Dù Trung Quốc cam kết đạt đỉnh phát thải trước năm 2030, quỹ đạo tăng trưởng hiện tại của nước này vẫn đặt ra nhiều thách thức. Ảnh: Getty

 
Thứ Hai | 14/07/2025 16:59

80% lượng khí nhà kính toàn cầu đến từ 15 nước

Trung Quốc đứng đầu với khoảng cách lớn trong danh sách các quốc gia có lượng khí thải carbon cao nhất vào năm 2023.

Một trong những nguồn phát thải CO₂ lớn nhất toàn cầu là ngành điện được sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện than là một trong những nguồn đóng góp đáng kể. Tại Trung Quốc, lượng khí thải từ sản xuất điện than đã tăng vọt kể từ đầu thế kỷ, và đạt 5,2 GtCO₂ vào năm 2023. 

Bất chấp việc nhiều quốc gia đã chuyển hướng và đầu tư mạnh vào các nguồn năng lượng sạch trong thập kỷ qua, lượng khí nhà kính toàn cầu vẫn lập mức cao kỷ lục trong năm 2023.

Đồ họa dưới đây xếp hạng 15 quốc gia phát thải carbon nhiều nhất, dựa trên dữ liệu năm 2023 từ Cơ sở Dữ liệu Phát thải Khí nhà kính Toàn cầu (EDGAR). Số liệu thể hiện lượng phát thải khí nhà kính cấp quốc gia, tính theo đơn vị tỉ tấn CO₂ tương đương (GtCO₂e). Tổng cộng 15 quốc gia này chiếm gần 80% lượng phát thải toàn cầu.

Trung Quốc đứng đầu thế giới với 15,9 GtCO₂e, tương đương 30,1% tổng phát thải toàn cầu trong năm 2023. Con số này phản ánh vai trò của Trung Quốc như “công xưởng của thế giới” nơi phụ thuộc lớn vào than đá và có sản lượng công nghiệp rất cao.

Trên thực tế, tỉ trọng sản xuất toàn cầu của Trung Quốc cũng ở mức tương đương khoảng 27%, cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa phát triển công nghiệp và phát thải khí nhà kính.

Dù Trung Quốc cam kết đạt đỉnh phát thải trước năm 2030, quỹ đạo tăng trưởng hiện tại của nước này vẫn đặt ra nhiều thách thức. Điều này cũng đồng nghĩa rằng mọi tiến bộ toàn cầu về khí hậu sẽ phụ thuộc rất lớn vào chính sách của Trung Quốc và cả hành vi tiêu dùng của người dân trên toàn thế giới.

Mỹ là quốc gia phát thải lớn thứ hai với 6,0 GtCO₂e, chiếm 11,3% tổng phát thải toàn cầu. Dù chỉ có khoảng 330 triệu dân tương đương bằng 1/4 dân số Trung Quốc, nhưng mức phát thải bình quân đầu người của Mỹ lên đến 15 GtCO₂e, thuộc hàng cao nhất thế giới.

Ấn Độ đã vượt qua Liên minh châu Âu để trở thành nguồn phát thải toàn cầu lớn thứ ba vào năm 2023, với 4,1 GtCO₂e (7,8%), thấp hơn Mỹ dù dân số gấp 4 lần. Các quốc gia đang phát triển ở châu Á hiện chiếm khoảng một nửa lượng khí thải toàn cầu, tăng từ khoảng 2/5 vào năm 2015 và khoảng 1/4 vào năm 2000. Lượng phát thải của Ấn Độ đang tăng lên nhanh chóng khi nền kinh tế và dân số mở rộng, đi theo con đường mà các quốc gia công nghiệp phương Tây từng trải qua để đạt được sự thịnh vượng.

Lượng khí thải bình quân đầu người tại Liên minh châu Âu đã giảm mạnh và hiện chỉ cao hơn khoảng 15% so với mức trung bình toàn cầu và thấp hơn khoảng 40% so với Trung Quốc. 

Một số quốc gia như Ả Rập Saudi, Úc và Canada nằm ở cuối danh sách, nhưng lại có mức phát thải bình quân đầu người rất cao, phản ánh đặc điểm nền kinh tế dựa vào tài nguyên và lối sống tiêu tốn nhiều năng lượng.

Trong khi đó, các nước như Brazil và Indonesia có lượng phát thải lớn do quá trình phát triển kinh tế, nạn phá rừng và việc sử dụng đất đai.

Có thể bạn quan tâm:

Vốn xanh sẵn sàng

Nguồn Visualcapitalist, IEA