Adrian Anh Tuấn là một đơn cử trưởng thành của ngành thời trang Việt Nam giai đoạn sơ khai.
Adrian Anh Tuấn – Từ sàn catwalk đến cuộc sống
Bài viết được thực hiện vào năm 2012
Đưa thời trang nghệ thuật vào cuộc sống. Thương mại hóa, thực hiện nhượng quyền thời trang đầu tiên tại Việt Nam. Đây là 2 cột mốc khó quên trong hành trình của nhà thiết kế Adrian Anh Tuấn.
Quần jean của Miss Sixty. Áo sơ-mi của Dolce & Gabbana. Mắt kính của Tom Ford. Túi xách của Mulberry. Áo thun của chợ phiên cuối tuần ở Bangkok, Thái Lan. Trang phục dạ hội do tự mình thiết kế. Đó là những nét chấm phá cơ bản gu thời trang của Adrian Anh Tuấn, một nhà thiết kế kiêm doanh nhân thuộc thế hệ đời đầu 8x, cũng là một trong số ít những nhà thiết kế trẻ đầu tiên của làng thời trang Việt Nam thương mại hóa những thứ tưởng chỉ có thể tồn tại trên sàn catwalk.
Adrian Anh Tuấn (biệt danh là “Ni”) có điểm đặc biệt trong giao tiếp, với lối thời trang “unisex”, cách ứng xử vừa phải, thông minh, rất tự nhiên khi chia sẻ về cả 2 chủ đề thời trang và kinh doanh. Tuấn là người đồng sáng lập thương hiệu Valenciani, phong cách thời trang dành cho nữ giới tại Việt Nam. Anh cũng là Giám đốc Sáng tạo của ICE, thương hiệu thời trang Việt Nam của Công ty Duy Anh Trading, thuộc Tập đoàn IPP.
Adrian Anh Tuấn là một đơn cử trưởng thành của ngành thời trang Việt Nam giai đoạn sơ khai. |
Chúng tôi có một buổi trưa với nhiều câu chuyện nhẹ nhàng tại Nhà hàng & Bar Xu nằm ngay trung tâm Sài Gòn, nơi thường lui tới của Adrian Anh Tuấn. Đặt câu hỏi đầu tiên về những nhà thiết kế thời trang Việt Nam từng biết cách thương mại hóa các sản phẩm thiết kế của mình, Tuấn đưa ra vài cái tên như Công Trí, Đỗ Mạnh Cường, Kelly Bùi.
Adrian Anh Tuấn là một đơn cử trưởng thành của ngành thời trang Việt Nam giai đoạn sơ khai. Đầu những năm 2000, dường như chỉ có cái tên Minh Hạnh là quyền lực trong giới, bởi những bộ sưu tập thời trang của bà có khả năng đi vào đời sống và được thương mại hóa tốt. Hơn 5 năm sau đó, Công Trí nổi lên như một đại diện trẻ về khả năng này, mặc dù một vài bộ sưu tập của anh vẫn còn chọn lọc người mặc. Cùng thời, Adrian Anh Tuấn bắt đầu tham gia xu hướng với một thử nghiệm mới: thời trang cao cấp được thương mại hóa đại chúng. Đó là, thay vì chỉ làm vài mẫu như đơn đặt hàng, Valenciani - kết hợp giữa tên đối tác của anh là Valencia và Ni, biệt danh của Tuấn - bắt đầu giới thiệu hàng chục sản phẩm trên từng mẫu khác nhau. Từ đó, Adrian Anh Tuấn trở thành một trong số ít những nhà thiết kế tiên phong trong hướng đi “công nghiệp hóa cho thời trang nghệ thuật”.
Valenciani bắt đầu được Tuấn thai nghén vào năm 2005 và 2 năm sau mới trình làng. “Thời gian đó, tôi đã đi khắp nơi ở châu Á để tìm mua nguyên liệu vải đặc biệt cho các sản phẩm của mình, phải tìm thợ giỏi trong lúc ngành này chưa phát triển mạnh. Với những sản phẩm đầu tiên không vừa ý, tôi cứ phải chỉnh đi chỉnh lại. Thế là mất 2 năm!”, anh chia sẻ. Thách thức hơn, Tuấn định vị Valenciani cao cấp với mức giá trung bình 2,7-7 triệu đồng/sản phẩm, trong khi các nhà thiết kế khác có mức giá thấp hơn. Sân chơi thời trang này còn có không ít những sản phẩm thời trang nhập khẩu từ nước ngoài với mức giá rất cạnh tranh, chẳng hạn Mango, hoặc các nhà kinh doanh nội địa tên tuổi khác, như Công ty Thời trang Việt.
Để thuyết phục khách hàng, anh chăm chút kỹ lưỡng cho các bộ sưu tập. Ngoài thế mạnh về nguồn vải, chất lượng thiết kế, Tuấn đã tiêu tốn những khoản tiền lớn cho các website chuyên cung cấp thông tin nghiên cứu thị trường và xu hướng thời trang, đón đầu các xu hướng thời trang mới trước 6 tháng. “Khi bạn muốn trình làng một thứ gì đó cho 6 tháng tới, bạn đã phải biết lúc này những người tạo ra xu hướng thời trang thế giới - là những tổ chức chuyên định hướng thời trang ở bên Pháp - đã công bố xu hướng gì, chủ yếu là xu hướng màu, kiểu dáng, các loại vải…”, Tuấn nói.
Sự khác biệt và đón đầu xu hướng giúp Adrian Anh Tuấn nhanh chóng tạo được lượng khách hàng trung thành cho Valenciani với tăng trưởng doanh thu bình quân 25%/năm, và trở thành thương hiệu thời trang Việt Nam thành công trong nhượng quyền thương hiệu, với 1 trung tâm chính tọa lạc tại Saigon Center và 3 nhà nhượng quyền lớn tại TP.HCM và Hà Nội. Với mô hình này, Tuấn cho biết phải liên tục cho ra các bộ sưu tập mới, 3 tháng một lần, và mỗi bộ sưu tập khoảng 80 mẫu.
Quan điểm thương mại hóa thời trang nghệ thuật xuất phát từ kinh nghiệm học vấn và nền tảng gia đình. Bố mẹ anh là những nhà nhập khẩu thời trang và phân phối lớn từ thời kỳ Việt Nam đi vào kinh tế thị trường. Anh từng tham gia một phần vào công việc gia đình trước khi đặt chân đến Học viện thời trang Kalawin - Esmod Guerre Lavigne của Pháp đặt tại Thái Lan, khởi đầu cho con đường thời trang chuyên nghiệp.
Khi cái tên nghe rất Tây là Valenciani ra đời, câu chuyện nhượng quyền đã được Adrian Anh Tuấn tính đến, cũng như giấc mơ của anh về một nhãn hiệu thời trang Việt Nam có thể đi ra thế giới. Tuấn đặt nhiều niềm tin vào cửa hiệu đầu tiên của Valenciani ở trung tâm thương mại Takashimaya Singapore được mở hồi năm 2011. “Tôi đã kiểm chứng sự thử nghiệm của tôi, dù rằng nó có thể có rủi ro. Áp lực lớn nhất cho tôi dĩ nhiên là có rất nhiều thương hiệu thời trang ở Singapore. Và tiền thuê mặt bằng cũng rất đắt. Một cửa hàng Valenciani ở Saigon Center là vài ngàn USD, trong khi ở Takashimaya Singapore đắt gấp 10 lần. Đó là chưa kể đến gu ăn mặc của người Việt và Singapore khác nhau. Chúng ta yêu chuộng thời trang hơn, cầu kỳ hơn, còn người Singapore thì nhẹ nhàng, đơn giản và tinh tế hơn”, anh chia sẻ.
Trong sân chơi thời trang nghệ thuật được thương mại hóa, các nhà thiết kế Việt Nam dường như vẫn đang co cụm trong một chiếc nôi hẹp. Ngoài trừ một số ít nhà thiết kế có tiếng tự đầu tư các showroom để trưng bày quần áo nghệ thuật bán sẵn thì hàng chục nhà thiết kế mới, với tham vọng đưa thời trang nghệ thuật vào cộng đồng, cũng chỉ chen chân vào Zen Plaza, một trung tâm thương mại không quá đông khách tại khu vực TP.HCM hoặc trung tâm Vietnam Designer House do nhà thiết kế Minh Hạnh sáng lập.
Không chỉ dừng lại ở nhượng quyền trong nước và mở rộng ra nước ngoài, Adrian Anh Tuấn còn “đầu quân” về Duy Anh, một công ty thuộc Tập đoàn IPP của Việt Nam với vai trò là Giám đốc Sáng tạo cho thương hiệu ICE của công ty này. Việc gia nhập Duy Anh giúp nhà thiết kế trẻ có thêm tiềm lực để xây dựng thương hiệu Valenciani. Tuấn chia sẻ: “Bên cạnh việc phát triển ICE cho Duy Anh, thương hiệu Valenciani cũng có thêm sự hỗ trợ về nguồn lực để phát triển từ công ty này. Xu hướng thời trang của ICE là đơn giản, tiện dụng, tinh tế, trong khi Valenciani lại nữ tính và sang trọng”. Anh nói: “Bạn muốn lớn mạnh, bạn cần vốn và nguồn lực, một mình bạn khó mà làm được!”.
Một ngày của Adrian Anh Tuấn trở nên bận rộn hơn cho 2 thương hiệu. ICE thành lập năm 2005 với sản phẩm chủ lực là thời trang công sở cho nữ giới và các sản phẩm, phụ kiện từ lụa với hệ thống phân phối nằm trong Diamond, Parkson và Saigon Center và nhiệm vụ mới của Tuấn là cải tiến thương hiệu, cũng như phát triển những thị trường mới. “Trách nhiệm về cả 2 thương hiệu giờ đây như nhau, cứ 3 tháng một lần, phải có 1 bộ sưu tập cho mỗi thương hiệu. Nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc vì có một sân chơi lớn để tham gia”, anh bộc bạch.
Trong câu chuyện nói về kinh doanh và sự nghiệp, Tuấn không ít lần chia sẻ những thông tin mới nhất của anh về thời trang, cũng như trăn trở của anh về một thế hệ những nhà thiết kế mới. Tuấn cho biết, xu hướng thời trang thế giới năm 2012 cho nữ giới chủ đạo về màu cam, tay vai tròn, khác với màu hồng hoặc tím, tay vai nhọn của năm 2011. Và anh cũng không quên đưa một nhận xét với vai trò là giám khảo của nhiều cuộc thi thời trang: “Việt Nam ngày càng có nhiều nhà thiết kế trẻ rất tài năng, nhưng tài năng này sẽ phát triển đến đâu là cả một chặng đường dài”.
Tính đến năm 2021, Adrian Anh Tuấn đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng giới mộ điệu thời trang qua các bộ sưu tập Đào, Yên, Kẻ mộng mơ, Hiệu ứng những cánh bướm... Anh tiếp tục được biết đến trong vai trò nhà kinh doanh thời trang có tư duy linh loạt, mạnh dạn nắm bắt cơ hội và thay đổi. Sinh năm 1980, sau khi tốt nghiệp Học viện thời trang quốc tế Kalawin - Esmod Guerre Lavigne tại Bangkok, Adrian làm việc cho nhiều hãng thời trang lớn và được tiếp xúc với các thương hiệu nổi tiếng như Versace và Roberto Cavalli. Năm 2015, Adrian Anh Tuấn kết hôn với doanh nhân Việt kiều Sơn Đoàn, trở thành cặp đôi đồng giới đầu tiên kết hôn ở showbiz Việt, sau đó thì đăng ký kết hôn hợp pháp tại Mỹ, quốc gia công nhận hình thức hôn nhân này. |