Ảnh: T.L.

 
Tuệ Anh Thứ Sáu | 16/12/2022 11:06

93% khách hàng sẵn sàng chi thêm cho sản phẩm có yếu tố ESG

Gần 2/3 người tiêu dùng thế giới sẵn sàng trả thêm cho các công ty mà họ cho là đạt chuẩn mực đạo đức. Tại Việt Nam, con số này là 93%.

Báo cáo Trải nghiệm khách hàng xuất sắc (CEE) 2022 của Việt Nam vừa được KPMG Việt Nam công bố cho thấy, có tới 93% khách hàng tại Việt Nam sẵn sàng trả thêm cho các sản phẩm, dịch vụ được tích hợp ESG (sản phẩm từ công ty có cam kết mạnh mẽ cho các nguyên tắc môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp).

Theo báo cáo này, với tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng ở Việt Nam, khách hàng đang mong đợi nhiều hơn từ các thương hiệu để đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa của họ. Mặc dù có rất nhiều nguồn dữ liệu để nắm bắt chân dung khách hàng, từ các khảo sát, giao dịch khác nhau đến các kênh truyền thông như mạng xã hội, email, trò chuyện trực tiếp..., nhưng những nguồn dữ liệu này được lưu trữ rời rạc, dẫn đến việc dữ liệu không được tận dụng triệt để và chỉ có thể sử dụng riêng lẻ các thông tin để đưa ra các quyết định kinh doanh quan trọng.

Mức độ sẵn sàng chi trả thêm tiền của người tiêu dùng đối với các sản phẩm, dịch vụ có yếu tố ESG
Mức độ sẵn sàng chi trả thêm tiền của người tiêu dùng đối với các sản phẩm, dịch vụ có yếu tố ESG

Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải tích hợp hệ thống dịch vụ khách hàng, hệ thống quản lý khách hàng, hệ thống thanh toán, và nhóm vận hành để tạo ra góc nhìn 360 độ về khách hàng, kết hợp với các phân tích cần thiết để dự đoán hiệu quả khi nào và các loại sự cố có thể xảy ra nhằm đảm bảo cho một trải nghiệm đầu-cuối liền mạch. Điều này giúp các công ty hiểu về khách hàng của mình tới mức độ cá nhân, có được sự tiếp cận tới những sự thật ngầm hiểu, chẳng hạn như nhu cầu và kỳ vọng của họ trong suốt hành trình khách hàng và hành động trong thời gian thực. ​

Đặc biệt, báo cáo chỉ ra rằng người tiêu dùng Việt Nam đang trở nên cực kỳ ý thức về các lựa chọn trong phong cách sống của mình, họ nhận thức cao hơn về các ảnh hưởng từ việc tiêu thụ của mình lên môi trường và sức khỏe. Với sức mua đang tăng lên, người tiêu dùng sẵn lòng trả thêm cho tính bền vững, trách nhiệm xã hội, và cho một phong cách sống lành mạnh hơn”.

Khảo sát của KPMG cho thấy, trên phương diện toàn cầu, gần hai phần ba trong tổng số khách hàng sẵn sàng trả thêm cho các công ty mà họ nhận thấy công ty đó hoạt động có chuẩn mực đạo đức hoặc mang lại giá trị cho cộng đồng. Trong khi đó, tại Việt Nam, con số này đạt 93%.

Cụ thể, nhiều nhà hàng đang bắt đầu sử dụng ống hút giấy trong đồ uống để giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn chật vật để cân bằng giữa việc phải trả cao hơn thường lệ cho các sản phẩm thân thiện và bền vững với môi trường, với việc tối ưu hóa giỏ hàng của mình.

“Có thể thấy rõ nhu cầu giảm giá cho các sản phẩm bền vững vẫn còn là một nỗi đau nhức nhối mà khách hàng mong muốn được giải quyết. Các thương hiệu vì thế cần phải có sự chính trực, cũng như là đặt trọng tâm vào khách hàng. Họ cần phải lắng nghe và đáp ứng các mong muốn của khách hàng và hành động để mang đến các sản phẩm và dịch vụ có ảnh hưởng tích cực để đạt được mức độ hài lòng cao nhất”, báo cáo của KPMG nêu rõ.