi phí có thể là do chi phí các công nghệ đầu vào chủ chốt sẽ giảm mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Trường, Chuyên gia thuộc Viện Năng lượng, việc sử dụng Hydro xanh có thể giúp Việt Nam giảm khoảng 324,4 triệu tấn CO2 vào năm 2050, đóng góp quan trọng cho mục tiêu Net Zero trong toàn lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, do giới hạn về khả năng sản xuất nên nếu chỉ sử dụng Hydro xanh là không đủ, mà cần sử dụng kết hợp nhiều giải pháp khác trong các ngành kinh tế và năng lượng.

Có thể bạn quan tâm: 

Khu công nghiệp ở TP.HCM chuyển sang mô hình sinh thái