Tất cả các ngân hàng lớn ở Bắc Mỹ đã phản đối khoan dầu ở Bắc Cực và 53 tổ chức cho vay trên toàn cầu đã cam kết sẽ tuân theo Thỏa thuận Paris. Ảnh: shutterstock.com
8 xu hướng bền vững 2021
Đại dịch COVID-19 đã khiến thế giới lao đao trong năm vừa qua, nhưng đồng thời đã đẩy nhanh một số xu hướng bền vững như sự dịch chuyển mạnh mẽ sang các dạng năng lượng carbon thấp hay sự trỗi dậy của xu hướng làm việc từ xa. Khi càng nhiều quốc gia triển khai vaccine COVID-19 trên diện rộng, năm 2021 sẽ mang đến những điều gì? Những tác động nào của COVID-19 chỉ có tính ngắn hạn và những tác động nào sẽ vẫn còn dai dẳng? Sau đây là 8 xu hướng bền vững trong năm 2021.
1. Xu hướng tẩy chay các khoản cho vay liên quan đến nhiên liệu hóa thạch
Tương lai cũng u ám đối với các dạng nhiên liệu hóa thạch khác như dầu và khí đốt. Ảnh: tapchicongthuong.vn |
Tình trạng dòng vốn tháo chạy khỏi các dạng năng lượng gây ô nhiễm môi trường được dự báo sẽ tăng tốc trong năm 2021. Theo số liệu của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), hơn 150 định chế tài chính toàn cầu lớn hiện đã có chính sách “thoát ly” khỏi than, với 65 ngân hàng cam kết siết chặt hơn nữa các quy định cho vay chỉ riêng trong năm 2020. Tương lai cũng u ám đối với các dạng nhiên liệu hóa thạch khác như dầu và khí đốt. COVID-19 đã làm dấy lên nỗi lo sợ rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ khô kiệt, dẫn đến các dự báo giá dầu giảm mạnh trong dài hạn. Trong khi đó, nhiều chứng cứ cho thấy một lượng khổng lồ khí methane, một tác nhân gây biến đổi khí hậu, được thải ra bởi ngành khí đốt. Đây là một hồi chuông báo động cho các thị trường tài chính.
Tất cả các ngân hàng lớn ở Bắc Mỹ đã phản đối khoan dầu ở Bắc Cực và 53 tổ chức cho vay trên toàn cầu đã cam kết sẽ tuân theo Thỏa thuận Paris. Cuối năm 2020, New York State, với danh mục tài chính trị giá 226 tỉ USD, đã trở thành quỹ lương hưu lớn nhất trên thế giới thoát ly khỏi nhiêu liệu hóa thạch. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi các tập đoàn dầu mỏ lớn như BP và ExxonMobil đã đánh mất gần 50% vốn hóa thị trường trong năm 2020.
Tim Buckley, Giám đốc Nghiên cứu tài chính năng lượng của IEEFA, nhận định: “Các thị trường tài chính đều thấy rõ dòng vốn tháo chạy khỏi các dạng nhiên liệu hóa thạch đang tăng tốc”.
2. Big Oil nhường sân chơi cho Big Tech
Các tập đoàn dầu mỏ (Big Oil) đã thống trị nền kinh tế toàn cầu trong một thời gian dài. Nhưng nhu cầu suy yếu đối với nhiêu liệu hóa thạch trong những năm gần đây và sự bùng phát đại dịch COVID-19 trong năm qua đã góp phần tạo nên những thay đổi sâu rộng mà đang dần xóa sổ thời đại của Big Oil và hướng về thời đại của Big Tech.
“Với sự thống trị của các người chơi Big Tech như Google, Facebook, Amazon, Apple và sự trỗi dậy của các công ty công nghệ có trụ sở tại Trung Quốc, vấn đề tính riêng tư, an ninh dữ liệu sẽ trở thành tâm điểm trong năm 2021”, Thomas Milburn, Giám đốc Corporate Citizenship, công ty tư vấn bền vững tại Anh, nhận định. Khả năng của công nghệ trong việc tự động tạo ra tin giả, tác động của truyền thông xã hội lên giới trẻ và việc lạm dụng các thiết bị công nghệ là rất đáng ngại, Milburn nói thêm.
Ảnh: smaclink.com |
Theo Milburn, ngày càng nhiều mối lo ngại về vấn đề đạo đức và làm thế nào công nghệ được sử dụng cho mục đích vì sức khỏe và lợi ích lành mạnh của nhân loại. Giới chuyên gia dự báo sẽ có nhiều quy định hơn được đưa ra trong các vấn đề liên quan.
3. Sự trỗi dậy của “lao động xanh” trong nền kinh tế hậu COVID-19
Mặc dù các gói kích thích kinh tế của nhiều nước vẫn chưa phân bổ vốn hợp lý cho mục đích phục hồi xanh hậu COVID-19, nhưng có những dấu hiệu cho thấy đang diễn ra một cuộc dịch chuyển sang các việc làm xanh.
Ảnh: theconversation.com |
Theo nội dung của sáng kiến Green New Deal được công bố vào tháng 5.2020, Hàn Quốc sẽ thiết lập một Trung tâm Chuyển dịch Năng lượng Khu vực để hỗ trợ người lao động khi họ chuyển sang các ngành nghề bền vững hơn. Chính phủ nước này ban đầu đề xuất đầu tư 10,5 tỉ USD trong 2 năm tiếp theo với mục tiêu tạo ra 133.000 việc làm. Kế hoạch này bao gồm tu bổ các tòa nhà công cộng, tạo ra các khu rừng đô thị, tái chế, lập một quỹ năng lượng mới và tái tạo cũng như ra mắt các khu phức hợp công nghiệp carbon thấp để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Singapore cũng đang nỗ lực phát triển các việc làm trong lĩnh vực bền vững. Bộ trưởng Bộ môi trường và Bền vững Grace Fu cho biết vào tháng 8 vừa qua rằng sẽ cần đến các nhà khoa học môi trường, các kỹ sư, nhà chuyên môn, nhà khoa học để giúp đảo quốc Sư tử gia tăng năng lực đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu. Anh Quốc cũng cam kết đầu tư hơn 5 tỉ USD nhằm tạo ra 250.000 việc làm xanh mới, một nỗ lực trong chiến lược net zero của nước này.
4. Xanh hóa sáng kiến “Một vành đai, một con đường”
Năm 2020 Trung Quốc đã cam kết sẽ trung lập carbon vào năm 2060, đưa thế giới tiến gần hơn với mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 20C. Nhưng nếu cứ đẩy tăng lượng khí thải thông qua các hoạt động đầu tư ở nước ngoài thì cho dù có giảm lượng khí thải trong nước, quốc gia thải khí lớn nhất thế giới này vẫn khó có thể đánh bóng tên tuổi trong các cuộc thương thảo khí hậu tại Glasgow trong năm nay.
Ảnh: globaltimes.cn |
Một khi đại dịch được kiểm soát, Trung Quốc dự kiến sẽ tái khởi động sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (BRI), một dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ trải dài gần 70 quốc gia từ châu Á đến châu Âu. Trước các khuyến cáo gần đây rằng BRI có thể khiến cho nhiệt độ tăng lên tới 30C, việc xanh hóa các dự án thuộc BRI sẽ trở thành một đề tài chủ đạo trong năm 2021.
Có những dấu hiệu cho thấy các hoạt động đầu tư của Trung Quốc bên ngoài lãnh thổ đang thay đổi. Tại Ai Cập, một nhà máy điện chạy than do Trung Quốc hậu thuẫn, dự án lớn thứ 2 thế giới, đã bị hoãn lại vô thời hạn vào tháng 4.2020, 3 tháng sau khi một tập đoàn Trung Quốc ký hợp đồng xây dựng một nhà máy mặt trời công suất 500 MW tại đây. Vào tháng 11.2020, một ngân hàng Trung Quốc đã rút khỏi một dự án triển khai nhà máy than ở Kenya.
“Tham vọng vươn ra toàn cầu của Trung Quốc sẽ được tái khởi động hậu đại dịch. Nhưng BRI đã bị quá nhiều điều tiếng nên Bắc Kinh cần phải đưa các dự án BRI trở nên thân thiện hơn với các quốc gia mà chúng hiện diện. Thêm nữa, khi an ninh năng lượng ngày càng quan trọng, câu hỏi đặt ra là tại sao lại xây dựng các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, trong khi có nhiều nguồn năng lượng gió và mặt trời có sẵn tại địa phương?”, Buckley thuộc IEEFA nhận định.
5. Làm việc tại nhà lên ngôi
Đại dịch COVID-19 đã buộc nhiều doanh nghiệp phải thích ứng với các hình thức làm việc linh hoạt hơn từ đầu năm 2020. Sau khi đã đầu tư không nhỏ vào các công cụ hỗ trợ làm việc từ xa, nhiều công ty trong các lĩnh vực bảo hiểm, dịch vụ tài chính, công nghệ và truyền thông có thể sẽ không quay trở lại với phương thức làm việc cũ trong một sớm một chiều, thậm chí khi sự xuất hiện vaccine đã làm giảm rủi ro cho những nhân viên quay trở lại văn phòng làm việc.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp đã nhận ra lợi ích của hình thức làm việc tại nhà và các nhân viên cũng không muốn rời khỏi những tiện nghi trong ngôi nhà cũng như quá chán với việc phải chen lấn hàng giờ trên các toa tàu, xe buýt chật chội. Khi người dân ít ra đường đi làm mỗi ngày, lưu lượng xe cộ di chuyển trên đường sẽ giảm hẳn. Trong khi đó, vận tải là một tác nhân lớn gây biến đổi khí hậu. Ngành vận tải (chủ yếu là vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không và đường biển) chiếm tới hơn 24% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu trong năm 2016.
Ảnh: shutterstock.com |
Khi nhân viên không còn thường xuyên đến văn phòng làm việc, nhiều văn phòng có thể được chuyển đổi sang các mục đích sử dụng khác trong năm 2021 và những năm tiếp theo, khi chính phủ các nước tìm cách giải quyết tình trạng thiếu nhà ở. Các phòng họp và không gian chia sẻ cũng sẽ thay thế cho nơi làm việc truyền thống.
6. Làn sóng du lịch xanh
COVID-19 đã làm đảo lộn ngành du lịch trong năm 2020, khiến cho ngành này tổn thất hơn 120 triệu việc làm. Giữa lúc các nước đang tìm cách tái khởi động ngành du lịch trong năm 2021, các nhà khai thác tour du lịch đã đúc kết bài học từ cuộc khủng hoảng COVID-19 khi bắt đầu thúc đẩy các hoạt động kinh doanh bền vững vì môi trường và bảo tồn đa dạng sinh thái.
Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn |
Những địa điểm luôn quá tải khách du lịch nay có xu hướng đẩy mạnh khai thác nguồn thực phẩm địa phương, sử dụng các dạng năng lượng tái tạo, vận tải sạch, các tòa nhà xanh và xử lý rác thải tốt hơn, trong khi người đi du lịch có ý thức hơn với những tác động họ gây ra cho văn hóa và môi trường địa phương. Điều này có nghĩa là du khách phải chấp nhận trả một cái giá cao hơn để có được những “trải nghiệm có trách nhiệm”.
Vì đại dịch vẫn còn khó kiểm soát ở nhiều nước trên thế giới, các doanh nghiệp sẽ cần phải tái khởi động du lịch một cách có trách nhiệm để tránh nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Dù “bong bóng du lịch” (còn gọi là hành lang du lịch hoặc hành lang Corona, là thỏa thuận độc quyền giữa các quốc gia hoặc địa phương khá thành công trong việc ngăn chặn đại dịch) đang được một số quốc gia tạm hoãn do sự tăng cao của các ca nhiễm, nhưng không ít nước vẫn nhiệt tình tìm kiếm đối tác “bong bóng du lịch” nhằm nhanh chóng khôi phục nền kinh tế. Singapore, chẳng hạn, cho phép công dân từ các quốc gia như Úc, Brunei, Trung Quốc, New Zealand và Việt Nam... thực hiện các chuyến du lịch ngắn ngày mà không cần cách ly. Hay Úc và New Zealand đã công bố thiết lập “bong bóng du lịch” vào quý I/2021.
7. Thời của y tế bền vững
Ngành y tế đang có ý thức hơn về môi trường sinh thái. “Từ cải thiện tính hiệu quả chi phí cho đến chính sách thu mua bền vững, ngành chăm sóc sức khỏe đang ngày càng hướng đến bền vững. Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu nổi cộm trong năm 2021 và những năm tiếp theo”, Paeng Lopez thuộc Health Care Without Harm, một tổ chức về hạn chế ảnh hưởng môi trường của ngành y tế trên thế giới, nhận định.
Lopez cho biết số lượng cơ sở y tế sử dụng điện mặt trời áp mái đang gia tăng. Các cơ sở y tế tiêu thụ lượng điện năng rất lớn, mặc dù một thực tế là hơn 1 tỉ người trên thế giới vẫn chưa tiếp cận được các cơ sở y tế có nguồn cung cấp điện ổn định, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ảnh: edu.au |
Cũng theo Lopez, các bệnh viện cũng sẽ đưa ra nhiều giải pháp hơn để kiểm soát và hạn chế lượng rác thải y tế, ước tính tăng thêm 1.000 tấn rác mỗi ngày ở Đông Nam Á; thậm chí các cơ sở y tế nhỏ trong khu vực cũng đang nỗ lực giảm thiểu lượng rác thải ra. Bệnh viện St Paul’s ở Ilo-Ilo tại Philippines, chẳng hạn, đang sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân có thể tái sử dụng để hạn chế rác thải.
8. Cơn sốt săn tìm nguyên vật liệu
Để sản xuất pin và tấm pin năng lượng mặt trời, các kim loại quý như coban, niken và đồng rất cần thiết cho một tương lai carbon thấp. Một số tập đoàn khai thác khoáng sản đang để mắt tới đáy đại dương. Nhiều cuộc thương thảo đang diễn ra có thể mở đường cho hoạt động khai thác dưới đáy biển. Sớm nhất là vào đầu năm 2021 Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế có thể bật đèn xanh cho các hoạt động khai khoáng dưới đáy đại dương tại các vùng biển quốc tế.
Ảnh: abc.net.au |
Nhưng các nhà hoạt động môi trường khuyến cáo hoạt động khai thác đáy biển có thể hủy hoạt môi trường sống của toàn bộ hệ sinh vật và cho rằng vẫn còn đủ nguồn tài nguyên trên đất liền. Bằng chứng là các công ty đang khám phá ra những phương cách thu hồi kim loại từ nguồn rác thải khổng lồ, như rác điện tử (điện thoại thông minh, máy tính bảng, tivi...), hoặc chính rác thải từ các nguồn năng lượng sạch.
Nghiên cứu cho thấy rác điện tử có mức độ tập trung kim loại quý gấp hơn 50 lần so với các quặng được khai thác trên trái đất. Hay theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, đến năm 2050 sẽ có 78 triệu tấn rác tấm pin năng lượng mặt trời, gấp hơn 8.500 lần trọng lượng của tháp Eiffel tại Paris. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng tại châu Á, nơi các thị trường năng lượng mặt trời đang bành trướng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Năm 2021 sẽ chỉ ra liệu các doanh nghiệp khai khoáng sẽ thắng thế hay các tổ chức môi trường sẽ thuyết phục được các quốc gia “tha” cho đáy biển, một trong những phòng tuyến cuối cùng của mẹ thiên nhiên.